Chủ nhật, 24/11/2024 09:54 (GMT+7)
Thứ hai, 19/04/2021 15:44 (GMT+7)

Hành động phá hủy môi trường là hành vi phạm tội

Theo dõi KTMT trên

Hạ viện Pháp vừa thông qua một nội dung mới trong dự thảo Bộ luật Môi trường, theo đó coi hành động phá hoại môi trường, dù cố tình hay vô ý, là hành vi phạm tội.

Hành động phá hủy môi trường là hành vi phạm tội - Ảnh 1
Hành động phá hủy môi trường là hành vi phạm tội dù cố tình hay vô ý. 

Những cá nhân hoặc tổ chức vi phạm sẽ chịu án tù tối đa 10 năm cùng khoản phạt 5 triệu EUR (khoảng 5,4 triệu USD).

Bộ trưởng Môi trường Pháp Barbara Pompili cho biết, nếu bộ luật này được thông qua, sẽ giúp ngăn chặn ngay lập tức những vụ việc phá hoại môi trường nghiêm trọng nhất ở cấp độ quốc gia.

Bên cạnh đó, Hạ viện Pháp cũng cho phép coi hành vi gây nguy hiểm cho môi trường sống của các loài sinh vật là một loại hình tội phạm mới, và bên vi phạm có thể bị phạt 3 năm tù cùng mức phạt tiền 300.000 EUR. Hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất sẽ được phân loại là “tội cố ý gây thiệt hại không thể phục hồi cho môi trường”.

Bộ trưởng Tư pháp Dupont-Moretti khẳng định, thông qua bộ luật, nước Pháp muốn “chấm dứt nạn cướp môi trường”.

Còn trên Twitter, Bộ trưởng Pompili tuyên bố: Chúng ta đã vượt qua cột mốc lịch sử trong cuộc đi tìm công lý vì môi trường. Bà Pompili nhấn mạnh: “Sẽ không ai có thể thoát tội. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ để mọi người tôn trọng luật môi trường”.

Bà cho biết thêm, các nhà lập pháp cũng sẽ thiết lập một “cơ chế phục hồi” để khôi phục môi trường. Bởi, thiệt hại đối với môi trường không chỉ được “ngăn chặn và trừng phạt”, mà còn phải được “phục hồi”.

Bộ trưởng Môi trường Pháp tin rằng, một khi các biện pháp trừng phạt được củng cố sẽ giúp giải quyết triệt để những vụ việc cố ý gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và đất đai nghiêm trọng và kéo dài.

Trước đó, Quốc hội Pháp đã thông qua việc hủy các chuyến bay nội địa chặng ngắn nhằm giảm khí thải. Đồng thời bỏ phiếu xóa bỏ các ưu đãi thuế đối với việc sử dụng dầu cọ làm nhiên liệu sinh học..., bởi các nghiên cứu chỉ ra rằng, dầu cọ thúc đẩy nạn phá rừng. Khai thác quá đà cũng góp phần phá hủy môi trường sống của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, như loài đười ươi.

Một năm trước, Pháp lập ủy ban gồm 150 thành viên, đề ra Công ước môi trường công dân. Công ước đã đệ trình 149 đề xuất cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên Tổng thống Emmanuel Macron, 146 đề xuất được ông Macron hứa chuyển thành chính sách của chính phủ.

Những động thái liên tiếp của Pháp cho thấy quyết tâm củng cố sức mạnh cho các biện pháp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mang lại môi trường sống lành mạnh cho người dân của quốc gia này.

Thực trạng thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường

Chuyện tưởng xa xôi nhưng bản chất của nó phản ánh vấn đề môi trường bị hủy hoại đã thực sự là mối lo lắng và gây bức xúc trên toàn cầu. Trong mối quan tâm chung này, chúng ta cũng nhìn thấy những vấn đề đang diễn ra tại Việt Nam. Đợt mưa lũ vừa qua gây tai họa cho miền Trung và một trong những nguyên nhân chính vẫn là rừng bị tàn phá.

Hành động phá hủy môi trường là hành vi phạm tội - Ảnh 2
 Việt Nam được biết tới là 1 trong số 5 quốc gia đang phải chịu hậu quả của việc phá rừng mạnh mẽ nhất.

Hủy hoại môi trường còn hiện diện khắp nơi: Đất canh tác bỗng dưng thành mỏ bauxite, đất hiếm; biển xanh bỗng dưng thành bãi thải xỉ than của nhà máy nhiệt điện; sông no nước bỗng nhiên bị chặn dòng làm thủy điện, đặt cống xả thải cho sản xuất công nghiệp

Pháp luật chúng ta đủ mạnh để ngăn chặn hành vi phá hoại môi trường. Vấn đề quan trọng là thực thi như thế nào và từng cơ quan được giao nhiệm vụ, từng địa phương thực hiện ra sao. Luật Môi trường ban hành năm 2014 và bổ sung, sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua quy định rất đầy đủ hành vi bị cấm như: Phá hoại, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên; thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí; phá hoại, xâm chiếm trái phép di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên… và cả lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy định về quản lý môi trường.

Trước tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn còn nhiều diễn biến mới, phức tạp, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Pháp luật về môi trường nói chung và pháp luật hình sự về tội phạm môi trường của Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện; lực lượng thực thi pháp luật về môi trường cũng đang từng bước củng cố về năng lực. Đây là điều kiện để các đối tượng phạm tội thực hiện hành vi xâm hại môi trường, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp; kinh doanh nhập khẩu; khai thác tài nguyên, khoáng sản...

Thiên nhiên có sự cân bằng huyền diệu để bảo tồn sự sống cho muôn loài. Cưỡng bức để trục lợi từ môi trường sẽ mang đến những hậu quả khôn lường và kéo giảm chất lượng sống của người dân cả quốc gia. Không thể viện bất cứ lý do gì để tội phạm trong lĩnh vực này nhởn nhơ!.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Hành động phá hủy môi trường là hành vi phạm tội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới