Thanh Hóa: Đề xuất bổ sung quy hoạch điện mặt trời Long Sơn vào lưới điện quốc gia
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty TNHH Long Sơn đã đề nghị bổ sung nhà máy điện mặt trời Long Sơn - Thanh Hóa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn về việc giao tham mưu giải quyết đề nghị bổ sung quy hoạch nhà máy điện mặt trời Long Sơn - Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết Công ty TNHH Long Sơn đã đề nghị bổ sung nhà máy điện mặt trời Long Sơn - Thanh Hóa vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và PTNT, UBND thị xã Bỉm Sơn, UBND huyện Hà Trung và các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty Long Sơn.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch cũng đề nghị Công ty Long Sơn khẩn trương gửi hồ sơ đề xuất về các Sở, ngành, đơn vị nêu trên để tham mưu theo quy định.
Hàng loạt dự án điện mặt trời được chấp thuận đầu tư
Liên quan đến việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn, giữa năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I tại xã Phú Lâm, thị xã Nghi Sơn, do Công ty Cổ phần Tập đoàn năng lượng MT Việt Nam là nhà đầu tư dự án.
Theo đó, dự án nhà máy điện mặt trời I sẽ được xây dựng với quy mô diện tích khoảng 192 ha đất, công suất thiết kế là 160 MWp. Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 2.824 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có của nhà đầu tư là 423,6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 2.400,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào quý III/2022 và hoàn thành, đi vào hoạt động từ quý II/2023.
Cùng thời gian này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã phê duyệt quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc. Theo điều chỉnh, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và du lịch Hoàng Sơn sẽ vẫn là chủ đầu tư của dự án.
Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc được Công ty Hoàng Sơn khởi công xây dựng vào quý III/2021 và hoàn thành, đưa vào sử dụng quý IV/2022. Được biết, dự án nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 25/1/2017.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.681 tỷ đồng do Công ty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu 403 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng thương mại 2.278 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng của dự án này khoảng 150 ha. Công suất thiết kế của nhà máy điện năng lượng mặt trời này là 90 MW. Dự án gồm nhà điều hành 3 tầng (khoảng 500 m2), nhà xưởng kết hợp kho (20.000 m2), móng đặt tấm pin NLMT (1.080.000 m2) và một số công trình hạ tầng kỹ thuật, phụ trợ khác. Đáng chú ý, theo đúng tiến độ thì dự án được khởi công từ quý I/2017 và đưa vào sử dụng từ quý IV/2019. Tuy nhiên, dự án có vốn đầu tư nghìn tỷ này lại "đắp chiếu" từ đó đến nay.
Với định hướng đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị bổ sung hàng loạt dự án điện vào Quy hoạch điện VIII.
Đáng chú ý là đề xuất Bộ Công thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Trung tâm điện - khí LNG Nghi Sơn công suất 9.600 MW, Trung tâm điện khí LNG Thanh Hóa công suất 9.600 MW, dự án hệ thống phát điện tân dụng nhiệt dư 20 MW cùng máy biến áp T3- 20 MVA- 110/6,3 kV trạm 110 kV xi măng Nghi Sơn và dự án tận dụng nhiệt khí thải để phát điển – Vicem Bỉm Sơn công suất 14 MW.
Đối với điện gió, tỉnh Thanh Hóa đề nghị bổ sung 3 dự án với tổng công suất 249 MW tại khu kinh tế Nghi Sơn là Bắc Phương – Nghi Sơn (150 MW), Hải Lâm 949,5 MW) và Thanh Phú (49,5 MW).
Tuy nhiên tỉnh này cũng cho biết, với 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 17.000 km2, tiềm năng điện gió ngoài khơi tại địa phương lên tới 50.000 MW.
Đối với điện mặt trời, Thanh Hóa đề nghị bổ sung 10 dự án với tổng công suất 711,6 MW.
Bên cạnh đó, 3 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 235 MW, trong đó Nhà máy điện mặt trời Yên Thái 30 MWp đã đi vào hoạt động, dự án Kiên Thọ 45 MWp đang triển khai và Dự án Thanh Hóa I công suất 60 MWp đang chuẩn bị đầu tư.
Cũng có 3 dự án điện sinh khối công suất 47,7 MW đã đi vào vận hành tại Nhà máy đường Lam sơn (33,2 MW), Nông Cống (4,5 MW) và Việt Nam - Đài Loan (10 MW).
Trong tương lai, Thanh Hóa sẽ phấn đấu đạt mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng lớn khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Theo tính toán, tổng nguồn vốn thu hút đầu tư cho các dự án nguồn điện đã quy hoạch và đề nghị quy hoạch, phát triển trong giai đoạn 2020-2030 ước gần 6 tỷ USD. Căn cứ theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các dự án điện năng sẽ được nghiên cứu, phát triển theo hướng ưu tiên năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, giảm phát thải nhà kính.
Trong đó, đối với thủy điện sẽ huy động tối đa các nguồn thủy điện hiện có. Phát triển có chọn lọc, bổ sung một số thủy điện nhỏ và vừa, thủy điện tích năng. Đối với điện gió và điện mặt trời, sẽ ưu tiên phát triển phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước.
Đối với điện sinh khối, rác thải và chất thải rắn, sẽ khai thác tối đa nguồn điện sinh khối đồng phát, tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị, chất thải rắn và sinh khối.
Lan Anh (T/h)