Chủ nhật, 24/11/2024 10:07 (GMT+7)
Thứ năm, 26/08/2021 07:03 (GMT+7)

Hà Nội liên kết với 21 địa phương cung ứng hàng nông sản

Theo dõi KTMT trên

Để đảm bảo nguồn hàng hóa nông sản phục vụ người dân, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong việc cung ứng.

Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Thành phố hiện có 10 triệu dân sinh sống và học tập, làm việc nên luôn cần một lượng nông sản ổn định. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng từ 35-60% nhu cầu của người dân Thủ đô. Một lượng lớn thực phẩm vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhập khẩu.

Những ngày giãn cách vừa qua, nhìn chung sản xuất nông nghiệp của Hà Nội và các tỉnh tương đối ổn định. Khó khăn chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội và từ địa phương này sang địa phương khác trên địa bàn Thủ đô. Nhiều vùng sản xuất không có thương lái tới thu mua, nhiều hộ sản xuất không vận chuyển được nông sản ra các chợ hoặc cửa hàng trên địa bàn… dẫn tới tình trạng một số nơi thì thừa cục bộ, một số nơi thì thiếu hàng hóa.

Hà Nội liên kết với 21 địa phương cung ứng hàng nông sản - Ảnh 1
Hà Nội liên kết với nhiều địa phương cung ứng hàng hóa cho người dân. (Anh minh họa)

Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sau khi ghi nhận một số ca bệnh F0 tại các chợ, siêu thị…, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và UBND các Quận, huyện, thị xã về việc lập 5 điểm trung chuyển hàng hóa trên địa bàn nhằm giảm tải áp lực cho các chợ đầu mối.

Cụ thể các điểm trung chuyển là tại Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên), khu tái định cư ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), ô đất trống ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm), Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) và Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ NN&PTNT (số 489 Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp Sở NN&PTNT 21 tỉnh, thành phố tổng hợp danh sách 644 cơ sở đầu mối nông, lâm, thủy sản cho thị trường Hà Nội để Sở Công Thương cung cấp cho các đơn vị siêu thị, điểm kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn khai thác nguồn cung hàng hóa.

Đồng thời, đôn đốc 835 doanh nghiệp sơ chế, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Nông nghiệp tăng cường thu mua, dự trữ nguồn nguyên liệu (ít nhất bằng 3 lần bình thường) theo yêu cầu của UBND Thành phố; đẩy mạnh sản xuất, lưu kho sản phẩm nhằm dự trữ trong các trường hợp khó khăn về nguyên liệu; bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt là đến các điểm trung chuyển UBND Thành phố đã cho phép vừa qua.

Sẽ thu hồi thẻ ''luồng xanh'' nếu phát hiện hành vi vi phạm

Trước những phản ánh của người dân về việc tại khu vực Bến xe Mỹ Đình xuất hiện tình trạng một số chủ xe ô tô lợi dụng thẻ “luồng xanh” đã lập “bến cóc” tổ chức giao nhận hàng hóa, Sở GTVT Hà Nội giao Thanh tra Sở chỉ đạo các đội thanh tra GTVT trên địa bàn tăng cường công tác hậu kiểm việc cấp thẻ nhận diện mã QR tại các khu vực đầu mối bốc xếp hàng hóa, các tuyến đường dễ xảy ra vi phạm (đặc biệt tại các khu vực bến xe, bệnh viện, văn phòng đại diện của các đơn vị kinh doanh vận tải).

Cùng với đó, Sở GTVT Hà Nội giao Phòng Quản lý vận tải căn cứ vào kết quả kiểm tra xử lý của Thanh tra Sở thực hiện thu hồi thẻ nhận diện phương tiện có mã QR ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải đã cấp nếu có vi phạm; phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phố thu hồi thẻ nhận diện phương tiện có mã QR ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh” vận tải do Sở GTVT các tỉnh, thành phố cấp.

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội liên kết với 21 địa phương cung ứng hàng nông sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới