Hiệp định TFA chưa ghi dấu ấn với doanh nghiệp miền Trung
Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp miền Trung chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA) mang lại.
Hạn chế trong nắm bắt Hiệp định TFA
Ông Nguyễn Toàn - Chuyên gia dự án USAID TFP cho hay: “Đến hết năm 2020, Việt Nam có 26 nhóm cam kết trong TFA được đánh giá ở nhóm A, 7 nhóm cam kết thuộc nhóm B và 6 nhóm cam kết thuộc nhóm C”.
Đến tháng 6/2021, đã có 226/284 thủ tục hành chính của 13 Bộ được tích hợp trên hệ thống 1 cửa quốc gia, giải quyết 3,89 triệu hồ sơ thủ tục với 47,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký giải quyết thủ tục. Phía các cơ quan nhà nước đã có nhiều hoạt động tích cực, tuy nhiên, ở đối tượng thụ hưởng chính của TFA - các doanh nghiệp hiện khá “thờ ơ” với hiệp định này”.
Các doanh nghiệp khu vực miền Trung nói chung và doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến TFA, nhiều doanh nghiệp chưa biết về Hiệp định. Nhận thức của các doanh nghiệp về tạo thuận lợi thương mại nói chung và TFA nói riêng vẫn còn hạn chế. Điều này làm giảm những lợi ích to lớn mà Hiệp định mang lại cho các doanh nghiệp.
Qua khảo sát 150 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu khu vực miền Trung có tới 95% doanh nghiệp trả lời không biết hoặc biết sơ bộ (có nghe nói tới) về tạo thuận lợi thương mại. Chỉ có 5% doanh nghiệp biết đến vấn đề tạo thuận lợi thương mại và đều là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn tại miền Trung (kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD/năm).
Thực tế các doanh nghiệp hiểu và biết rõ về TFA hiện đang rất thấp. Có tới 96,32% doanh nghiệp không biết thông qua các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hoặc chỉ mới nghe qua hiệp định TFA. Đa số các doanh nghiệp nhận biết thông qua các chương “tạo thuận lợi thương mại” trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Lợi ích thiết thực từ Hiệp định TFA
Với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, TFA tạo thuận lợi thương mại trên cơ sở cân bằng giữa thuận lợi và tuân thủ pháp luật, thúc đẩy việc vận chuyển, thông quan hàng hóa thông qua việc đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục thương mại quốc tế, đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến thương mại hàng hóa.
Ngoài ra, TFA có ý nghĩa trong việc giúp giảm thời gian thông quan, giảm chi phí, giảm rủi ro; Tăng năng lực cạnh tranh; Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường; Lợi nhuận được cải thiện - chiến lược kinh doanh ổn định;…
Theo thỏa thuận TFA vừa được thông qua, các nước thành viên WTO nhất trí đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa các thủ tục Hải quan (TTHQ) để tạo thuận lợi cho dòng chảy hàng hóa lưu thông trên toàn cầu.
Hiện tại, TTHQ đang là một trong những vấn đề gây nhiều cản trở nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình xuất - nhập khẩu. Theo nghiên cứu của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Việt Nam hiện đang đứng thứ 65/189 nước về TTHQ.
Nếu giảm một ngày trong TTHQ sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp 1,6 tỉ USD. Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc giảm bớt TTHQ sẽ giúp cắt giảm 2,8% chi phí thương mại đối với những nước thu nhập trung bình khá, 2,2% đối với các nước thu nhập trung bình thấp.
Biết rõ về TFA không chỉ biết các quy định của Việt Nam mà còn biết các cam kết mà các thành viên WTO, FTA dành cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam. Nếu doanh nghiệp nắm rõ và biết khai thác thì chắc hẳn sẽ phát huy được một cách hiệu quả nhất.
Thu Hà (t/h)