Chủ nhật, 24/11/2024 10:36 (GMT+7)
Thứ năm, 26/05/2022 10:55 (GMT+7)

Hành động để chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật

Theo dõi KTMT trên

Chiến dịch “#NoBearLeftBehind – Không một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau” được khởi động nhằm mục tiêu cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trên khắp Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật.

Khởi động Chiến dịch “Không một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau”

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ chức động vật châu Á cùng khách mời là các ngôi sao nổi tiếng vừa khởi động chiến dịch “#NoBearLeftBehind – Không một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau”. Chiến dịch nhằm mục tiêu cứu hộ toàn bộ các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt trên khắp Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật.

Theo đó, trong hai ngày 24 và 25/5, các ngôi sao đã cùng nhau trải nghiệm các công tác chăm sóc gấu cứu hộ tại Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam (Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) như: Tận tay chuẩn bị thức ăn, rung chuông gọi gấu ra các khu bán tự nhiên, ngắm gấu vui đùa, chạm tay vào gấu khi khám sức khỏe.

Sau đó một ngày, các ngôi sao sẽ đến thăm Trường tiểu học Tân Đồng, một trong hơn 20 trường học mà Tổ chức Động vật châu Á đang triển khai chương trình tuyên truyền bảo vệ loài gấu thông qua các cuộc thi và xây dựng vườn thảo dược có các cây thuốc thay thế mật gấu, tặng quà và động viên Nhà trường và các em học sinh.

Hành động để chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật - Ảnh 1
Chiến dịch "#NoBearLeftBehind – Không một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau” nhằm mục tiêu chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật. (Ảnh: Báo Tuổi Trẻ Online)

Nhà sáng lập viên kiêm Tổng Giám đốc Tổ chức động vật châu Á TS Jill Robinson MBE chia sẻ: “Với Tổ chức động vật châu Á và những nhà bảo trợ, ủng hộ chúng tôi trên toàn thế giới, đây là một khoảnh khắc vô cùng tự hào. Với sự hỗ trợ, đồng hành, hợp tác của Chính phủ Việt Nam, Tổ chức động vật châu Á đã có một bước tiến lịch sử trong công tác bảo vệ động vật hoang dã toàn quốc.

Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam hiện là mái nhà của hơn 192 cá thể gấu chó và gấu ngựa được cứu hộ từ các trang trại nuôi gấu lấy mật trên khắp cả nước. Các chú gấu, sau khi phục hồi sức khỏe và bản năng tự nhiên, giờ đây thực sự được tận hưởng một cuộc sống tự do, thoải mái, đầy đủ, và được chăm sóc tốt nhất về dinh dưỡng và y tế.

Ngày hôm nay, chúng ta tự hào rằng lòng dũng cảm, sự đồng cảm, sự kiên trì và quyết tâm đã và sẽ mang lại sự thay đổi đáng kể, khi chúng ta cùng thúc đẩy và chứng minh con đường phía trước trong việc cứu giúp một trong những loài vật quý hiếm, đang bị tổn thương nhiều nhất trên thế giới”.

Theo thống kê, hiện nay tại Việt Nam vẫn còn hơn 300 con gấu bị mắc kẹt trong các trang trại, thường xuyên bị lấy mật bằng các kỹ thuật xâm lấn và đau đớn, thời gian không chờ đợi chúng và sự sống sót của gấu đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Thông qua chiến dịch lần này, Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi tất cả những người yêu động vật trên khắp thế giới ủng hộ và đóng góp giúp đỡ cho quá trình xây dựng Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (cơ sở 2) và cho mọi cá thể gấu vẫn đang bị trích hút có cơ hội cảm nhận cỏ dưới chân, kiếm ăn và chơi đùa và được thực sự sống cuộc đời của gấu, trước khi quá muộn.

Ngoài ra, tổ chức sẽ khởi động chiến dịch gây quỹ trên toàn thế giới, với một bộ phim hoạt hình sẽ được công chiếu lần đầu trong sự kiện tại Việt Nam và trên mạng xã hội vào ngày 27/5.

Tới nay, Tổ chức đã cứu hộ và chăm sóc 239 cá thể gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam, trong đó 192 cá thể đang được chăm sóc trong an toàn và tự do tại Trung tâm cứu hộ gấu được vinh danh và đạt tiêu chuẩn quốc tế - Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thực trạng nuôi gấu lấy mật “nóng” trở lại

Theo số liệu mới nhất của Cục Kiểm Lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện còn khoảng 310 cá thể gấu nuôi trong các trang trại tư nhân trên toàn quốc. Tổ chức Động vật châu Á sắp đầu tư xây dựng Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam cơ sở II tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế, để thực hiện mục tiêu không một cá thể gấu nào bị bỏ lại phía sau trong chiến dịch này.

Hành động để chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật - Ảnh 2
Nhu cầu sử dụng mật gấu tăng cao cũng khiến nhiều loài gấu suy giảm quần thể và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: Báo NNVN)

Tại Việt Nam, các trang trại nuôi gấu lấy mật xuất hiện ở Việt Nam vào những năm 1990 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về mật gấu và các sản phẩm từ gấu. Nhu cầu sử dụng mật gấu tăng cao cũng khiến nhiều loài gấu suy giảm quần thể và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 2007, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cảnh báo, có 6/8 loài gấu trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, chiếm 75%.

Việc buôn bán gấu và các bộ phận cơ thể chúng đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với số lượng gấu hoang dã ít ỏi còn sót lại ở Việt Nam. Tình trạng khai thác, buôn bán mật gấu vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Niềm tin vào những tác dụng kỳ diệu của mật gấu là động lực cho ngành công nghiệp nuôi gấu lấy mật phát triển và cũng chính là nguyên nhân đe dọa sự tồn vong của loài gấu trong tự nhiên.

Ngoài ra, có hàng trăm cá thể gấu bị nuôi nhốt tại các hộ gia đình, các trang trại. Các cá thể gấu này thường bị nuôi nhốt trong không gian chật hẹp và bị khai thác một cách tàn bạo trong thời gian dài, có nguy cơ tử vong cao nếu không được giải cứu kịp thời. 

Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong năm 2020, Việt Nam vẫn còn cần phải thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo những cá thể gấu còn lại sẽ được chuyển đến các trung tâm cứu hộ và hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật sẽ hoàn toàn chấm dứt tại Việt Nam. Mục đích này sẽ chỉ đạt được khi chính quyền các địa phương còn gấu nuôi nhốt tiếp tục quyết liệt hành động, đặc biệt là tại những điểm nóng nuôi nhốt gấu như Hà Nội và TP.HCM - hai thành phố lớn và phát triển nhất của cả nước.

Đặc biệt, tại TP.Hà Nội, số lượng gấu bị nuôi nhốt tại Thủ đô vẫn chiếm gần một nửa tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước, với 159 cá thể gấu tại 30 cơ sở, tập trung phần lớn tại huyện Phúc Thọ - điểm nóng về nuôi nhốt gấu lấy mật của Việt Nam. TP.HCM đứng thứ hai cả nước về nuôi nhốt gấu, với 25 cá thể tại 6 cơ sở tư nhân. Chủ gấu tại TP.HCM, cũng như nhiều chủ gấu tại các điểm nóng về nuôi nhốt gấu trên cả nước đều có điểm chung đó là bảo thủ và khó thuyết phục. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng tại các địa phương phải hành động nhanh chóng để có thể “cứu” các cá thể gấu còn lại có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Việt Nam từng là điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt gấu, tuy nhiên trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ gấu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhằm đẩy nhanh tiến trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu, các cơ quan chức năng (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) cần hợp tác cùng các đối tác phi chính phủ thực hiện một cuộc đánh giá sâu rộng những cơ sở hiện có để xác định chính xác số lượng gấu còn lại, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, nhu cầu chăm sóc thú y của chúng, từ đó có chiến lược quản lý nhằm tái định cư và chăm sóc dài hạn cho gấu ở những cơ sở cứu hộ.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm, công an, tòa án cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các dấu hiệu vi phạm về gấu để từ đó tạo tính răn đe cao, đặc biệt tại các cơ sở nuôi nhốt gấu; kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng gấu nuôi nhốt và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu bất hợp pháp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều bắt nguồn từ động vật hoang dã. Thói quen tiêu thụ động vật hoang dã đã tạo điều kiện cho nhiều virus lạ tiến sang người và gây ra những đại dịch làm chết rất nhiều người và gây sự gián đoạn lớn về kinh tế. Ví dụ như dơi lây truyền virus Ebola, SARS, MERS, bệnh dại; muỗi lây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, Zika, sốt Tây sông Nile, sốt vàng da...

Hiện nay, sản phẩm được săn lùng nhiều hơn cả để chữa bệnh là mật gấu, vảy tê tê, sừng tê giác, cao hổ. Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thanh Huyền, Viện Dược liệu, khẳng định, mặc dù có dược tính nhất định, song trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng các vị thuốc liên quan đến mật gấu để chữa bệnh chỉ được lý giải theo lý luận cổ truyền Trung Quốc và cho tới nay, có rất ít nghiên cứu xác minh hiệu quả lâm sàng của các bài thuốc này.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Hành động để chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới