Chủ nhật, 24/11/2024 06:40 (GMT+7)
Thứ tư, 16/12/2020 09:29 (GMT+7)

Hà Nội bắt giữ 11 tàu hút cát trái phép trên sông Hồng

Theo dõi KTMT trên

Ngày 15/12, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an cho biết, vừa phối hợp với Công an Hà Nội triệt phá ổ nhóm khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng.

Cùng với việc tạm giữ 11 tàu hút cát trọng tải trên 100 khối, cảnh sát cũng bắt giữ 32 đối tượng liên quan, trong đó gồm một nhóm người có dấu hiệu bảo kê cho cát tặc ở địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Theo Cục sát phòng, chống tội phạm về môi trường, thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu lợi dụng đêm tối để khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng.

Qua công tác nghiệp vụ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện ổ nhóm cát tặc này hoạt động dưới sự bảo kê của một nhóm người. Các đối tượng bảo kê này dựng lán trại trên bờ, đi cano để “thu tô” của các chủ tàu khai thác cát ngay trên sông.

Chính vì vậy, khi triển khai kế hoạch phá án, lực lượng chức năng đã chia thành nhiều mũi để vây bắt các tàu hút trộm cát và tiếp cận khống chế nhóm bảo kê trên bờ.

Hà Nội bắt giữ 11 tàu hút cát trái phép trên sông Hồng - Ảnh 1
Lực lượng chức năng kiểm tra lán trại của nhóm người bảo kê cho cát tặc. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Kiểm tra tại chỗ các lán trại của nhóm người có dấu hiệu bảo kê, cảnh sát thu giữ 220 triệu đồng tiền mặt và 2 két sắt vẫn chưa kiểm đếm.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Cục Cảnh phòng chống tội phạm về môi trường cho biết, việc bắt giữ 11 tàu hút cát và nhóm người bảo kê mới chỉ là kết quả điều tra ban đầu của chuyên án.

"Lực lượng chức năng sẽ thu thập chứng cứ điều tra làm rõ đường dây khai thác cát trái phép này, làm rõ chủ mưu, hành vi vi phạm dưới sông cũng như trên bờ", lãnh đạo cục nói.

Trước đó, vấn đề "cát tặc" đã làm "nóng" nghị trường Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội với nhiều câu hỏi của đại biểu gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương liên quan.

Theo Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng qua điều tra cơ bản, trên địa bàn thành phố còn 13 điểm phức tạp liên quan đến khai thác cát.

Tính đến tháng 11/2020, trên địa bàn thành phố có 14 giấy phép hoạt động khai thác cát, khoáng sản có hiệu lực; 8 tổ chức được cấp phép khai thác cát nổi trên sông Hồng.

Về bãi tập kết, hiện trên địa bàn thành phố có 207 bãi tập kết kinh doanh khoáng sản đang hoạt động. Trong đó, 57 bãi có thủ tục hoạt động, 150 bãi chưa có thủ tục hoạt động tại 15 quận, huyện.

Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, cần quản lý chặt chẽ đối với các phương tiện khai thác cát trái phép vì không có phương tiện thì không thể khai thác được.

Liên quan đến các điểm khai thác cát trái phép còn tồn tại, Công an TP.Hà Nội cũng cam kết trong phạm vi trách nhiệm của mình, không để lực lượng khai thác cát trái phép trên sông. Các bến, bãi thuộc chính quyền các quận, huyện, thị xã quản lý, đề nghị phối hợp, tăng cường xử lý.

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, đã phát hiện 97 vụ, 139 đối tượng, khởi tố 8 vụ. Điển hình là ngày 26/5/2020, Công an TP.Hà Nội đã lập chuyên án và bắt giữ 13 tàu cát, 8 tàu hút, có 34 đối tượng đang khai thác cát, thu giữ 1.500 m3 cát. Qua thu giữ, củng cố chứng cứ, lực lượng Công an đã khởi tố, tạm giam 29 đối tượng về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Nhật Hạ

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội bắt giữ 11 tàu hút cát trái phép trên sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới