Chủ nhật, 24/11/2024 08:33 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/09/2021 09:36 (GMT+7)

Hà Nội: Lợi ích từ việc lắp camera trên các xe ô tô kinh doanh vận tải

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia đánh giá, việc lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố là điều cần thiết, giúp doanh nghiệp và cơ quan chức năng giảm gánh nặng quản lý.

Để đảm bảo thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, mới đây Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt camera trên phương tiện kinh doanh vận tải, hạn cuối cùng trước ngày 31/12/2021.

Các phương tiện bắt buộc phải thực hiện lắp đặt camera gồm: Xe có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái), xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải khẩn trương thực hiện việc lắp camera trên xe ô tô theo quy định tại Nghị định 10/2020.

Hà Nội: Lợi ích từ việc lắp camera trên các xe ô tô kinh doanh vận tải - Ảnh 1
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện vận tải được đánh giá là có nhiều lợi ích. (Ảnh minh họa)

Đối với các đơn vị đã lắp đặt camera trên xe ô tô, cần báo cáo danh sách các xe đã lắp đặt camera (số lượng phương tiện đã lắp/số lượng phương tiện phải lắp) định kỳ trước ngày 20 hàng tháng cùng với báo cáo kết quả hoạt động vận tải về Sở GTVT Hà Nội.

Theo Sở GTVT Hà Nội, việc các doanh nghiệp lắp đặt camera trên xe khách giúp cơ quan quản lý và doanh nghiệp giám sát được hoạt động ATGT trên xe. Đồng thời, có thể kiểm soát được công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên phương tiện vận tải, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá, có nhiều lợi ích khi lắp camera giám sát các phương tiện kinh doanh vận tải. Trong đó, doanh nghiệp và cơ quan chức năng có thể giám sát được trạng thái của lái xe như: Nghe điện thoại, mất tập trung, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định và các hành vi mất an toàn giao thông khác…

Đánh giá về hiệu quả của việc lắp camera trên ô tô, Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT Công an TP.Hà Nội cho biết, hiện nay việc chia sẻ thông tin quản lý vận tải bằng thiết bị camera hành trình giữa các cơ quan hữu quan còn hạn chế. Do đó, chúng ta phải có sự kết nối hệ thống để đảm bảo ATGT, không chỉ ngành giao thông, lực lượng công an và các ngành khác.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, các đơn vị vận tải đang băn khoăn trong việc lựa chọn thiết bị, do chưa có quy chuẩn. Do đó, cơ quan chức năng phải công bố quy chuẩn để doanh nghiệp không nhầm lẫn, bởi sẽ có có tâm lý “giá rẻ để lắp cho xong”, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ vì dịch Covid-19.

Có thể nói, việc lắp camera trên ô tô được thực thi, không chỉ đáp ứng việc theo dõi và quản lý, tổ chức giao thông sát sao trong từng giờ, từng phút, bất kể ngày đêm mà còn góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm cũng như nguy cơ tai nạn giao thông.

Xử phạt tiền theo quy định

Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về thiết bị giám sát hành trình đối với lái xe và doanh nghiệp. Đối với lái xe, Nghị định quy định xử phạt 1 - 2 triệu đồng hành vi điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hành ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.

Đối với doanh nghiệp, phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông theo quy định; Không thực hiện việc truyền, lưu trữ hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô về máy chủ của đơn vị, không cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ của đơn vị cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, buộc phải lắp đặt camera trên xe theo đúng quy định; Cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị camera lắp trên xe ô tô theo quy định.

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Lợi ích từ việc lắp camera trên các xe ô tô kinh doanh vận tải. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới