Chủ nhật, 24/11/2024 05:36 (GMT+7)
Thứ năm, 19/11/2020 17:07 (GMT+7)

GS.TS–NGND Đặng Thị Kim Chi: Nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường

Theo dõi KTMT trên

GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi được biết đến là một giảng viên mẫu mực. Bà còn tiên phong trong nghiên cứu khoa học và có nhiều đóng góp giúp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề của Việt Nam.

Cuộc trò chuyện bất ngờ

Tôi may mắn được gặp được GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội) sau khi bà vừa tham dự một buổi hội thảo tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy", bà vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, sẵn sàng xuất hiện ở những nơi có sự kiện liên quan đến môi trường.

Trước khi gặp bà Chi, tôi tự hình dung có thể bà là một người nghiêm khắc, khô khan bởi tính chất công việc của một người làm nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, mọi “phỏng đoán” của tôi đều “việt vị” khi trước mắt tôi là một người phụ nữ giản dị gần gũi nhưng không mất đi vẻ đẹp thanh lịch quý phái của một người phụ nữ Hà thành.

GS.TS–NGND Đặng Thị Kim Chi: Nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường - Ảnh 1
GS.TS-NGND Đặng Thị Kim Chi. (Ảnh: Hà Cường)

Ngay sau khi gặp được GS Chi, tôi có nhã ý được mời bà sang một quán cà phê phía đối diện bên kia đường Tôn Thất Thuyết. Tuy nhiên, bà Chi từ chối vì cho rằng không cần thiết phải như vậy. GS Chi ngỏ ý cuộc phỏng vấn có thể diễn ra ngay tại nhà chờ xe buýt cạnh cổng ra vào trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

GS Kim Chi sinh ra trong một gia đình tri thức. Từ nhỏ, bà đã được giáo dục tinh thần ham học, yêu sách vở và trong mọi việc đều phải kiên nhẫn, bền bỉ. Đến giờ bà vẫn ghi nhớ lời dặn của cha: “Việc học là suốt cả cuộc đời, hãy luôn cố gắng”.

GS.TS–NGND Đặng Thị Kim Chi: Nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường - Ảnh 2
GS.TS Đặng Thị Kim Chi đi thực tết tại mỏ vàng Phước Sơn. (Ảnh:moitruong.net.vn)

Năm 1971, GS Kim Chi tốt nghiệp Khoa Hoá (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) với tấm bằng loại ưu và được giữ lại làm giảng viên, sau đó được cử sang Cộng hoà Dân chủ Đức làm nghiên cứu sinh về chuyên ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường. Năm 1983, sau khi về nước, GS Chi cùng 5 người khác, tạo thành một nhóm chuyên ngành về Kỹ thuật Bảo vệ môi trường đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

“Năm 1989, Bộ môn Kỹ thuật môi trường (Trường Đại học Bách khoa) được thành lập. Đến năm 1994 chúng tôi tiến tới thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ Môi trường, rồi đến năm 1998 thì phát triển thành Viện Khoa học và Công nghệ môi trường. Sự thành lập của Viện có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi các lứa kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu được đào tạo từ thời điểm này”, GS Chi bồi hồi nhớ lại.

Nhờ sự chuẩn bị khá sớm này đã giúp Việt Nam có đội ngũ cán bộ kỹ thuật môi trường được trang bị kiến thức tốt, kịp thời tham gia giải quyết những vấn đề nóng về môi trường khi đất nước bước vào giai đoạn “bùng nổ” kinh tế.

GS.TS–NGND Đặng Thị Kim Chi: Nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường - Ảnh 3
Bà không ngại đường xa, vượt hàng trăm cây số để có mặt tại các điểm nóng về môi trường. (Ảnh: báo TN&MT).

Nhắc đến học trò, GS Chi rất vui. Có gia đình cả mẹ, cả con đều là học trò của bà. Chia sẻ về học trò, bà thổ lộ: “Với tôi điều tự hào nhất là học trò luôn ghi nhớ về mình và những điều mà mình đã truyền đạt cho các bạn ấy. Tôi luôn tự hào vì mình đã hoàn thành tốt vai trò của một người giáo viên khi đã góp phần tạo ra các công dân có ích cho xã hội”.

Với GS Chi, giáo viên ngoài nhiệm vụ chính là truyền đạt kiến thức còn một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là tôi rèn học trò trở thành người tử tế, có ích cho xã hội. Để làm được điều đó, bà luôn tự dặn mình phải gương mẫu từ những việc nhỏ nhất để hoàn thiện bản thân.

Gần 50 năm, đứng trên bục giảng bà có rất nhiều kỷ niệm với các thế hệ sinh viên. Thế nhưng, một trong những câu chuyện khiến bà nhớ nhất về sự mẫu mực của người giáo viên diễn ra cách đây hơn 20 năm. Ngày đó, trên con đường từ giảng đường Đại học Bách khoa Hà Nội về phòng làm việc của bà tại Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường phải đi qua một con đường đôi.

Buổi trưa hôm đó, theo đúng thói quen của mình, bà đi bộ vòng qua dải phân cách theo đúng quy định thay vì đi tắt qua thảm cỏ trên dải phân cách như những người khác. Vừa đi đến bên kia đường, bà nghe thấy tiếng cười ré lên của các cô cậu sinh viên. Sau này bà mới hay lúc đó các cô cậu học trò của mình đánh cược “cô Chi” có giẫm lên cỏ, đi ngang qua dải phân cách hay không? Nghe học trò kể lại, bà hiểu rằng thầy cô giáo cần chú ý trong mọi việc làm dù là nhỏ nhất để cho học trò noi theo.

Nhà khoa học của làng nghề

Ngoài giảng dạy, GS Kim Chi đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Nghe tin ở đâu có vấn đề bức xúc về môi trường là bà có mặt. Bà không ngại đường xa, vượt hàng trăm cây số để có mặt tại các điểm nóng. Bà sẵn sàng nghiên cứu, phân tích một cách nhanh nhất để làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

GS.TS–NGND Đặng Thị Kim Chi: Nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường - Ảnh 4
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải thưởng Kovaleskia 2008 cho GS.TS. Đặng Kim Chi (Ảnh: Báo TNMT).

Chia sẻ về lý do theo đuổi đề tài môi trường làng nghề bà cho biết: "Năm 1998, cô được tiếp xúc với chuyên gia người Mỹ đến Việt Nam để nghiên cứu vấn đề môi trường tại các làng nghề thủ công. Sau khi tham gia đề tài và đi thực tế tại các làng nghề ở Bắc Ninh cô nhận thấy rằng, vấn đề môi trường của làng nghề, một loại hình sản xuất rất đặc trưng của Việt Nam này lại đang bị bỏ ngỏ”.

Từ suy nghĩ này, GS Kim Chi quyết tâm đi sâu vào nghiên cứu và thực tiễn về môi trường ở các làng nghề. Càng tìm hiểu, bà lại càng nhận thấy được nhiều điểm đặc biệt của làng nghề Việt Nam, cũng như càng nhận thức được sự cấp thiết của việc giải bài toán về môi trường của loại hình sản xuất này.

Làng nghề là một hình thức rất đặc trưng của nông thôn Việt Nam và chỉ ở Việt Nam mới có nhiều làng nghề như vậy. Đó là một hoạt động phi nông nghiệp nhưng lại tồn tại trong vùng nông thôn. Làng nghề ra đời nhằm tận dụng lao động lúc nông nhàn. Ban đầu, các sản phẩm làng nghề chỉ được trao đổi mua bán trong làng xã nhưng rồi lại được mở rộng giao thương ra các tỉnh và thậm chí là xuất khẩu. Nói tóm lại đây là hướng phát triển kinh tế nông thôn rất đặc thù.

Cũng chính vì là hoạt động kinh tế tự phát từ những người nông dân nên sản xuất làng nghề có nhiều điểm hạn chế nhất định. Ví dụ: Công nghệ sử dụng lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ và xen kẽ với hoạt động sinh hoạt gia đình. Vì vậy, vấn đề chất thải phát sinh từ các hoạt động nghề thủ công thậm chí còn nhiều hơn các hoạt động sản xuất hiện đại, quy mô lớn.

Một trong những điều khiến tôi băn khoăn nhất chính là việc các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm ngay trong khu dân cư, nên gây tác động trực tiếp đến những người dân vừa sinh sống vừa sản xuất tại đây. Nhận thức được trách nhiệm của mình về một vấn đề môi trường đang rất nóng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực này, tôi đã quyết định đi sâu vào lĩnh vực môi trường các làng nghề Việt Nam”, GS Kim Chi chia sẻ.

GS.TS–NGND Đặng Thị Kim Chi: Nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường - Ảnh 5
GS. TS Đặng Thị Kim chi trong một chuyến đi thực tế cùng với các đồng nghiệp. (Ảnh: Báo TNMT).

Sau nhiều năm đi sâu vào lĩnh vực môi trường làng nghề, GS Kim Chi đúc rút được rằng, đánh giá chất lượng môi trường làng nghề phải phụ thuộc vào đặc thù công nghệ sản xuất và sản phẩm của làng nghề đó.

Việc đánh giá chất lượng môi trường làng nghề phải phụ thuộc vào đặc thù công nghệ sản xuất và sản phẩm của làng nghề đó. Ví dụ, với làng nghề dệt nhuộm thì vấn đề ô nhiễm môi trường tập trung vào nước thải có chứa màu nhuộm và một số hóa chất, khí thải có bụi và các khí ô nhiễm do dùng than nấu nhuộm vải; làng nghề chế biến thực phẩm thì nước thải phát sinh nhiều với đặc trưng của quá trình chế biến tinh bột như sắn, bún, bánh phở và giết mổ chăn nuôi gắn liền với nhau; làng nghề tái chế phế liệu như nhựa, giấy thì ngoài ô nhiễm nặng về nước thải, khí thải và kèm theo chất thải rắn sinh ra từ quá trình phân loại. Sự phân loại này cũng chính là định hướng để chúng tôi xây dựng các nội dung trong công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam".

Với những cống hiến của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, hoạt động xã hội, bà đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ ... và nhiều Huy chương, Bằng khen khác: Giải thưởng Môi trường Việt Nam 2005, đặc biệt là giải thưởng Kovalevskaia 2008 – Giải thưởng tôn vinh các tập thể và cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Và gần đây nhất GS Kim Chi đã nhận được giải nhất về lĩnh vực môi trường của giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019.

Hiện tại GS Kim Chi không còn trực tiếp giảng dạy nữa nhưng bà vẫn không cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi. Hiện GS Kim Chi vẫn tham gia hướng dẫn luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ. Từ năm 2010 tới nay, bà là Phó Chủ nhiệm chương trình nghiên cứu Khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về Bảo vệ Môi trường và Phòng tránh Thiên tai KC08 ; Chủ nhiệm chương trình KHCN MT&TN TP.Hà Nội 01C-09  và là thành viên của hàng loạt các hội đồng khoa học uy tín khác.

Trong suốt cuộc đời gần 50 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và hiện nay tại Hội BVTN&MT Việt Nam, GS Đặng Thị Kim Chi đã làm chủ nhiệm và tham gia 42 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố 83 bài báo khoa học, đồng tác giả của 1 bằng sáng chế (về “Quy trình điều chế chất xúc tác spinel nikel nhôm, sản phẩm xúc tác spinel nikel nhôm sử dụng cho phản ứng khử chọn lọc xúc tác đối với khí NO trong khí thải”).

Bà cũng là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách như: “Việt Nam - Môi trường và cuộc sống”, “Giáo trình kinh tế chất thải”, chủ biên cuốn “Làng nghề Việt Nam và Môi trường”, “Hoá học môi trường”…

Hà Cường

Bạn đang đọc bài viết GS.TS–NGND Đặng Thị Kim Chi: Nhà khoa học có nhiều đóng góp cho môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới