Chủ nhật, 24/11/2024 10:26 (GMT+7)
    Thứ sáu, 13/05/2022 17:00 (GMT+7)

    Hà Nội: Xem xét điều chỉnh kiến trúc dự án 61 Trần Phú

    Theo dõi KTMT trên

    TP.Hà Nội sẽ đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh kiến trúc, tầng hầm của công trình 61 Trần Phú - tòa nhà Pháp cổ đang bị tạm dừng phá dỡ và bức phù điêu thuộc tòa nhà.

    Điều chỉnh kiến trúc, tầng hầm của công trình 61 Trần Phú và bức phù điêu

    Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3 của Quốc Hội tới đây, sáng 11/5, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.

    Tại buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Hà Nội: Xem xét điều chỉnh kiến trúc dự án 61 Trần Phú - Ảnh 1
    Dãynhà Pháp trên khu đất “vàng” với 4 mặt tiền tại địa chỉ 61 Trần Phú cách quảng trường Ba Đình chỉ vài trăm mét. (Ảnh: Hoài Nam)

    Nghị quyết nêu nhiều nội dung rất quan trọng như: xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô xong trước năm 2027; triển khai thi công đường Vành đai 5 trước năm 2030; xây dựng sân bay thứ hai của Thủ đô; phát triển thành phố trong thành phố gồm thành phố phía Bắc (các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và thành phố phía Tây (khu vực Xuân Mai, Hòa Lạc...).

    Hà Nội: Xem xét điều chỉnh kiến trúc dự án 61 Trần Phú - Ảnh 2
    Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: Vietnamnet)

    Liên quan đến các công trình xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, vừa qua Thành phố đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra các vấn đề liên quan đến công trình xây dựng tại số 61 Trần Phú. Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy chủ đầu tư dự án làm đúng quy hoạch, quy trình và thủ tục.

    Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp và sẽ báo cáo Trung ương cho tiếp tục triển khai dự án. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến nhân dân và chuyên gia, Thành phố sẽ đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh một số nội dung. Theo đó, đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh kiến trúc, tầng hầm của công trình 61 Trần Phú và bức phù điêu.

    Bí thư Hà Nội cho hay, tất cả phải được thực hiện trên tinh thần vừa bảo đảm kỷ cương, vừa giữ môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút nhà đầu tư.

    Từng bị phản đối vì lo ngại công trình thay thế có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc

    Theo thông tin của Nhadautu.vn đã từng đề cập, khu đất vàng gần quảng trường Ba Đình rộng 9.078 m2 được giao cho Công ty Cổ phần (CTCP) Thiết bị Bưu điện (Postef) làm trụ sở và sản xuất từ năm 1996, có vị trí "đắc địa" với 4 mặt tiền: Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thái Học và Lê Trực. Khu đất nằm ở trung tâm hành chính Ba Đình, cách không xa Lăng Bác và toà nhà Quốc hội.

    Giữa thập niên trước, Postef từng dự định xây dựng khu đất này trở thành trung tâm công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D). Tuy nhiên chỉ ít năm sau, trong cơn sốt chuyển đổi nhà máy, xí nghiệp thành đất thương mại, Postef đã quyết định mang khu đất 61 Trần Phú đi góp vốn triển khai dự án bất động sản.

    Hà Nội: Xem xét điều chỉnh kiến trúc dự án 61 Trần Phú - Ảnh 3
    Mô hình tòa nhà dự kiến xây dựng tại số 61 Trần Phú. (Ảnh: V.H)

    Để thực hiện dự án, tháng 12/2011, Postef đã cùng với liên danh CTCP Liên Việt Holdings – CTCP Him Lam ký hợp đồng hợp tác. Theo đó, vốn góp của dự án là 1.039,2 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 3.200 tỷ đồng. Postef góp bằng lợi thế quyền sử dụng đất – tương đương 530 tỷ đồng (51%), đối tác của POT góp 49% tỷ đồng còn lại.

    Đến ngày 24/6/2017, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 3841/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên khu đất "kim cương" 61 Trần Phú với tổng diện tích ô đất nghiên cứu là 9.078 m2.

    Sau đó đến năm 2018, Postef đã nộp 605 tỷ đồng tiền thuê đất cho diện tích dự án là 7.523 m2, đồng thời, thực hiện nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án. Trong nửa đầu năm 2019, công ty đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lô đất này (50 năm) với mục đích sử dụng mới.

    Khi thủ tục pháp lý của khu đất cơ bản được hoàn tất, Postef bất ngờ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (AGM 2019) chủ trương chuyển nhượng toàn bộ dự án ở 61 Trần Phú. Việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai, với kỳ vọng mang về lợi ích lớn nhất.

    Tuy nhiên, AGM 2021 của Postef đã thông qua việc tạm dừng chủ trương chuyển nhượng dự án và đến AGM 2022, công ty này cho biết đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục để khởi công Dự án Công trình đa chức năng 61 Trần Phú. Vào tháng 3/2022, dự án đã được quây kín phục vụ cho việc phá dỡ và thi công.

    Động thái này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại rằng công trình thay thế gồm tổ hợp thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp cao 11 tầng có thể phá vỡ cảnh quan kiến trúc của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

    Do vậy, đến ngày 6/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã có chỉ đạo, yêu cầu UBND TP. Hà Nội khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú; đồng thời tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án này. Kết quả thực hiện chỉ đạo báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 8/4/2022.

    Cùng ngày, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP. Hà Nội trước mắt tạm dừng thi công; rà soát về các chỉ tiêu quy hoạch, phương án kiến trúc công trình tại số 61 phố Trần Phú đảm bảo tuân thủ quy định, phù hợp với quy hoạch, không gian, kiến trúc, cảnh quan Khu trung tâm chính trị Ba Đình. Đồng thời nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phản ánh để có giải pháp thực hiện phù hợp, công bố thông tin đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.

    Các dãy nhà xưởng trên khu đất hiện đã phá dỡ gần hết, chỉ còn dãy nhà giáp phố Hùng Vương. Công trình thay thế dự kiến gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm với chức năng tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp.

    Liên quan đến việc triển khai dự án trên khu đất "vàng" 61 Trần Phú đang còn nhiều ý kiến trái chiều, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, toà nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú không phải công trình kiến trúc cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá; công trình này không nằm trong “Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá".

    "Công trình xây mới đã được xác định là tòa nhà đa chức năng 11 tầng, đưa vào khu vực này là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Công trình được đánh giá nghiên cứu nghiêm túc và kiến trúc tương đối đẹp", đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nhận định.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Hà Nội: Xem xét điều chỉnh kiến trúc dự án 61 Trần Phú. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới