Chủ nhật, 24/11/2024 06:35 (GMT+7)
Thứ hai, 26/06/2023 11:58 (GMT+7)

Hà Nội: Câu chuyện hòa giải mâu thuẫn đất tại xã Mai Lâm dưới góc nhìn Luật Đất đai sửa đổi

Theo dõi KTMT trên

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm khẳng định UBND xã luôn đảm bảo khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai của các công dân trên địa bàn.

Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) với khá nhiều nội dung mới để cập nhật theo tình hình phát triển kinh tế, xã hội.

Được biết, thời gian qua, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi đã nhận được 9 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức cá nhân. Trong đó, rất nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Đại học Luật (ĐHQGHN) thì hiện nay để giải quyết tranh chấp đất đai các cá nhân tổ chức có liên quan có thể lựa chọn các cơ chế sau đây: hoà giải cơ sở; hoà giải tại UBND cấp xã; yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính; khởi kiện vụ án dân sự; khiếu nại hành chính; khởi kiện vụ án hành chính. Đó là các cơ chế chính thức hoặc phi chính thức, cơ chế hành chính hoặc cơ chế tư pháp. Các cơ chế trên không diễn ra đồng thời mà sẽ tuỳ thuộc vào loại tranh chấp đất đai cụ thể, (tranh chấp giữa ai với ai; giấy tờ trong tranh chấp đó như thế nào; trình tự giải quyết đã thực hiện đến đâu...).

Hà Nội: Câu chuyện hòa giải mâu thuẫn đất tại xã Mai Lâm dưới góc nhìn Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 1
Kết quả đo đạc phần đất gia đình ông Hùng và ông Dũng do Công ty Cổ phần đo đạc địa chính Thủ đô thực hiện.

Mỗi cơ chế có ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn còn tồn tại nhưng điểm “chồng lấn” giữa các cơ chế giải quyết tranh chấp nói trên. Tuy nhiên, dù là cơ chế nào thì đều cần khắc phục những bất cập, giải quyết công bằng, hiệu qủa các tranh chấp đất đai và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong tranh chấp đất đai.

Mới đây, một vụ việc thực tiễn đang xảy ra tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội liên quan đến câu chuyện đất đai giữa 2 hộ gia đình cũng khiến dư luận người dân địa phương bàn tán và các cấp chính quyền địa phương phải bận tâm xử lý.

Theo đó, gia đình ông Đỗ Văn Hùng (SN 1970, ngụ xóm 3 Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội) đã có đơn gửi các cơ quan chức năng huyện Đông Anh, TP.Hà Nội đề nghị xem xét lại quá trình hòa giải xử lý tranh chấp đất đai giữa ông và gia đình ông Đỗ Chí Bách, vì cho rằng cách giải quyết của lãnh đạo UBND xã Mai Lâm chưa khách quan, công bằng, có dấu hiệu bao che cho gia đình ông Bách.

Hà Nội: Câu chuyện hòa giải mâu thuẫn đất tại xã Mai Lâm dưới góc nhìn Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 2
Ông Hùng cho rằng hàng xóm xây dựng lấn sang phần đất nhà mình và đã có đơn đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc xác minh làm rõ.

Theo đơn ông Hùng chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Môi trường, bố ông là ông Đỗ Văn Dộc có một mảnh đất rộng 412 m2 tại xóm 3 Thái Bình, xã Mai Lâm. Mảnh đất này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vào năm 2000. Sau khi nhận quyền thừa kể vào năm 2011, ông Hùng có làm thủ tục thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 2583 ngày 13/3/2011 và sử dụng ổn định từ đó đến nay.

Đến đầu năm 2023, gia đình ông Hùng phát hiện ông Đỗ Chí Bách con trai ông Đỗ Chí Dũng – Trưởng thôn Thái Bình xây dựng nhà ở lấn chiếm sang đất của gia đình.

“Sau khi phát hiện hành vi lấn chiếm đất của hàng xóm, do cả hai bên có quan hệ họ hàng nên lúc đầu chúng tôi có ý kiến với ông Dũng (bố của ông Bách). Họ xây nhà đè lên cả móng nhà tôi trong khi nhà tôi vẫn để lại phần "giọt ranh" mà ông Dũng vẫn một mực khăng khăng khẳng định không lấn chiếm sang đất của gia đình tôi. Họ cố tình cho thợ xây dựng nhà ở trên một phần diện tích lấn chiếm của gia đình tôi”, bà Nhung (chị gái ông Hùng) cho biết.

Hà Nội: Câu chuyện hòa giải mâu thuẫn đất tại xã Mai Lâm dưới góc nhìn Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 3
Dù gia đình ông Hùng có đơn kiến nghị về việc gia đình hàng xóm (màu xanh) xây lấn sang phần đất của gia đình mình từ ngày 16/3, thế nhưng đến ngày 13/4 công trình mới được UBND huyện Đông Anh cấp phép xây dựng. Đến nay công trình bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Trước thái độ bất hợp tác từ phía gia đình ông Dũng, ngày 16/3 gia đình ông Hùng đã có đơn gửi UBND xã Mai Lâm kiến nghị tạm dựng thi công công trình cho đến khi giải quyết xong tranh chấp đất đai.

Sau nhiều lần gửi đơn, đến ngày 27/3 UBND xã Mai Lâm mới tiến hành tổ chức hòa giải. Theo biên bản hòa giải, cả hai gia đình thống nhất mời đơn vị đo đạc độc lập để về tiến hành đo cho hai gia đình. Sau khi có kết quả đo đạc cắm mốc thì hai gia đình sẽ tự tiến hành thỏa thuận.

Theo kết quả đo đạc do công ty Cổ phần đo đạc địa chính Thủ đô thực hiện vào ngày 20/4/2023, khu đất của gia đình bà Hoàng Thị Lược (mẹ của ông Bách) đang sử dụng có diện tích 677,7 m2. Trong khi đó, theo biên bản xác nhận hiện trạng sử dụng đất của gia đình bà Lược vào năm 2004 thì khu đất gia đình nhà bà có diện tích 649 m2. Như vậy sau gần 20 năm sử dụng, phần đất của gia đình bà Lược “lớn” thêm 28,7 m2.

Cũng theo kết quả đo đạc do công ty Cổ phần đo đạc địa chính Thủ đô thực hiện, khu đất của gia đình ông Hùng có diện tích 412,6 m2. Và phần đất giáp ranh với gia đình bà Lược là một đường thẳng.

Tuy nhiên trên thực tế và qua kết quả đo đạc lại thể hiện, một phần khu đất rộng 13,9 m2 của gia đình ông Hùng đang bị gia đình bà Lược, ông Dũng xây dựng nhà trên đó. Phần diện tích này đã được đơn vị đo đạc là công ty Cổ phần đo đạc địa chính Thủ đô thể hiện rõ trong hồ sơ.

Hà Nội: Câu chuyện hòa giải mâu thuẫn đất tại xã Mai Lâm dưới góc nhìn Luật Đất đai sửa đổi - Ảnh 4
Phần đất 13,9 m2 (khoanh đỏ) mà gia đình ông Hùng cho rằng gia đình hàng xóm xây dựng lấn sang được thể hiện trên hồ sơ của đơn vị đo đạc là công ty Cổ phần đo đạc địa chính Thủ đô.

Quá trình đo đạc có sự chứng kiến của lãnh đạo thôn, cán bộ chuyên môn UBND xã Mai Lâm nhưng gia đình ông Dũng không công nhận. “Họ chỉ thừa nhận lấn của gia đình tôi 3m2”, bà Nhung cho biết thêm.

Cũng theo bà Nhung, trong quá trình giải quyết sự việc, lãnh đạo UBND xã Mai Lâm chưa thực hiện hết vai trò quyền hạn của cơ quan quản lý hành chính cấp xã.

Liên quan ý kiến của bà Nhung, phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi trao đổi với ông Phạm Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm và ông Hoàng Xuân Tấn – Công chức Tổ TTXD xã Mai Lâm người trực tiếp tham gia vào các buổi hòa giải giữa hai gia đình.

Trong quá trình trao đổi với phóng viên, ông Hưng khẳng định UBND xã Mai Lâm luôn đảm bảo khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai của các công dân trên địa bàn. Không có chuyện lãnh đạo UBND xã Mai Lâm thiên vị gia đình ông Bách vì có bố (ông Dũng - PV) là trưởng thôn.

Trong quá trình trao đổi, ông Hưng và ông Tấn cung cấp Giấy phép xây dựng số 394 do UBND huyện Đông Anh cấp ngày 13/4/2023 cho gia đình ông Đỗ Chí Bách xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trên diện tích 172 m2, tổng diện tích xây dựng hơn 344 m2. Trong khi đó gia đình ông Hùng phát hiện hành vi lấn chiếm đất đai của gia đình ông Bách và có đơn gửi UBND xã Mai Lâm lần đầu từ ngày 16/3, trước khi công trình của ông Bách được cấp phép gần một tháng.

Khi phóng viên đề nghị được tiếp cận hồ sơ đất đai, công trình xây dựng của gia đình ông Bách, ông Hưng cho biết sẽ photo toàn bộ hồ sơ gửi cho phóng viên, nhưng đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào như lời hứa của vị Phó Chủ tịch UBND xã Mai Lâm.

Lý giải thêm về việc UBND xã Mai Lâm không ra văn bản yêu cầu ông Bách dừng thi công trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, ông Hưng cho rằng UBND xã không có thẩm quyền đình chỉ xây dựng, việc đình chỉ xây dựng chỉ có UBND huyện mới có thẩm quyền.

Phát huy vai trò của chính quyền cấp xã trong việc hòa giải mâu thuẫn đất đai

Góp ý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, Điều 225 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “1. Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu…”.

Theo ông Đặng Đình Luyến, trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà dự thảo luật đất đai lần này chỉ giao cho Tòa án nhân dân, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai, mà không giao cho Ủy ban nhân dân giải quyết như trước, là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết. Nguyên nhân là do số lượng các tranh chấp đất đai hiện nay rất nhiều, chiếm một số lượng rất lớn trong xã hội, nếu nay giao hết cho Tòa án nhân dân giải quyết, thì sẽ không bảo đảm tính khả thi, vì đội ngũ thẩm phán, cán bộ của Tòa án nhân dân các cấp hiện nay còn hạn chế về số lượng, chất lượng; cơ sở vật chất, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động. Việc xét xử các vụ án, nhất là các vụ án dân sự trong thời gian vừa qua cho thấy phải qua các cấp xét xử, mất rất nhiều thời gian, có những vụ án dân sự phải giải quyết trong nhiều năm.

Vì vậy, ông Đặng Đình Luyến đề nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải, nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết; trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của Ủy ban nhân dân, thì có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Câu chuyện hòa giải mâu thuẫn đất tại xã Mai Lâm dưới góc nhìn Luật Đất đai sửa đổi. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới