Chủ nhật, 24/11/2024 08:05 (GMT+7)
Thứ năm, 24/12/2020 11:40 (GMT+7)

Hàng loạt ông lớn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nguồn cung sẽ tăng mạnh

Theo dõi KTMT trên

Các tỉnh và thành phố phía Bắc đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, nguồn cung đất ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.

Nổi lên như điểm sáng của khu vực với chi phí lao động rẻ, vị trí thuận lợi, đặc biệt là việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đang là điểm đặt nhà máy mới của hàng loạt doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Thực tế, ngành bất động sản khu công nghiệp nước ta đã sớm cho thấy sự lạc quan, ngay từ đầu năm 2019 khi căng thẳng thương mại lên cao khiến nhiều thương hiệu rục rịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Mới đây, sau nhiều tháng đánh tiếng, Apple chính thức công bố việc chuyển dây chuyền sản xuất iPad, Macbook sang Việt Nam, mở ra một cơ hội lớn cho nền kinh tế nói chung và bất động sản khu công nghiệp nói riêng.

Việc các hãng công nghệ lớn của nước ngoài chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam chưa được xác nhận chính thức từ các cơ quan bộ ngành, song tại cuộc họp gần đây về "Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho biết, sau khi Thủ tướng thành lập tổ công tác về hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài, đã có nhiều cuộc họp trực tuyến và các kênh khác để trao đổi, tìm hiểu thông tin về đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, tổ công tác đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, dự án lớn có giá trị hàng tỉ USD tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Hàng loạt ông lớn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nguồn cung sẽ tăng mạnh - Ảnh 1
Thị trường bất động sản công nghiệp đang được đánh giá là phân khúc hấp dẫn. Ảnh minh họa. 

Trong nước, mới đây, Covestcons – Doanh nghiệp do Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) sở hữu 100% vốn vừa mua 24,4 triệu cổ phiếu IDC của Tổng công ty IDICO. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, đầu tư xây dựng các dự án phát triển công nghiệp.

Covestcons mua lượng lớn cổ phiếu IDICO diễn ra hai tháng sau khi ông Bolat Duisenov – Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons cho biết sắp tới công ty không chỉ làm các dự án xây dựng đơn thuần mà sẽ mở rộng sang hợp tác toàn diện, nghiên cứu thị trường và những cơ hội tiềm năng trong lĩnh vực hạ tầng, xây dựng công nghiệp và nhà thầu EPC.

Ngay từ đầu năm, Vingroup đã lấn sân bất động sản khu công nghiệp bằng việc gia nhập với CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ). Phía Vinhomes cũng cho biết định hướng năm 2020 là xem xét mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp để đón đầu lĩnh vực hấp dẫn này và phát triển thêm nguồn doanh thu. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch cụ thể vẫn chưa được Tập đoàn công bố.

Cuối tháng 3/2020, Tổng công ty Xây dựng và phát triển đô thị Hoà Phát, đơn vị thuộc Tập đoàn thép Hoà Phát (HPG) đã gửi văn bản tới UBND tỉnh Hưng Yên xin chấp thuận chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện dự án đầu tư Khu công nghiệp Bãi Sậy thuộc các xã: Bãi Sậy, Phù Ủng, Bắc Sơn (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).  

Đáng chú ý, sau "scandal" liên quan đến hàng công nghệ, ông chủ Asanzo cũng trở lại với công ty đa ngành Winsan. Trong đó, bên cạnh mảng chủ lực là công nghệ (dự kiến chiếm 70% vốn đầu tư), bất động sản công nghiệp, hậu cần được xác định là một hạng mục đầu tư quan trọng mà Winsan sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới.

Mặt khác, nhiều công ty phát triển dự án cũng rầm rộ kế hoạch phát triển khu công nghiệp như Phát Đạt (PDR), DRH Holdings (DRH)…

Chưa kể, tên tuổi hiện hữu vẫn đang dần mở rộng nguồn cung trong tương lai. Đơn cử Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), theo lộ trình trong giai đoạn 2021 - 2025, công ty sẽ triển khai 9 dự án khu công nghiệp với tổng quỹ đất gia tăng gần 4.000 ha tập trung tại Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Pleiku.

Hay liên danh Đầu tư Tân Thành Long An và Quản lý Khu công nghiệp Sáng Tạo Việt Nam (VNIP) mới đây đã khởi công dự án khu công nghiệpvà đô thị Việt Phát, diện tích hơn 1.800 ha tại Long An…

Theo báo cáo mới nhất của Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), tỷ lệ lấp đầy trung bình khu công nghiệp các tỉnh miền Bắc, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương trong quý III/2020 đạt 74%, tăng 160% so với quý I/2020.

Nguồn cầu chính cho đất công nghiệp vẫn là các nhà sản xuất muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất ra ngoài Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Trong khi đó, khách hàng chủ chốt cho nhà xưởng xây sẵn vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện của JLL Việt Nam cho biết, với quỹ đất lớn hiện hữu, Hải Phòng và Bắc Ninh dẫn đầu về nguồn cung đất công nghiệp tại miền Bắc. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư sắp tới, các tỉnh và thành phố phía Bắc đã lên kế hoạch thêm mới và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, trong đó Hưng Yên và Hải Dương là những địa phương năng động nhất trong việc phát triển các khu công nghiệp mới. Nhìn chung, nguồn cung đất ở miền Bắc dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực.

Tường Anh

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt ông lớn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp, nguồn cung sẽ tăng mạnh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới