Hà Nội: Khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết
UBND TP.Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định...
Người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết
Chiều 28/5, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký văn bản số 1639/UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc TP, UBND các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời điểm hiện nay.
UBND TP yêu cầu quán triệt sâu sắc, nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tuyệt đối không hoang mang, lo lắng, thái quá, đặc biệt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân với quan điểm “chống dịch như chống giặc”.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, truy vết thần tốc, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, xét nghiệm nhanh, dập dịch triệt để.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Ngoài ra, UBND TP.Hà Nội yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.
Cùng với đó, thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, khu chung cư, khu nhà ở của công nhân, ký túc xá sinh viên, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
UBND TP yêu cầu hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin. Khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc luân phiên (trừ các lực lượng vũ trang, y tế và các lực lượng khác theo quy định) nhưng không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát lại tổ Covid-19 cộng đồng và phối hợp Công an TP kiện toàn lại tổ này.
Cụ thể, 1 Tổ Covid-19 cộng đồng thành lập từ 10 - 20 nhóm Covid-19 cộng đồng tùy theo tình hình thực tế của địa phương do người đứng đầu địa phương quyết định, phải đảm bảo các thành phần.
Theo đó, Công an cơ sở làm tổ trưởng tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ trưởng Tổ dân phố/Trưởng Ban công tác Mặt trận/Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ/Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh/Bí thư Chi đoàn/Trưởng Ban Quản trị tòa nhà làm trưởng nhóm, lực lượng bảo vệ dân phố/dân phòng và các đoàn thể chính trị - xã hội làm thành viên nhóm Covid-19 cộng đồng.
Người đứng đầu chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng và chịu trách nhiệm về việc kiểm soát các khu cách ly tập trung trên địa bàn, giám sát tất cả những trường hợp nhập cảnh hết thời gian cách ly tập trung và đang được giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà; những người đi qua vùng dịch hoặc đi từ vùng dịch trở về; những công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và các tỉnh lân cận theo thông báo của cơ quan y tế; rà soát các địa điểm để thành lập các khu cách ly tập trung (lưu ý mở rộng tại các huyện ngoại thành của TP), tham mưu đề xuất, báo cáo UBND TP.
Sẵn sàng nguồn lực chống dịch khi cần thiết
Sở Y tế Hà Nội cần căn cứ vào đặc điểm, tính chất, cơ chế lây bệnh của chủng virus trên địa bàn TP, chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, quyết định việc xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực (lưu ý xét nghiệm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao).
Sở Y tế hướng dẫn, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch mới trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định, đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, tuyệt đối không được để ổ dịch lan rộng.
Để bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người có bệnh lý nền, TP yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn TP trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời, Sở Y tế rà soát, chuẩn bị nguồn lực, kể cả kế hoạch dự kiến huy động đội ngũ chuyên gia, lực lượng sinh viên ngành y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn (khi cần thiết); triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Về công tác cách ly, Sở Y tế Hà Nội và các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát các địa điểm để làm cơ sở cách ly tập trung của TP. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý; quản lý các cơ sở cách ly tập trung dân sự do TP thành lập; tuyệt đối không được để dịch lây chéo trong các khu cách ly tập trung và lây chéo từ các khu cách ly tập trung ra bên ngoài cộng đồng.
Công an TP phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Công an cơ sở tham gia vào Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng để hoạt động có hiệu quả; quyết liệt việc truy vết tiếp xúc, quản lý chặt chẽ các trường hợp sau cách ly, theo dõi y tế tại nhà; quản lý tạm vắng, tạm trú, kịp thời phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép về cộng đồng, người về từ vùng dịch không khai báo y tế theo quy định; chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực, vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bản tin tối 28/5 của Bộ Y tế cho biết có 173 ca mắc Covid-19 trong nước, riêng Bắc Giang 123 ca, Bắc Ninh 20 ca, TP.HCM 25 ca, Hà Nội 3 ca, Lạng Sơn 2 ca.
Theo Bộ Y tế, trong 6 giờ qua (từ 12h đến 18h), cả nước có 174 ca mắc mới (bệnh nhân 6397 - 6570), trong đó 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Vĩnh Long và 173 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 123 ca, TP.HCM 25 ca, Bắc Ninh 20 ca, Hà Nội 3 ca, Lạng Sơn 2 ca.
Với 174 bệnh nhân mới, số mắc Covid-19 cả nước tính từ đầu mùa dịch là 6.570 bệnh nhân, trong đó có 5.077 ca ghi nhận trong nước và 1.493 ca nhập cảnh. Riêng số ca mắc mới từ ngày 27/4 đến nay là 3.507 ca tại 31 tỉnh, thành.
Trưa cùng ngày, tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo bệnh nhân 3026, nữ, 22 tuổi, có địa chỉ tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã tử vong vào tối 27/5. Đây là bệnh nhân thứ 47 tử vong vì Covid-19 từ đầu mùa dịch tại nước ta và là ca thứ 12 trong đợt dịch thứ 4 này (tính từ ngày 27/4).
Minh Phương