Hành động vì các dòng sông: "Chìa khóa" khôi phục và duy trì đa dạng sinh học
Năm 2023, Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông nêu bật tầm quan trọng của các dòng sông đối với đa dạng sinh học bởi các con sông là "chìa khóa" để khôi phục và duy trì đa dạng sinh học của thế giới.
Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông 14/3 là ngày dành riêng cho sự đoàn kết - khi các cộng đồng đa dạng trên toàn thế giới cùng chung một tiếng nói để nhấn mạnh vai trò của các dòng sông vô cùng quan trọng.
Cộng đồng trên thế giới cần được tiếp cận với nước sạch và đã đến lúc cần phải bảo vệ những dòng sông để đảm bảo "mạch nguồn" xanh hơn bao giờ hết.
Năm nay, Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông nêu bật tầm quan trọng của các dòng sông đối với đa dạng sinh học bởi các con sông là "chìa khóa" để khôi phục và duy trì đa dạng sinh học của thế giới. Các hệ thống sông là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất trên Trái Đất và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.
Trước đó, vào tháng 3/1997, các đại diện từ 20 quốc gia tham gia Hội nghị quốc tế đầu tiên về con người bị ảnh hưởng bởi các con đập, tổ chức tại Brazil, đã quyết định lấy ngày 14/3 là Ngày Quốc tế hành động vì các dòng sông.
Đây là dịp để các quốc gia trên thế giới cùng chung tiếng nói bảo vệ các dòng sông - mạch sống của các hệ sinh thái, đề ra những chính sách quản lý công bằng, phát triển bền vững; tìm những giải pháp tốt hơn liên quan đến nước và năng lượng; hợp tác trong xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo đó, các dòng sông, ngoài chức năng cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, tưới tiêu, vận tải, còn cung cấp nguồn năng lượng, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, bồi tụ vật liệu cát xây dựng và phù sa cải tạo đất.
Nỗ lực bảo vệ và hồi sinh các dòng sông vì tương lai xanh
Việt Nam có 3.450 con sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng - Thái Bình; Bằng Giang - Kỳ Cùng; Mã; Cả; Hương; Vu Gia - Thu Bồn; Trà Khúc; Kôn - Hà Thanh; Ba; Sê San; Srêpôk; Đồng Nai; Mê Kông.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã đưa ra những quyết sách quan trọng về quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững... Từ đó, nỗ lực bảo vệ và hồi sinh các dòng sông, vì tương lai xanh của đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả 3 đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông: sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, hệ thống sông Đồng Nai.
Cùng với đó, công tác phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên vùng, liên tỉnh và khu vực giáp ranh ngày càng được tăng cường, như vấn đề ô nhiễm nước Ngòi Lao trên địa bàn 2 tỉnh Yên Bái và Phú Thọ; ô nhiễm nước sông Cầu đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang; ô nhiễm nguồn nước giữa Hải Dương và Hải Phòng do bãi rác thải; ô nhiễm sông Cái giữa tỉnh Hòa Bình và tỉnh Phú Thọ; ô nhiễm môi trường trên hệ thống kênh Bắc Hưng Hải...
Để củng cố và tăng cường hiệu quả quản lý của công tác bảo vệ môi trường nói chung và lưu vực sông nói riêng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định nhiều nội dung mới về công tác bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là việc đánh giá sức chịu tải của sông, hạn ngạch xả nước thải vào lưu vực sông, công bố các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải...
Cùng với việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, trong tháng 2 và tháng 3/2023, Chính phủ cũng ban hành Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Hồng – Thái Bình và Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các Quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Có thể, thấy, tài nguyên nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tính đến ngày 18/11/2022, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt kinh phí cho việc cấp quyền khai thác tài nguyên nước là trên 12.700 tỷ đồng.Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT đã ban hành gần 70 văn bản, các địa phương đã ban hành gần 500 văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và triển khai Luật.
Trong đó, có 4/15 quy hoạch về tài nguyên nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 43/63 tỉnh/thành đã phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ; 33/63 tỉnh/thành đã phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt; 40/63 tỉnh/thành phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp; 26/63 tỉnh/thành ban hành Danh mục vùng; Việc điều hoà, phân bổ tài nguyên nước bảo đảm công bằng trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước đã từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Lan Anh