Chủ nhật, 24/11/2024 04:54 (GMT+7)
Thứ năm, 29/07/2021 14:21 (GMT+7)

Hà Nội thí điểm thu hồi xe gắn máy cũ và hỗ trợ người dân đổi xe mới

Theo dõi KTMT trên

Hà Nội lên kế hoạch hỗ trợ thu hồi và xử lý các xe mô tô, xe gắn máy của người dân tự nguyện thải bỏ; đồng thời, hỗ trợ kinh phí từ 0-4 triệu đồng/xe cho người dân thải bỏ xe cũ và có nhu cầu chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy mới.

Theo UBND TP.Hà Nội , hiện toàn TP có hơn 5,7 triệu xe máy. Trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ (đăng ký trước năm 2000) và trên 730.000 ô tô, chưa tính nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn. Khí thải từ các phương tiện cũ nát, bao gồm các dạng hạt bụi lơ lửng, khí oxit carbon (CO), hidrocarbon (HC), các dạng oxit nitơ (NOx) và các chất khác, gia tăng theo thời gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép.

“Các chất ô nhiễm này ảnh hưởng tới chất lượng môi trường không khí đô thị, đồng thời là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng dân cư trên địa bàn Hà Nội…” – UBND TP.Hà Nội cho hay.

Hà Nội thí điểm thu hồi xe gắn máy cũ và hỗ trợ người dân đổi xe mới - Ảnh 1
Những chiếc xe máy "phế liệu" này vẫn được coi là "cần câu cơm" của người lao động phổ thông. (Ảnh: VOV)

Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ hiệu quả của việc kiểm tra khí thải, bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như thay thế xe cũ nát giúp giảm khí thải, giảm thiểu tai nạn. Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý xe máy thải bỏ chưa đúng chuẩn quy cách cũng là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí, đất và nước.

Với những lý do trên, TP.Hà Nội dự kiến từ tháng 9/2021 đến tháng 6/2022 sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra khí thải đối với 3.000-5.000 xe máy của các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM.

Kế hoạch cũng đưa ra các nội dung cụ thể như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc kiểm soát khí thải xe máy, trách nhiệm và quyền lợi của ngưòi dân; Đánh giá hiện trạng phát thải khí thải của xe máy đang lưu hành trên địa bàn Thành phố.

Thí điểm thu hồi và xử lý xe máy thải bỏ từ người tiêu dùng và hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới; Khảo sát, đánh giá tác động kinh tế xã hội của việc kiểm soát khí thải xe máy tới người dân, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có liên quan; Đề xuất các giải pháp, chính sách kiểm soát khí thải xe máy gắn kết với các giải pháp giao thông bền vững; Hội thảo tham vấn với các bên liên quan...

Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) sẽ chủ động đầu tư 8 bộ thiết bị đo khí thải (Thiết bị phân tích khí thải, camera, máy tính...) và lắp đặt tại 8 đại lý. VAMM sẽ hỗ trợ nhân viên kỹ thuật của các đại lý để đo kiểm khí thải, bảo dưỡng xe và quà tặng cho khách hàng tham gia Nghiên cứu.

Ngoài ra, sẽ thiết lập 34 điểm thu hồi tại 34 đại lý của VAMM để tiếp nhận và xử lý xe máy thải bỏ từ người dân. Hỗ trợ thu hồi và xử lý các xe mô tô, xe gắn máy của người dân tự nguyện thải bỏ; đồng thời, hỗ trợ kinh phí từ 0-4 triệu đồng/xe cho người dân thải bỏ xe cũ và có nhu cầu chuyển đổi xe mô tô, xe gắn máy mới. Mức hỗ trợ tùy thuộc từng loại xe và tùng hãng xe mà người dân muốn mua (dự kiến hỗ trợ 3.860 xe).

Trao đổi với Báo Pháp luật TP.HCM, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, xe máy cũ nát đang là một trong những nguồn phát thải khí độc hại ra môi trường nên việc thu hồi là phù hợp.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân nghèo ở Hà Nội đang phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ nát, nói đúng hơn là “nó nuôi cả gia đình họ”. Nên việc chính quyền thu hồi các xe này cần có chính sách “hợp tình, hợp lý”. Chẳng hạn như kêu gọi Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy, doanh nghiệp sản xuất xe máy lớn, hoặc trích quỹ TP để giúp hỗ trợ những người khó khăn đổi xe máy cũ lấy xe máy mới.

“Hiện nay giá một xe máy mới thấp nhất khoảng 13-14 triệu đồng/xe, các tổ chức trên có thể xem xét hỗ trợ cho người dân khoảng 7-8 triệu đồng/xe. Nếu làm được như vậy, người dân sẽ hưởng ứng ngay” – ông Thủy khẳng định.

Vị chuyên gia giao thông cũng đề xuất việc thu hồi xe máy cũ không được làm dồn dập mà phải có lộ trình cụ thể. “Mỗi năm chúng ta chỉ nên thu hồi vài ngàn xe để vừa giảm bớt ô nhiễm môi trường nhưng đảm bảo an sinh cho người dân. Đặc biệt, chúng ta dễ kêu gọi các nhà sản xuất xe máy hỗ trợ bởi vì mỗi năm họ cũng chỉ bỏ ra một khoản nào đó thôi…” – ông Thủy nói.

Hà Lan (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội thí điểm thu hồi xe gắn máy cũ và hỗ trợ người dân đổi xe mới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới