Chủ nhật, 24/11/2024 10:36 (GMT+7)
Thứ tư, 23/06/2021 14:13 (GMT+7)

Hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm: Liệu có khả thi?

Theo dõi KTMT trên

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm.

Cần giải pháp “đột phá”

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) mới có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm. VAFI cho rằng, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn & trung hạn đang ở mức từ 3,5%-6,2%/năm là rất cao so với các nước và dẫn đến lãi suất cho vay gấp từ 2–3 lần. Đây là 1 bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Trong khi đó, các nước Âu–Mỹ, các nước Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ   0%/năm,  thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2%-5%, tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người  thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

Các nước trong khối ASEAN như Thailan, Philipine, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2%-0,7%/năm.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc như các nước trong khu vực để có thể thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm.

Hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm: Liệu có khả thi? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Việc lãi suất tiền gửi và cho vay tại Việt Nam vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển và khó có thể hạ nhanh là do Việt Nam chưa có được hệ thống giải pháp kiểm soát dòng tiền tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi, để hướng nó vào các kênh đầu tư có lợi cho nền kinh tế, đồng thời cũng ngăn chặn được nó chảy vào các kênh không có lợi cho nền kinh tế như chảy vào thị trường bất động sản hay vào ngoại tệ. 

Từ đó, Hiệp Hội Các Nhà Đầu tư tài chính Việt Nam đề xuất Chính phủ ban hành các giải pháp để đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%, cụ thể:

Thứ nhất, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi với phương châm ban đầu có thể ở mức thấp đủ để ngăn ngừa dòng tiền đầu cơ sau đó tăng dần như thông lệ các nước. Giải pháp này là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.

Thứ hai, hướng mạnh dòng tiền nhàn rỗi chảy mạnh vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2 %/năm và như vậy hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.

Thứ ba, khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ thì ngân hàng nhà nước cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở một mức nhất định nhằm đảm bảo chính sách tỉ giá ổn định và không làm mất cân đối kinh tế vỹ mô.

Thứ tư, kiểm soát chặt thâm hụt ngân sách hàng năm, khi qua được dịch Covid-19 thì tỉ lệ thâm hụt ngân sách và nợ công cần giảm dần để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia, đủ sức đương đầu với mọi cuộc khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần tham khảo chính sách chi tiêu ngân sách của người Đức.

Cuối cùng, hệ thống ngân hàng trong nước tiếp tục được củng cố theo hướng loại bỏ ngân hàng yếu kém, cải thiện cơ cấu cổ đông bằng việc tăng cường cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược thật sự, hạn chế dần tình trạng ngân hàng thuộc sở hữu của một tập đoàn và phải ngăn ngừa tình trạng tham nhũng trong bất kỳ ngân hàng nào.            

Cần tính toán sao cho khả thi

Ý kiến của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. “Tôi nghĩ, đề xuất giải pháp đột phá lúc này là rất quý, song cũng cần tính toán với cơ sở vững chắc, sát thực tiễn và khả thi hơn", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính nhận xét.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, so sánh lãi suất danh nghĩa quốc tế như VAFI trình bày là khập khiễng bởi lẽ mức độ rủi ro của Việt Nam cao hơn so với đa số các nước trong khu vực. Lạm phát Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế và khu vực, người dân có kỳ vọng gửi tiền vào ngân hàng, được hưởng lãi suất ít nhất là cao hơn tỉ lệ lạm phát để hưởng lãi suất dương, không bị "mất tiền" một cách vô hình. Đó cũng là tâm lý rất đời thường và hợp lý của người dân.

Giả sử lãi suất tiền gửi VND đưa được về 0% trong khi lạm phát vẫn khoảng 3,5%, người dân sẽ khó mặn mà gửi tiền vào ngân hàng. Lãi suất tiền gửi quá thấp, người dân, doanh nghiệp sẽ mang tiền đi đầu tư vào những kênh khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền kỹ thuật số… vừa rủi ro hơn lại vừa thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. 

Nếu như dòng tiền đó chảy vào thị trường chứng khoán, như lập luận của VAFI, khi đó doanh nghiệp huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu, do không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là tín chấp, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất khá cao (như hiện nay lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 10-12%/năm, thường cao hơn so với đi vay ngân hàng khoảng 1-3%/năm).

“Như vậy, liệu đây có phải là bài toán huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp? Chưa kể là, nếu doanh nghiệp đó chẳng may phá sản, nhà đầu tư trái phiếu gần như mất trắng vì không có tài sản đảm bảo, không có bảo hiểm tiền gửi như khi gửi tiền vào ngân hàng. Chưa kể, như trên chuyên gia có nêu cấu trúc huy động vốn, hiện nay huy động vốn của doanh nghiệp từ kênh thị trường chứng khoán vẫn chỉ chiếm khoảng 20%.”, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Thanh Anh

Bạn đang đọc bài viết Hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm: Liệu có khả thi?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới