Chủ nhật, 24/11/2024 06:59 (GMT+7)
Thứ tư, 09/12/2020 08:44 (GMT+7)

Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi KTMT trên

Hàng chục nghìn m2 đất lúa đang bị hủy hoại bởi đất, bùn thải. Lãnh đạo UBND xã Khánh Hà thừa nhận là vi phạm nhưng vẫn tạo điều kiện để hành vi này diễn ra.

Thời gian qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường ghi nhận thông tin trên địa bàn thôn Xuân Lê (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) xảy ra tình trạng sử dụng bùn thải san lấp mặt bằng trái phép. Số lượng bùn thải rất lớn được tập kết san gạt gây ô nhiễm môi trường.

Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1
Khoảng 2 ha đất lúa bị đổ đầy đất, bùn thải không rõ nguồn gốc.

Theo quan sát của PV, bùn thải có màu đen, vàng nhạt, xám, lẫn rác thải, bao bì, nilon, nhiều chỗ có mùi hôi thối khó chịu. Nhiều lớp bùn thải được đổ chồng lên nhau, trải rộng hàng chục nghìn m2, nằm sát nhà dân. Theo thông tin người dân, sự việc này đã diễn ra nhiều tháng nay nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để.

Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 2
Số bùn thải này có màu vàng nhạt, không rõ là gì?

Để tìm hiểu vấn đề trên, PV đã liên hệ đến UBND xã Khánh Hà. Ông Lê Văn Ba – Phó Chủ tịch xã cho biết, khu đất bị phản ánh đổ thải thuộc địa bàn thôn Xuân Lê là ruộng cấy lúa của người dân, rộng khoảng 2 ha: “Đây là phần đất sau khi dự án làm đường đi qua trở thành đất xen kẹt, thủy lợi không thuận, nên người dân khó canh tác trong việc cấy lúa. Chính vì vậy người dân có đơn xin chuyển đổi để trồng cây ăn quả, cây ngắn ngày…Tuy nhiên UBND xã Khánh Hà mới đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục, chưa được cấp phép chuyển đổi”, ông Ba cho biết.

Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 3
Mương nước được bê tông hóa vẫn trong tình trạng sử dụng tốt, không rõ vì sao diện tích đất ruộng trên trở thành khó canh tác.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, khu đất này có mương nước được bê tông hóa, hệ thống kênh mương xung quanh vẫn trong tình trạng sử dụng tốt, đủ khả năng tưới tiêu trong khu vực. Không hiểu vì sao, hàng chục nghìn m2 đất nông nghiệp, bỗng dưng trở thành đất xen kẹt, khó canh tác.

Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 4
Đất, bùn thải đổ lấp cả mương dẫn nước, tràn ra đường dân sinh gây ô nhiễm môi trường.

Mặc dù chưa được cấp phép chuyển đổi nhưng nhiều tháng nay hoạt động san lấp diễn ra khá rầm rộ. Theo ông Lê Văn Ba, UBND xã Khánh Hà đã nhiều lần kiểm tra, xử lý, xử phạt hành chính đối với các chủ phương tiện chở đất, có máy móc hoạt động. Còn việc nguồn gốc bùn thải được lấy ở đâu thì ông Ba lắc đầu không biết. “Các hộ dân có đất ở đó thuê người chở đất đến san lấp làm mặt bằng, mỗi ngày đổ một ít”, ông Ba cho biết thêm.

Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 5
Số lượng đất, bùn thải được ước tính lên đến hàng chục nghìn m3, đổ chồng chất thành nhiều lớp.

Người dân cho rằng, sự việc này không được UBND xã Khánh Hà ngăn chặn kịp thời, dẫn đến việc hàng chục nghìn m2 đất lúa bị hủy hoại và tiềm ẩn nhiều hệ lụy đến môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh. “Chúng tôi rất lo lắng về tình trạng này. Bùn thải này không biết họ lấy từ đâu về, trong đó có lẫn chất thải nguy hại hay hóa chất độc hại gì không”, một người dân địa phương bày tỏ sự lo lắng.

Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 6
Nhiều chỗ bùn thải bốc mùi tanh hôi, khó chịu.

Trao đổi với PV về việc chuyển đổi từ đất trồng lúa sang các loại hình đất khác có thuộc thẩm quyền của UBND xã Khánh Hà hay không, Luật sư Trần Đình Thắng, Công ty Luật TNHH Koci (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 57, Luật Đất đai 2013, thì chuyển đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối phải phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 59 Luật Đất đai, thì UBND cấp huyện được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Nếu UBND xã Khánh Hà tự ý cho phép người dân chuyển đổi thì không đủ thẩm quyền. Người dân muốn chuyển đổi phải liên hệ đến UBND huyện Thường Tín để được hướng dẫn, làm thủ tục.

Khi phát hiện vi phạm, thì mức xử phạt tối đa 50 triệu đồng, nếu diện tích chuyển đổi trái phép từ 3 ha trở lên, được quy định rất rõ tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, quy định mức xử phạt đối với hành vi tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang đất trông cây lâu năm. Theo đó, ngoài việc nộp phạt, người vi phạm buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Việc tự ý dùng đất, bùn thải không rõ nguồn gốc làm thay đổi hiện trạng đất lúa khi chưa được phép chuyển đổi, cũng có thể được coi là hành vi hủy hoại đất. Hành vi này được quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định 91.

Không rõ UBND xã Khánh Hà đã báo cáo và được UBND huyện Thường Tín chấp nhận cho chuyển đổi hay chưa. Nhưng thực tế việc san gạt mặt bằng này đã gần như hoàn thành.

Vậy trách nhiệm của người đứng đầu cấp chính quyền xã Khánh Hà, huyện Thường Tín ở đâu trong vụ việc này khi để nhiều ha đất nông nghiệp bị xâm lấn, gây ô nhiễm môi trường. 

Tạp chí Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.

Hà Điệp - Nguyễn Cường

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Dùng bùn thải san lấp trái phép trên đất trồng lúa gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới