Chủ nhật, 24/11/2024 05:29 (GMT+7)
Thứ năm, 29/09/2022 08:39 (GMT+7)

Hà Nội phấn đấu 45% thanh toán không tiền mặt trên thương mại điện tử

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2022, TP.Hà Nội đứng thứ 2 cả nước, tăng hơn 30 điểm so với năm 2021.

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Thông tin cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu cùng TP.HCM trở thành 2 địa phương chủ chốt, giúp thị trường thương mại điện tử Việt Nam cán mốc doanh thu 39 tỷ USD vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Sở đã đề ra một bản kế hoạch chi tiết với mục tiêu tăng trưởng 2 con số ở nhiều hạng mục.

Theo đại diện Sở Công Thương TP.Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ trọng thanh toán không tiền mặt trên thương mại điện tử đạt ít nhất 45%.

Hà Nội phấn đấu 45% thanh toán không tiền mặt trên thương mại điện tử - Ảnh 1
Sở Công Thương TP.Hà Nội cho biết, thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, tỷ trọng thanh toán không tiền mặt trên thương mại điện tử đạt ít nhất 45%. (Ảnh minh họa)

Cùng với đó, 65% giao dịch thanh toán trực tuyến có sử dụng hóa đơn điện tử để thuận tiện trong việc quản lý, thu thuế. Cùng với đó, số lượng website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt trên 75%.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho hay: "Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và tổ chức cá nhân doanh nghiệp hiểu rõ tác dụng của thanh toán không tiền mặt; hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử để kết nối vừa bán trên thị trường nội địa, vừa xuất khẩu".

Quét mã QR Code khi nhận hàng là một trong những biện pháp hiệu quả để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn, các chuyên gia cho hay.

Anh Nguyễn Tiến Chung, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, chia sẻ: "Tôi rất ít khi sử dụng tiền mặt khi mua hàng online; hoặc tôi trả tiền trước qua thẻ, hoặc là quét mã QR khi shipper đến, rất nhanh chóng và tiện lợi. Tôi đỡ phải dùng tiền mặt".

Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, nhận định: "Khách hàng dùng điện thoại di động có camera giúp quét QR Code làm tăng tốc đáng kể hoạt động nhập liệu, đặc biệt là dữ liệu về đơn hàng của khách hàng. Khâu trung gian ít, do đó dữ liệu ít sai, tốc độ xử lý nhanh giúp doanh nghiệp tăng tốc hoạt động kinh doanh và mở rộng quy mô".

Để tỷ trọng thanh toán không tiền mặt trên các sàn thương mại điện tử đạt trên 45%, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết sẽ chú trọng tập huấn các tiểu thương, hướng dẫn khách hàng mua sắm trực tuyến, nhắm đến các đối tượng không chỉ ở những người trẻ, mà ở mọi độ tuổi.

Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân Thủ đô

Thông tin trước đó cho biết, dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân Thủ đô. Số lượng người tiêu dùng mua sắm online, truy cập vào các trang thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng mạnh. Với việc cung cấp công nghệ từ các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử và hệ thống giao nhận… năm 2020 và 2021 đã có hàng chục triệu lượt người tiêu dùng trải nghiệm, mua sắm tại những điểm khuyến mại, địa điểm thanh toán không dùng tiền mặt.

Chỉ tính riêng sự kiện “không dùng tiền mặt 2021” diễn ra trong tháng 11/2021, đã thu hút 150.000 lượt tiếp cận và 12.000 lượt tương tác tại fanpage facebook của sự kiện. Các doanh nghiệp tham gia sự kiện có tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 30%, tổng số lượng giao dịch được thực hiện qua trung gian thanh toán tăng trên 11%. Những sản phẩm truyền thống Hà Nội thu hút hơn 10.000 lượt truy cập website thương mại điện tử của các doanh nghiệp.

Với sự kiện “Hà Nội đêm không ngủ”, các sàn thương mại điện tử đã có lượng truy cập tăng từ 180% đến 250%. Các hệ thống trung tâm thương mại lớn có lượng khách hàng truy cập vào website, ứng dụng di động mua sắm tăng gần gấp 3 lần… Trong khi đó sự kiện “Online xuống phố - kết nối cung cầu” đã có gần 3 triệu lượt truy cập vào hệ thống website, ứng dụng của các doanh nghiệp tham gia.

Việt Nam đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%...

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội phấn đấu 45% thanh toán không tiền mặt trên thương mại điện tử. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới