Chủ nhật, 24/11/2024 08:33 (GMT+7)
Thứ năm, 06/07/2023 08:00 (GMT+7)

Hà Tĩnh: 5 trang trại lợn tại huyện Vũ Quang chưa có giấy phép môi trường

Theo dõi KTMT trên

Cả 5 trang trại trong khu chăn nuôi tập trung tại thôn Hương Giang, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) bị người dân phản ánh gây ô nhiễm đều chưa có giấy phép môi trường.

Có sai phạm sẽ xử lý theo quy định

Sau khi Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đăng tải bài viết: "Hà Tĩnh: Khu trại lợn tập trung bị phản ánh khiến cuộc sống người dân đảo lộn" đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người dân và chính quyền địa phương. Những gia đình sinh sống gần khu vực trại chăn nuôi mong muốn các cơ quan liên quan sẽ vào cuộc quyết liệt để bảo vệ môi trường sống, bảo vệ nguồn nước nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đại diện chính quyền địa phương cũng đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời xử lý vấn đề người dân và báo chí phản ánh.  

Hà Tĩnh: 5 trang trại lợn tại huyện Vũ Quang chưa có giấy phép môi trường - Ảnh 1
Người dân thôn Hương Giang phản ánh các trại lợn tập trung tại thôn này thường xuyên gây mùi hôi thối.

Trao đổi với Phóng viên, Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy huyện Vũ Quang cho biết: “Qua ý kiến phản ánh của người dân và thông tin từ Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đăng tải thì tôi đã nắm được nội dung vụ việc. Tôi đã chỉ đạo UBND huyện, các phòng ban liên quan, công an huyện… vào cuộc xác minh sự việc. Quan điểm của địa phương là nếu các trại lợn có sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đại tá Nguyễn Trọng Tranh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Sau khi nắm bắt được thông tin về tình hình ô nhiễm của các trại lợn ở thôn Hương Giang, xã Đức hương (Vũ Quang), sáng ngày 4/7 tôi đã cử các cán bộ về kết hợp với Công an huyện Vũ Quang làm việc với các chủ trại. Nếu các trại lợn có sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật".

Cả 5 trang trại đều chưa có giấy phép môi trường

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Vũ Quang cho biết: "Khu chăn nuôi lợn tập trung ở thôn Hương Giang có 5 trang trại, cụ thể: Trại bà Nguyễn Thị Loan với quy mô 1.200 con liên kết với Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam; trại HTX chăn nuôi Hương Giang do ông Nguyễn Quang Tiệp làm giám đốc với quy mô 2.400 con liên kết với Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam; trại HTX chăn nuôi Đức Hương do ông Phan Văn Hân làm giám đốc với quy mô 1.200 con liên kết với Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam; trại HTX chăn nuôi Bảo Trang do ông Nguyễn Văn Minh làm giám đốc với quy mô 600 con liên kết với Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam; trại HTX Nông nghiệp sinh thái và Dịch vụ Vũ Đức Sơn do ông Nguyễn Khắc Thứ làm giám đốc với quy mô 850 con lợn nái, 7.800 con lợn con và 40 con lợn đực".

Ông Nghĩa cho biết thêm, thời gian trước, đơn vị đã tạm đình chỉ 3 tháng đối với trại chăn nuôi lợn của bà Nguyễn Thị Loan vì tồn tại 1 số sai phạm về môi trường. Ông Nghĩa cũng khẳng định, đến thời điểm hiện tại 5 trang trại chăn nuôi lợn này chưa có giấy phép môi trường. Về vấn đề quan trắc theo định kỳ thì được các trang trại thực hiện đầy đủ qua các năm, mỗi năm 2 lần. Kết quả quan trắc cho thấy tất cả các trại đều nằm trong ngưỡng cho phép về xả thải đối với nước thải chăn nuôi?.

Phóng viên đặt câu hỏi tại sao các chỉ số quan trắc theo định kỳ nằm trong ngưỡng nhưng người dân thôn Hương Giang rất bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường của các trại lợn gây ra? Ông Nghĩa cho rằng sẽ phải chờ kết luận của đoàn kiểm tra mới đưa ra được câu trả lời thoả đáng.

Trước đó, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã thông tin, Thôn Hương Giang, xã Đức Hương, huyện Vũ Quang có khoảng 40 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Tại đây, hiện đang có 5 trang trại chăn nuôi lợn tập trung đã đi vào hoạt động được khoảng 10 năm. Theo phản ánh của người dân, các trại lợn này nằm trong khu vực thôn và thường xuyên gây mùi hôi thối, xả nước thải chăn nuôi ra bên ngoài khu vực dân cư làm ô nhiễm nguồn nước, gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Ông Đào Quốc Chiến, Phó Giám đốc công ty cổ phần Envico, đơn vị hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tư vấn môi trường chia sẻ: "Các trang trại chăn nuôi không được cấp giấy phép môi trường có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Hiện nay việc quan trắc định kỳ chất lượng môi trường nước hàng năm rất được các cơ quan chuyên môn quan tâm, nếu doanh nghiệp thực hiện không đúng hoặc không thực hiện chế độ quan trắc định kỳ sẽ bị các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt theo quy định”.

Giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật (khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020). Giấy phép môi trường được coi là một sự quản lý thống nhất và mang tính pháp lý đối với việc theo dõi, kiểm tra, thanh tra các hoạt động bảo vệ môi trường của các dự án trong giai đoạn triển khai (xây dựng, vận hành…), vận hành thí điểm, vận hành thương mại) và vận hành các cơ sở sản xuất, vận hành, dịch vụ, dụng cụ. Do đó, tầm quan trọng của nó đối với môi trường là rất lớn. Vì vậy, trong trường hợp pháp luật quy định phải xin giấy phép về môi trường để đảm bảo việc sản xuất, vận hành và xây dựng không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Ngày 7/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, 
Trong đó, một số khoản, mục thuộc Điều 11 Quy định xử phạt vi phạm quy định về giấy phép môi trường như sau:

Khoản 1. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
e) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;
g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;
Khoản 2. Hành vi vi phạm quy định về thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc thực hiện giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mà đối tượng tương đương thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại các Điều 15, 29, 30, 31, 35 và 38 của Nghị định này bị xử phạt như sau:
e) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 170.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép môi trường được cấp lại theo quy định;
g) Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; xây lắp công trình xử lý chất thải không đúng theo giấy phép môi trường;

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến quý độc giả!

Phan Quý - Quang Trường

Bạn đang đọc bài viết Hà Tĩnh: 5 trang trại lợn tại huyện Vũ Quang chưa có giấy phép môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới