Thứ sáu, 10/01/2025 14:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/01/2025 06:02 (GMT+7)

Hà Nội chốt phương án hồi sinh sông Tô Lịch

Theo dõi KTMT trên

Chủ tịch Hà Nội thống nhất phương án tuyến ống dẫn nước qua đê, đi dọc đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại cống trên đường Hoàng Quốc Việt.

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành kết luận, chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi họp nghe báo cáo về công tác triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Về phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, Chủ tịch Hà Nội  Trần Sỹ Thanh thống nhất phương án tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt (phương án 1 - phương án chọn).

Hà Nội chốt phương án hồi sinh sông Tô Lịch - Ảnh 1
Phương án 1, tuyến ống đi thẳng dọc đường Võ Chí Công bổ cập vào sông Tô Lịch được chọn.

Tuyến ống đi qua đê Hữu Hồng - đường An Dương Vương được lựa chọn tại vị trí dưới gầm cầu Nhật Tân. Để chuẩn bị cho công tác này, liên Sở Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án kỹ thuật, giải pháp qua đê An Dương Vương và vị trí làm đường ống dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Về phương án hướng tuyến ống cấp nước, Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra hai phương án. Phương án 1: Tuyến ống dẫn nước từ cống qua đê đi hướng đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí cống qua đường Hoàng Quốc Việt.

Trên tuyến Võ Chí Công có bố trí đầu chờ chia nước để theo tuyến ống dẫn nước đi theo ngõ 685 Lạc Long Quân (khu vực Lotte Mall Tây Hồ) và ngõ 612 Lạc Long Quân vào hồ Đầm Bảy xử lý trước khi vào hồ Tây (việc tính toán xử lý nước trước khi xả vào hồ Tây được thực hiện theo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực hồ Tây và phụ cận do UBND quận Tây Hồ thực hiện).

Về giải pháp kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất lưu lượng bổ cập nước cho sông Tô Lịch và hồ Tây là 3,0m3/s; kích thước đường ống dẫn nước đường kính D1200 (bố trí 2 đường ống thép, 1 ống dự phòng có đường kính D1200 đặt trong hộp bằng bê tông cốt thép). Tuy nhiên lượng nước bổ cập vào sông với lưu lượng 3,0m3/s nên không đủ tạo dòng chảy và dâng nước trên toàn bộ chiều dài dòng sông, do đó cần bố trí thêm một số đập dâng để dâng và duy trì mực nước trên các đoạn sông tạo cảnh quan cho dòng sông. Qua tính toán sơ bộ xác định cần đặt 3 đập dâng tại vị trí Cống Mọc, Cầu Dậu (vị trí cụ thể sẽ được nghiên cứu lựa chọn khi có tài liệu khảo sát địa hình) và tại vị trí trước ngã ba sông Tô Lịch - sông Kim Ngưu.

Rà soát cao độ các cửa thu, giếng tách hệ thống thu gom nước thải sông Tô Lịch thuộc dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá để đề xuất các giải pháp xử lý đảm bảo mực nước trên sông sau bổ cập không tràn vào (dự kiến mực nước sông sau bổ cập trong khoảng dưới cos +3.3 đến +3.8 m). Lựa chọn phương án làm đập dâng bằng cao su, khi không cần dâng nước tháo nước hạ đập xuống để thoát nước. Giai đoạn thiết kế cần nghiên cứu thêm phương án đập dâng có cửa van để lựa chọn phương án tối ưu.

Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội và Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc và thống nhất về chủ trương phương án thi công đào mở qua đê Hữu Hồng thi công lắp đặt tuyến ống tại vị trí cắt ngang qua đê phía dưới cầu dẫn cầu Nhật Tân. Thời gian thi công hoàn thành trước mùa mưa bão năm 2025.

Tại vị trí tuyến ống cắt qua đê Hữu Hồng (đường An Dương Vương), bố trí 02 đường ống D1200 (dự phòng cho việc nâng công suất trạm bơm lên 5m3/s). Chiều dài đường ống qua thân đê dự kiến khoảng 45m.

Cụ thể tiến hành phân luồng giao thông đường An Dương Vương tại vị trí xây dựng, tiến hành đào mở đê, xây dựng cống hộp (đổ tại chỗ hoặc đúc sẵn) kích thước 2x(2x2m), lắp đặt đường ống bên trong cống hộp, đắp đất sét đầm chặt xung quang ống, hoàn trả tường kè bê tông, mặt bằng đường An Dương Vương theo thiết kế ban đầu.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 550 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Hà Nội cam kết hoàn thành dự án trước tháng 9.

Phương Thúy

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội chốt phương án hồi sinh sông Tô Lịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khôi phục rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu
Dưới ảnh hưởng ngày càng xấu đi của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng sạt lở bờ biển và ven sông gây mất rừng và đất sản xuất của người dân, việc đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn tại các khu vực ven biển là điều vô cùng cần thiết.

Tin mới