Chủ nhật, 24/11/2024 06:05 (GMT+7)
Chủ nhật, 20/02/2022 21:00 (GMT+7)

Hà Nội: Đa dạng nguồn năng lượng sạch đảm bảo cung ứng điện 2022

Theo dõi KTMT trên

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 12/KH–UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố trong năm 2022, trong đó có mục tiêu tăng thêm 37MW từ điện rác.

Theo Kế hoạch, mục tiêu của Thành phố Hà Nội trong năm 2022 là phát triển năng lượng tái tạo góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Để làm được như vậy, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời trên mặt nước, thí điểm mô hình sử dụng điện mặt trời phù hợp; Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế nhằm tạo đột phá cho phát triển điện mặt trời phù hợp điều kiện đặc thù của Hà Nội; tiếp tục khuyến khích và đẩy nhanh các dự án phát triển nguồn điện từ xử lý chất thải rắn.

Hà Nội: Đa dạng nguồn năng lượng sạch đảm bảo cung ứng điện 2022 - Ảnh 1
Hà Nộicó mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp điện. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, Kế hoạch có đặt mục tiêu tăng thêm khoảng 37MW từ điện rác trong năm 2022, bao gồm việc đưa dự án nhà máy điện rác Seraphin vào vận hành. Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành 4 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong năm 2022.

Về khoa học công nghệ, thành phố sẽ lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại và hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt. Đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà, công nghệ xử lý cần phải có sự kết hợp với hệ thống tích trữ năng lượng.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu đánh giá tác động và đề xuất giải pháp quản lý hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn thành phố; nghiên cứu ứng dụng công nghệ chiếu sáng thông minh lớp học, kết hợp nguồn điện mặt trời nối lưới cho mô hình trường học xanh ở Hà Nội.

Một nhiệm vụ quan trọng khác cần thực hiện để phát triển năng lượng tái tạo là xây dựng cơ chế chính sách. Trong đó, Sở Công Thương có chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan đề xuất với cấp thẩm quyền cho phép thành phố Hà Nội nghiên cứu, áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Mặt khác, UBND Thành phố Hà Nội cũng đề xuất đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời, điện rác, và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực và nhận thức của cộng đồng về lợi ích và sự cần thiết của việc phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn thành phố, lồng ghép với nội dung về quản lý nhu cầu điện, tiết kiệm điện, sử dụng năng lương tiết kiệm, hiệu quả.

Về kinh phí, ngoài nguồn Ngân sách của Nhà nước, UBND Thành phố Hà Nội cũng sẽ tích cực kêu gọi xã hội hóa tối đa với các dự án điện mặt trời, điện rác trên địa bàn thành phố. Về công tác tổ chức thực hiện, Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật hiện hành; Theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện các dự án điện năng lượng tái tạo…

Sở Xây dựng chủ trì việc xác định diện tích, phạm vi các khu vực, tòa nhà phát triển các dự án điện mặt trời; phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra các công trình điện mặt trời đã đấu nối lưới điện, dự án điện mặt trời đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố; thẩm định các dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình có lắp đặt điện mặt trời trên mái các tòa nhà theo quy định; nghiên cứu khả năng sử dụng điện tái tạo trong chiếu sáng công cộng…

Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch, định kỳ 6 tháng và 1 năm báo cáo công việc đã thực hiện cho Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo UBND thành phố và Bộ Công Thương theo quy định.

Ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết cơ bản hệ thống điện quốc gia đáp ứng đủ nhu cầu điện năm 2022, song khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro, thiếu hụt công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng cực đoan (nền nhiệt độ cao hơn 36 độ C kéo dài trong các tháng 5, 6, 7).

Đáng chú ý, kể cả trong tháng 8-2021, khi xuất hiện các đợt nắng nóng, công suất cực đại miền Bắc đạt 21.782MW (ngày 6-8), tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi, tổng công suất đặt hệ thống điện miền Bắc gần 28.500MW (đã bao gồm thủy điện nhỏ).

"Với dự báo công suất đỉnh phụ tải miền Bắc năm 2022 có thể đạt 23.927-24.721MW, tăng thêm 2.076-2.870MW so với năm 2020, khu vực miền Bắc sẽ thiếu khoảng 1.592-2.400MW trong một số giờ cao điểm trong điều kiện thời tiết cực đoan", ông Lâm cho biết.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Đa dạng nguồn năng lượng sạch đảm bảo cung ứng điện 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới