Chủ nhật, 24/11/2024 04:46 (GMT+7)
Chủ nhật, 22/08/2021 13:30 (GMT+7)

Hà Nội: Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm, Sở thực hiện thủ tục giải thể cho 1.706 doanh nghiệp (tăng 22% so với cùng kỳ).

1.706 doanh nghiệp giải thể, 7.435 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đã triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Theo đó, 7 tháng đầu năm, Sở KH&ĐT Hà Nội đã thực hiện thủ tục giải thể cho 1.706 doanh nghiệp (tăng 22% so với cùng kỳ). Cùng với đó, Hà Nội cũng có 7.435 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 5% so với cùng kỳ.

Các ngành sản xuất công nghiệp, chế biến tiếp tục bị ảnh hưởng, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt đợt dịch hiện nay đã và đang tác động mạnh vào các khu công nghiệp, nơi tập trung phần lớn lực lượng lao động, những doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo khảo sát nhanh của các Sở, ngành, hiệp hội của TP.Hà Nội đối với khoảng 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hà Nội: Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh 1
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, sản xuất kinh doanh trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VGP

Thực tế, khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt là nguy cơ gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng dây truyền từ các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics...

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn cung, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Phát sinh nhiều chi phí cho công tác phòng chống dịch bệnh: Chi phí xét nghiệm Covid-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và công tác triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động tại các doanh nghiệp. Các quy định về các biện pháp giãn cách xã hội cũng làm hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Một số ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động kinh doanh do Covid-19 như du lịch, lưu trú, hàng không, vận tải… Một số doanh nghiệp không phát sinh doanh thu trong khi đó vẫn phải chi trả các khoản chi phí cố định (Chi phí thuê địa điểm, trả lương để giữ chân người lao động, khấu hao máy móc, thiết bị…).

Nhóm các cơ sở sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh với năng lực tài chính yếu, tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế là đối tượng chịu tác động lớn trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, doanh thu, lao động, chi phí, nguyên liệu sản xuất đầu vào.

Ở lĩnh vực vận tải, logistic, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa sụt giảm lần lượt là 30% và 10% so với trước khi có dịch, trong khi đó các thủ tục để vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng lên dẫn đến các chi phí phát sinh cũng tăng lên. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cũng chỉ đạt 47% so với với cùng kỳ năm trước.

Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP.Hà Nội đã tích cực triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tối đa.

Thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC nhanh gọn, đúng quy trình, quy định. Hà Nội hiện đã có 182/304 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4, trong đó 150 dịch vụ công đã được tích hợp Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 161% kế hoạch Chính phủ giao; 98% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 96% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử.

Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đã được triển khai như: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Thực hiện các gói hỗ trợ cho vay sản xuất, kinh doanh như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều gói chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho sản xuất kinh doanh.

Thành phố đã xây dựng một số nhóm chính sách hỗ trợ đặc thù trình HĐND Thành phố thông qua như: Hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu bị sụt giảm lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; hỗ trợ 50% tiền thuê nhà trong 3 tháng đối với sinh viên đang thuê nhà tại các khu nhà ở Pháp Vân - Tứ Hiệp, Mỹ Đình II và công nhân thuê nhà tại khu nhà ở xã Kim Chung; bổ sung thêm đối tượng được hưởng chế độ đặc thù trong phòng chống dịch; hg trợ kinh phí chuyển trả kết quả thực hiện TTHC về đăng ký doanh nghiệp tại trụ sở của doanh nghiệp…

Đến nay, Hà Nội đã ban hành 2 Đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo là: Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025 và Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Hà Nội cũng đã triển khai các giải pháp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch, đang thúc đẩy phát triển mạnh các ngành có ưu thế, có cơ hội phát triển như:

Sản xuất nông nghiệp; sản xuất các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch (thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế: Máy thở, dụng cụ xét nghiệm; dược phẩm); thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: Thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; giáo dục trực tuyến;… Chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Ngành thuế Thủ đô cũng đã hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp, xuất hóa đơn lẻ…

Với tinh thần chủ động, triển khai tích cực, đồng bộ của hệ thống chính trị nên công tác hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố đã được triển khai kịp thời, cơ bản đúng đối tượng và thời gian, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế của Thủ đô.

Linh Phi

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới