Chủ nhật, 24/11/2024 09:45 (GMT+7)
Thứ năm, 20/01/2022 20:00 (GMT+7)

Ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã: Khó hay dễ?

Theo dõi KTMT trên

Tại Việt Nam, tội phạm động vật hoang dã ngày càng trở thành mối nguy lớn cho công tác bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy đấu tranh phòng chống tội phạm động vật hoang dã dần trở thành một trong những ưu tiên số một của đất nước.

Những vụ án nổi cộm về buôn bán ĐVHD

Theo thống kê của WCS, trong 5 năm (2013 – 2017), các cơ quan chức năng phát hiện 1.504 vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã với 1.461 đối tượng, trong đó các vi phạm tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hoặc địa bàn sát biên giới như Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, An Giang, Tây Ninh…

Riêng với các loài động vật hoang dã thường bị buôn lậu, vận chuyển từ Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan như hổ, tê tê, rắn, cầy vòi hương…, các đối tượng thường đưa về Việt Nam bằng xe khách hoặc xe cá nhân được gia cố thêm các ngăn chứa động vật hoang dã và thường xuyên thay đổi biển số trong quá trình vận chuyển. Ngoài nhu cầu tiêu dùng động vật hoang dã làm thuốc, thực phẩm, nhiều đối tượng còn săn lùng động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm làm thú cưng khiến phong trào này ngày càng nở rộ trong giới trẻ.

Ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã: Khó hay dễ? - Ảnh 1
Tình trạng buôn bán ĐVHD ở các cửa khẩu chính là một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt. (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường)

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tội phạm động vật hoang dã thường lợi dụng internet để tiếp cận người mua, đồng thời che giấu danh tính để quảng cáo, rao bán nhiều sản phẩm bất hợp pháp như ngà voi, sừng tê giác, cao hổ, mật gấu… cùng nhiều động vật còn sống, chủ yếu phục vụ nhu cầu nuôi làm cảnh.

Thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho thấy chỉ tính riêng năm 2019, ENV ghi nhận hơn 2.400 quảng cáo vi phạm về động vật hoang dã trên Facebook, Youtube, Zalo và các nền tảng điện tử khác, thậm chí con số này chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong năm 2020.

Theo ENV, lợi dụng khả năng dễ dàng tiếp cận người mua và che giấu danh tính qua các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng thường xuyên rao bán các sản phẩm như: Ngà voi, sừng tê giác, móng gấu, da hổ... Tuy vậy, “vải thưa” khó che được pháp luật khi hiện nay, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong hành vi vi phạm của các đối tượng buôn bán trên Internet và đang dần quen với việc xử lý các vụ việc này.

Điển hình, tại TP.Đà Nẵng, các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra bắt giữ nhiều vụ nuôi nhốt, buôn bán ĐVHD. Cụ thể, ngày 5/5/2020, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.Đà Nẵng phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng (thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng) đã phát hiện và tịch thu 12 cá thể chim săn mồi, chim cắt lưng hung (thuộc Nhóm IIB - Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm ban hành theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ) tại nhà Hoàng Văn Ph (SN 1998, quê quán Quảng Trị), sau khi đối tượng rao bán các cá thể ĐVHD này trên mạng xã hội Facebook.

Đối tượng Ph. đã bị cơ quan chức năng xử phạt hơn 11,2 triệu đồng, buộc tháo gỡ toàn bộ quảng cáo rao bán trái phép các cá thể ĐVHD trên mạng xã hội.

Cũng trong tháng 5/2020, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR rừng phối hợp với Công an phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) phát hiện, xử lý đối tượng Phạm N (SN 1990, trú tại tổ 2, thôn Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) chuyên dùng “lưới tàng hình” tự chế bẫy chim hoang dã để rao bán cho khách hàng.

Theo ENV, trước đó ngày 29/2/2020, TAND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức T (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) 36 tháng tù giam về hành vi vận chuyển trái phép 1 bình rượu ngâm 2 chi gấu ngựa (Ursus thi betanus). Cơ quan chức năng đã lần theo thông tin rao bán rượu ngâm chi gấu trên tài khoản Facebook của vợ bị cáo, tiến hành theo dõi và bắt giữ đối tượng khi đang vận chuyển bình rượu này đi bán cho khách hàng.

Một đối tượng khác ở Hà Nội là Phạm Thị V cũng đã bị tuyên phạt 12 tháng tù về hành vi buôn bán trái phép một bình rượu ngâm một cá thể gấu ngựa con. Đối tượng khai nhận đã mua bình rượu ngâm 1 cá thể gấu con từ một đối tượng buôn bán khác với giá 10,5 triệu đồng và đăng bán lại trên mạng Internet, với giá chênh lệch 500 nghìn đồng…

4 giải pháp phòng, chống tội phạm động vật hoang dã

Thứ nhất, nên bổ sung “hành vi sử dụng động vật hoang dã” vào nhóm đối tượng các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhằm hạn chế nhu cầu, thói quen sử dụng, tiêu dùng động vật hoang dã bất hợp pháp của một bộ phận người dân.

Về vấn đề bảo quản, xử lý tang vật là động vật hoang dã, cần quy định chi tiết cách thức xử lý tang vật là động vật hoang dã bao gồm các loại động vật thủy sinh, đồng thời cần có hướng dẫn tài chính cụ thể cho hoạt động liên quan đến cứu hộ, tái thả động vật hoang dã.

Thêm một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) đang được xếp vào Các tội phạm khác xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tuy nhiên, điều này là không phù hợp vì đối tượng phạm tội ở đây cần phải bị xử lý đúng với bản chất hành vi phạm tội thuộc nhóm Các tội phạm về môi trường để phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã: Khó hay dễ? - Ảnh 2
Cá thể hổ đông lạnh ở Quảng Bình được người bán quảng cáo mang về từ Malaysia. (Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng)

Thứ hai, về lâu dài, cần xây dựng luật riêng về bảo vệ động vật hoang dã. Hiện trên thế giới đã có 56 quốc gia ban hành luật riêng về động vật hoang dã, trong đó có Trung Quốc, giúp thực thi hiệu quả công tác phòng, ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm động vật hoang dã một cách thống nhất.

Thứ ba, cần tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đồng thời đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành trong hoạt động phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm động vật hoang dã giữa các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, hải quan, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, an ninh hàng không, Interpol… Bên cạnh đó, cần xây dựng bộ cẩm nang nhận diện các loài động vật hoang dã được pháp luật bảo vệ, giúp các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hiệu quả hơn.

Thứ tư, thúc đẩy tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về chính sách, pháp luật liên quan đến bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã, đồng đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm động vật hoang dã.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Ngăn chặn tội phạm động vật hoang dã: Khó hay dễ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới