Chủ nhật, 24/11/2024 03:57 (GMT+7)
Chủ nhật, 14/07/2024 14:00 (GMT+7)

Hà Nam: Mòn mỏi chờ ngày nước sông Đáy, sông Nhuệ được “giải cứu”

Theo dõi KTMT trên

Vẻ đẹp “yêu thương”, “tựa mái tóc em xanh” của sông Đáy, sông Nhuệ qua địa bàn tỉnh Hà Nam chỉ còn có trong lời ca tiếng hát và hoài niệm của người dân. Suốt bao năm bị “bức tử” vì ô nhiễm, người dân nơi đây vẫn mỏi mòn chờ ngày dòng sông được “giải cứu”.

Ký ức về dòng sông đầy ắp cá tôm

Sông Nhuệ, sông Đáy nằm bao quanh Thủ đô Hà Nội, là nhánh nhỏ của sông Hồng, điểm đầu bắt nguồn từ cống Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, điểm cuối là TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Nguồn nước của hai dòng sông này phục vụ cho hơn 10.000 ha đất canh tác trên địa bàn huyện Kim Bảng, thị xã Duy Tiên, huyện Bình Lục, huyện Lý Nhân và một phần TP.Phủ Lý.

Trong hoài niệm của người dân địa phương, dòng nước trong xanh và tươi mát của sông Đáy, sông Nhuệ không chỉ là nguồn sống cho cây trồng, vật nuôi mà còn đảm nhận vai trò quan trọng để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, nhiều thế hệ dân chài lưới đã kiếm sống nhờ vào con tôm, con cá trên dòng sông này.

Hà Nam: Mòn mỏi chờ ngày nước sông Đáy, sông Nhuệ được “giải cứu” - Ảnh 1
Dòng sông Đáy chảy qua địa phận tỉnh Hà Nam đã từng rất hiền hòa và trong xanh. Ảnh: Internet

Theo lời kể của ông Văn làm nghề thuyền chài trên sông Đáy ở xã Phù Vân, TP.Phủ Lý, từ thời các cụ thân sinh ra ông đã mưu sinh bằng nghề chài lưới. Thuở ấy, hàng nghìn hộ dân dọc 2 bên tả hữu sông Đáy sống được là nhờ vào con tôm, con cá đánh bắt trên dòng sông. Ngày xưa, nước sông trong xanh, ngồi trên ghe, trên thuyền có thể nhìn sâu xuống lòng sông cả mét, chỗ nào có đàn cá là thấy rõ mười mươi. Người làm thuyền chài như ông Văn chỉ cần dải lưới quanh khu vực đàn cá, một lúc sau đã có thể thu được cả thuyền đầy ắp cá tôm.

Ô nhiễm bủa vây từ năm này qua năm khác

Thoảng trong ánh mắt xa xăm của ông Văn - lão ngư đã gần một đời mưu sinh trên sông Đáy không khỏi bùi ngùi, xót xa khi hoài niệm về dòng sông của ngày xưa cũ. Từng đẹp đẽ và êm đềm là vậy, nhưng từ đầu năm 2000 trở lại đây, do hoạt động sản xuất gia tăng nên rác và nước thải từ các khu công nghiệp ở thượng nguồn đổ về ngày càng nhiều. Con sông xanh mát, đầy ắp cá tôm không còn nữa mà thay vào đó là dòng nước đen kịt, nhiều đoạn sông ô nhiễm quanh năm, bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Từ thượng nguồn, sông Nhuệ gánh chịu nước thải của hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện và nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý chảy về cuối nguồn. Đặc biệt là những xã nằm ở hạ lưu của sông Nhuệ như Hoàng Tây, Nhật Tựu, Nhật Tây thuộc địa phận huyện Kim Bảng, người dân đang gồng mình hứng chịu hậu quả từ nguồn nước ô nhiễm. Đi kèm với đó là hiểm họa phát sinh bệnh tật từ nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp không đảm bảo an toàn.

Hà Nam: Mòn mỏi chờ ngày nước sông Đáy, sông Nhuệ được “giải cứu” - Ảnh 2
Nguồn nước đen kịt trên dòng sông đã trải qua nhiều năm ô nhiễm. Ảnh: Hanamtv

Sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh của các tỉnh thành nơi mà dòng sông đi qua đã dẫn đến lượng chất thải, nước thải đổ ra sông tăng đột biến, thiếu kiểm soát. Theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, bình quân mỗi năm sông Nhuệ - Đáy có từ 8-15 đợt ô nhiễm nặng, có đợt kéo dài đến 2 tháng. Đặc biệt, từ tháng 7/2023 đến nay, ô nhiễm xảy ra gần như liên tục. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, sông Nhuệ có 3 đợt ô nhiễm, kéo dài tổng số gần 80 ngày.

Khắc khoải chờ ngày “giải cứu” dòng sông

Việc bảo vệ môi trường ở lưu vực 2 con sông trên đã được các bộ, ngành chức năng và các địa phương nơi dòng sông đi qua quan tâm, khắc phục. Tại địa bàn Hà Nam, tỉnh này đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Theo đó, 8/8 khu công nghiệp của tỉnh đều được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; xây dựng được 10 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 31.650m3/ngày đêm. Toàn tỉnh hiện có 12 trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị.

Tại các trạm bơm dọc sông Nhuệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thủy nông, địa phương tranh thủ nguồn nước thủy triều sông Đáy hòa loãng nước ô nhiễm để bơm tưới. Nước sinh hoạt của người dân hiện nay đều được sử dụng nguồn cung cấp của các Nhà máy cấp nước sạch tập trung đặt tại sông Hồng và sông Đáy.

Hà Nam: Mòn mỏi chờ ngày nước sông Đáy, sông Nhuệ được “giải cứu” - Ảnh 3
Nhiều ngư dân để thuyền bỏ không vì nguồn nước ô nhiễm không còn khai thác được tôm cá như trước đây.

Các địa phương khác cũng nỗ lực khắc phục ô nhiễm bằng cách như: Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thoát nước và đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt; xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung; xây dựng và đưa vào vận hành một số trạm quan trắc tự động theo dõi diễn biến chất lượng nước; điều tra, thống kê các nguồn thải; đánh giá và xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường trong lưu vực sông.

Tuy nhiên, đến nay chất lượng môi trường trên lưu vực sông Nhuệ - Đáy hiện nay chưa được cải thiện nhiều, tình trạng ô nhiễm vẫn đang ở mức báo động. Những giải pháp đã triển khai chỉ mang tính chất tình thế, khó có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm nếu các địa phương, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào phát triển kinh tế thuần túy mà bỏ qua các biện pháp bảo vệ môi trường.

Sự xuống cấp nghiêm trọng về môi trường của sông Nhuệ - Đáy là một bài học đắt giá, bởi những hậu quả của nó không chỉ là thiệt hại về kinh tế mà còn để lại những di chứng qua nhiều thế hệ. Vì vậy, để giải quyết hữu hiệu các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, đòi hỏi phải có sự quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc tăng nặng chế tài xử phạt, kiên quyết đóng cửa những doanh nghiệp vi phạm Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, với xu thế phát triển chủ đạo của thế giới là “tăng trưởng xanh”, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi ý thức, hành vi, để bắt kịp dòng chảy phát triển, gắn chặt hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ tài nguyên nước ở 2 con sông trên là nhiệm vụ bức thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam và các tỉnh thành nơi dòng sông đi qua.

Phương Trang

Bạn đang đọc bài viết Hà Nam: Mòn mỏi chờ ngày nước sông Đáy, sông Nhuệ được “giải cứu”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới