Chủ nhật, 24/11/2024 06:58 (GMT+7)
    Thứ năm, 03/03/2022 18:00 (GMT+7)

    Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất của VRC ở Bà Rịa – Vũng Tàu

    Theo dõi KTMT trên

    Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (sau đó đổi tên thành Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC) đã thực hiện hàng loạt sai phạm trong quá trình được giao quản lý đất tại bãi tắm Thuỳ Vân (Bãi Sau), TP.Vũng Tàu.

    Thực hiện không đúng vai trò được giao

    Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) tiền thân là đơn vị trực thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 1996, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương giao cho VRC làm chủ đầu tư xây dựng bãi tắm Thùy Vân. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến đường Thùy Vân là 3 km với diện tích hơn 28 ha đất.

    Theo chủ trương của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà nước cho VRC thuê đất. Công ty sẽ nộp tiền thuê đất cho nhà nước, và nhà nước (chủ sở hữu tiền thuê đất) sẽ ghi thu, ghi chi (giao lại cho công ty số tiền ấy dưới hình thức nhà nước giao vốn cho doanh nghiệp nhà nước) để kết hợp với số vốn do công ty huy động thêm nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng của bãi tắm Thùy Vân.

    Tuy nhiên, trên thực tế chủ trương này không được thực hiện. Nhà nước đã sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, giải tỏa đền bù tại bãi tắm Thùy Vân, với tổng giá trị quyết toán trên 122 tỉ đồng.

    Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất của VRC ở Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh 1
    Bãi tắm Thuỳ Vân, TP.Vũng Tàu có nhiều doanh nghiệp thuê đất hàng chục năm nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính.

    Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ ra rằng, VRC là đơn vị có các quyền và nghĩa vụ của đơn vị thuê đất đối với diện tích đất thuê. Tuy nhiên, đơn vị này không thực hiện đúng vai trò làm đầu mối trong việc quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, ký hợp đồng thuê mặt bằng với các đơn vị thứ phát trong khu vực bãi tắm Thùy Vân.

    Bên cạnh đó, có 6 công trình hạ tầng kỹ thuật đã được ngân sách tỉnh đầu tư trị giá gần 26 tỉ đồng, như: Cấp thoát nước, cây xanh, đường nội bộ, sân Terace, bãi đậu xe, cấp điện và chiếu sáng..., VRC không quản lý; Trong đó có 5 công trình (ngân sách tỉnh đầu tư giá trị hơn 19 tỉ đồng) không tổ chức bàn giao cho các đơn vị đang trực tiếp sử dụng đất, hạ tầng để quản lý theo quy định tại các quyết định của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về phê duyệt quyết toán công trình, các đơn vị sử dụng các công trình hạ tầng này không đưa phần vốn nhà nước vào sổ sách, kế toán để theo dõi, quản lý. Trách nhiệm này thuộc VRC và các đơn vị sử dụng hạ tầng.

    Trong giai đoạn 2005 – 2017, VRC thực hiện cổ phần hoá và có 12 lần thay đổi pháp nhân. Theo quy định, sau khi hoàn thành việc cổ phần hoá, VRC phải làm thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất để chỉnh lý tên đơn vị sử dụng đất. Tuy nhiên, kể từ khi cổ phần hóa xong cho đến nay, VRC và Sở TN&M& vẫn chưa thực hiện các thủ tục theo quy định.

    Bên cạnh đó, Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu không còn, không quản lý, sử dụng đất, đất do các đơn vị khác sử dụng nhưng Sở TN&MT không  thực hiện hoặc tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàuthực hiện các thủ tục về quản lý đất đai tại bãi tắm Thùy Vân dẫn đến việc không quản lý chặt chẽ đất đai, hạ tầng nhà nước đã đầu tư tại bãi tắm Thùy Vân. Trách nhiệm này thuộc về VRC và Sở TN&MT.

    Ký hợp đồng cho thuê trái quy định

    Theo Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, VRC ký hợp đồng với nhiều đơn vị thứ phát để cho thuê lại đất không đúng quy định. Đơn cử như trước hợp VRC ký hợp đồng cho Công ty CP Du lịch Tỉnh thuê cơ sở vật chất, hạ tầng có phần vốn do nhà nước đầu tư (các công trình hạ tầng kỹ thuật) trên diện tích 32.838,3 m2 của bãi tắm Thùy Vân, sau đó chuyển hình thức từ hợp đồng thuê tài sản, cơ sở vật chất thành hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất để thành lập Công ty cổ phần Du lịch Nghinh Phong là trái quy định.

    Năm 2012, VRC ký Hợp đồng số 17/HĐTCSVC/2012 cho Công ty CP Du lịch Tỉnh thuê cơ sở vật chất, hạ tầng tại khu du lịch Nghinh Phong, thời gian thuê 5 năm. Tuy nhiên, trên thực tế Công ty CP Du lịch Tỉnh chỉ thuê 157 ngày, kết quả hoạt động kinh doanh từ việc đầu tư thuê tại khu du lịch Nghinh Phong, Công ty CP Du lịch Tỉnh, lỗ gần 2,3 tỉ đồng.

    Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất của VRC ở Bà Rịa – Vũng Tàu - Ảnh 2
    Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC sau khi cổ phần hoá định hướng phát triển mạnh mảng bất động sản.

    Trước khi cho thuê và thuê tài sản, cơ sở hạ tầng tại đây, VRC và Công ty CP Du lịch Tỉnh không xin ý kiến UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặc dù, chưa nhận bàn giao cơ sở vật chất, tài sản, hạ tầng tại khu du lịch Nghinh Phong, nhưng Công ty CP Du lịch Tỉnh đã chuyển trước tiền thuê đất, hạ tầng cho VRC 4 tyỉ đồng (toàn bộ chi phí thuê trong thời hạn 1 năm). Việc đầu tư này của Công ty CP Du lịch Tỉnh không có phương án, kế hoạch kinh doanh, không hiệu quả, lỗ trên 2,2 tyỉ đồng.

    Ngày 23/01/2013, VRC, Công ty CP Du lịch Tỉnh và Công ty CP Du lịch Nghinh Phong ký kết hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất tại khu du lịch Nghinh Phong, tổng trị giá: 27,5 tỉ đồng, bao gồm VAT (theo Biên bản thỏa thuận ngày 5/11/2012, VRC có trách nhiệm góp vốn 10 tyỉ đồng, chiếm tỷ lệ 33,33% và Công ty CP Du lịch Tỉnh có trách nhiệm góp vốn 18 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 60% để thành lập Công ty CP Du lịch Nghinh Phong. Ông Trần Tuấn Việt được cử làm đại diện phần vốn góp của Công ty CP Du lịch Tỉnh tại Công ty CP Du lịch Nghinh Phong). Nhưng thực tế, vốn hoạt động của Công ty CP Du lịch Nghinh Phong chủ yếu là do Công ty CP Du lịch Tỉnh góp vốn tỉ lệ 94,91%, VRC không góp vốn như thỏa thuận.

    Theo báo cáo của Công ty CP Du lịch Nghinh Phong thì trong quá trình hoạt động kinh doanh tại khu du lịch Nghinh Phong, đơn vị có vay vốn của Công ty CP Du lịch Tỉnh để đầu tư thêm 32 hạng mục công trình.

    Tại Biên bản làm việc với Đoàn thanh tra số 11/BB-ĐTTr ngày 18/9/2017, đại diện VRC cho biết: Mục đích Công ty là bán tài sản tại khu du lịch Nghinh Phong, không góp vốn thành lập Công ty CP Du lịch Nghinh Phong.

    Về pháp lý quyền sử dụng đất 32.838,3m2 tại khu du lịch Nghinh Phong là do VRC đứng tên Hợp đồng thuê đất số 11/HĐ/TĐ, nên Công ty CP Du lịch Nghinh Phong không có quyền sử dụng đất, không được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đồng ý cho nhận chuyển nhượng quyền thuê đất mà chỉ được phép thuê hạ tầng tại khu du lịch Nghinh Phong, nhưng Công ty CP Du lịch Nghinh Phong nhận chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất và đầu tư nhiều hạng mục công trình trên khu đất này.

    Toàn bộ các công trình, hạng mục do Công ty CP Du lịch Nghinh Phong đầu tư thêm là xây dựng trái phép, không phép. Kết quả hoạt động kinh doanh từ ngày 10/1/2013 đến 31/12/2016, lỗ hơn 10 tỉ đồng.

    Tại Biên bản làm việc ngày 18/9/2017 với Đoàn thanh tra, đại diện VRC cho biết: Đến thời điểm ngày 10/1/2013, khi chuyển nhượng tài sản, các hạng mục công trình cho Công ty CP Du lịch Nghinh Phong có tổng giá trị đầu tư (do Công ty Xây lắp tự bỏ vốn đầu tư) gần 5,3 tỉ đòng. Từ hợp đồng chuyển nhượng này, VRC thu nhập từ khoản chênh lệch quyền sử dụng đất và tài sản chuyển nhượng là 19,7 tỉ đồng.

    Khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất cho Công ty CP Du lịch Nghinh Phong, VRC không xin ý kiến chủ trương của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

    Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận định, việc Công ty CP Du lịch Tỉnh ký hợp đồng thuê cơ sở vật chất, hạ tầng nêu trên của VRC tại khu du lịch Nghinh Phong, sau đó chuyển hình thức từ hợp đồng thuê tài sản, cơ sở vật chất thành hợp đồng chuyển nhượng tài sản, cơ sở vật chất để thành lập Công ty CP Du lịch Nghinh Phong, trong khi đó chủ trương của UBND tỉnh là không cho phép chuyển nhượng quyền thuê đất cho Công ty CP Du lịch Nghinh Phong mà chỉ được cho thuê hạ tầng tại khu du lịch Nghinh Phong.

    Việc đầu tư mua tài sản, xây dựng các hạng mục công trình trên đất khi chưa có quyền sử dụng đất, chưa có hợp đồng thuê đất, thuê hạ tầng và xây dựng trái phép, không phép, kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty CP Du lịch Nghinh Phong lỗ, trách nhiệm thuộc về Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Tỉnh và trách nhiệm VRC khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng chưa có sự đồng ý của UBND tỉnh.

    Ngoài ra, VRC đã xây dựng nhiều hạng mục công trình trái phép, không phép tại bãi tắm Thuỳ Vân. Tuy nhiên, đa số chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Trách nhiệm này thuộc về VRC, các nhà đầu tư thứ phát, các đơn vị sử dụng đất có liên quan nêu trên và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng như Sở Xây dựng, UBND TP.Vũng Tàu, UBND phường 8 và UBND phường Thắng Tam.

    Bên cạnh đó, sau khi cổ phần hoá VRC phải kế thừa nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Công ty Xây lắp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thế nhưng, VRC không thực hiện nghĩa vụ này, số tiền thuê đất VRC phải nộp cho nhà nước là hơn 20 tỉ đồng.

    Những sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng khu đất bãi tắm Thuỷ Vân của VRC diễn ra trong thời gian dài, góp phần nguyên nhân khiến cho nhà nước chưa thu về gần 400 tỉ đồng từ các nhà đầu tư thứ phát.

    Ngọc Khanh

    Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt sai phạm trong quản lý đất của VRC ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới