Hà Nội: Cần chấn chỉnh việc nhiều xe dừng đỗ, nhận hàng dưới lòng đường đại lộ Chu Văn An
Hàng trăm xe tải các loại ngang nhiên dừng đỗ, tiến hành tháo dỡ, trung chuyển hàng hóa dưới lòng đường biến cả đoạn đường đại lộ Chu Văn An trở thành “bến xe” di động.
Sáng 1/3, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường nhận được thông tin phản ánh liên quan đến việc hàng trăm xe tải ngang nhiên dừng đỗ, bốc xếp hàng hóa ngay dưới lòng đường Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội).
Hoạt động dừng đỗ trái phép không chỉ ảnh hưởng đến người, phương tiện tham gia lưu thông qua tuyến đường này, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đễn mỹ quan đô thị, môi trường giao thông tại một trong những tuyến phố có hạ tầng khang trang hiện đại trên địa bàn TP.Hà Nội.
Theo ghi nhận thực, vào sáng ngày 01/03, có hàng trăm xe tải thùng các loại 2,5 tấn, 3,5 tấn đang dừng đỗ trái phép trên làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông theo cả hai hướng Nguyễn Xiển – Xa La và ngược lại. Thậm chí tại nhiều điểm giao cắt, các xe tải xếp thành hàng hai, hàng ba lấn chiếm hoàn toàn phần đường dành cho xe máy, xe thô sơ.
Ngoài việc dừng đỗ trái phép dưới lòng đường, theo ghi nhận của phóng viên thì các xe này còn tổ chức tiếp nhận, bốc xếp, tháo dỡ hàng hóa ngay trên lòng đường. Do các xe tải dừng đỗ trái phép, lấn chiếm hết phần đường dành cho xe máy buộc người điều khiển xe máy, xe thô sơ phải cho xe đi vào làn đường dành cho ô tô.
Tiếp xúc với Phóng viên, một lái xe tải chở hàng tuyến Hà Nội – Hưng Yên cho biết: “Trước đó chúng tôi dừng đỗ nhận hàng trong bãi xe Vạn Thuận, sau khi bãi Vạn Thuận đóng cửa chúng tôi buộc phải ra đây”.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, ngày 27/02 Sở Giao thông Vận tải Hà Nội có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng quận Hoàng Mai chấn chỉnh hoạt động của bãi đỗ xe Vạn Thuận, do công ty Cổ phần đầu tư và Kinh doanh xuất nhập khẩu Vạn Thuận (công ty Vạn Thuận) làm chủ đầu tư.
Trước đó theo biên bản làm việc ngày 22/02, Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về TTXH, Công an TP.Hà Nội xác định công ty Vạn Thuận sử dụng giấy phép sai mục đích, tiếp tay cho tài xế xếp dỡ hàng hóa, sang tải sai mục đích ngay tại bãi xe. Không những vậy hoạt động thu tiền xe của công ty Vạn Thuận cũng không có vé bất chấp các quy định của UBND TP.Hà Nội về hoạt động trông giữ xe.
Là người thường xuyên phải đi qua con đường này để tới công ty, anh Trung Anh (SN 1991, ở Thanh Xuân) chia sẻ tuyến đường Chu Văn An bình thường hết sức thông thoáng, đường được chia thành các làn đường riêng nên khi lưu thông qua đây hết sức an tâm.
Không hiểu vì sao mấy hôm nay các xe tải chở hàng từ đâu về đây dừng đỗ kín hết toàn bộ lòng đường dành cho xe máy khiến chúng tôi buộc phải điều khiển xe đi vào phần đường dành cho xe ô tô. Biết điều đó là vi phạm giao thông, lại gây nguy hiểm cho chính mình nhưng chúng tôi bắt buộc phải làm, vì làm gì còn đường cho xe máy đi. Chúng tôi mong các lực lượng chức năng sớm ra quân, xử lý tình trạng trên để đảm bảo an toàn giao thông, môi trường giao thông, mỹ quan đô thị.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện từ Kinh tế Môi trường, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng– Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội (PC08) cho biết sẽ cử cán bộ xuống phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra xử lý tình trạng, dừng đỗ bốc xếp, tháo dỡ hàng hóa trái phép trên lòng đường đại lộ Chu Văn An. Thiếu tá Hoàng cho biết sẽ thông tin lại cho phóng viên sau khi có kết quả kiểm tra xử lý.
Trong khi đó, theo Đội trưởng Đội Thanh tra Giao thông huyện Thanh Trì thì trước đó đội đã tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp dừng đỗ không đúng quy định trên tuyến đường Chu Văn An. Riêng trong ngày 01/03, đội chưa tiến hành kiểm tra xử lý.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận về tình trạng dừng đỗ, bốc xếp, tháo dỡ hàng hóa trên tuyến đường Đại lộ Chu Văn An vào sáng ngày 01/03.
Theo GS. Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng với sức khỏe, "nguy hiểm nhất là bụi mịn PM2.5, bụi này siêu nhỏ, có thể đi sâu vào trong cơ thể và gây ra nhiều bệnh tật, kể cả ung thư". Nguồn gây ô nhiễm không khí khoảng 40% từ hoạt động giao thông, 16% từ hoạt động xây dựng. Hoạt động giao thông làm phát sinh bụi mịn PM2.5, còn xây dựng gây ra bụi có kích cỡ lớn hơn là PM10 nhưng khi rơi xuống đường phố, xe cộ chạy qua lại cũng làm bào mòn bụi PM10 thành mụi mịn.
Cũng theo GS. Phạm Ngọc Đăng thì ‘thủ phạm’ gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ hai nguồn chính, bụi từ giao thông và xây dựng.. Diệt được hai nguồn bụi này, không khí ở Hà Nội sẽ trong sạch", ông Đăng khẳng định, và cho rằng cần thực hiện đồng bộ 10 giải pháp, nhưng những phải giái đầu tiên là phải kiểm soát chặt nguồn bụi từ giao thông, xây dựng.
Trong khi đó, theo PGS. TS. Nghiêm Trung Dũng, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, có một nghiên cứu trong khoảng 10 năm về ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã chỉ ra rằng, 40% bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội trong giai đoạn 2001-2008 là đến từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.
Hà Nam