Việt Nam có chịu sức ép cạnh tranh khi Trung Quốc gia nhập CPTPP?
Việc Trung Quốc xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa tạo cơ hội nhưng cũng là thách thức cho thương mại Việt Nam.
Tín hiệu khả quan
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, sự tham gia của nước này vào CPTPP sẽ giúp gia tăng lợi ích nhóm. Điều này là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 105,39 tỉ USD, trong đó, xuất khẩu chỉ đạt 33,35 tỉ USD, nhập khẩu đạt 72,04 tỉ USD. Như vậy, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 38,69 tỉ USD.
Đáng lưu ý, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,35 tỉ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ năm ngoái, thì nhập khẩu từ nước này với 72,05 tỉ USD, tăng đến 46,1% so cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hiện chiếm 33,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch trên 100 tỉ USD.
Cơ hội cũng giúp hàng hóa của Việt Nam và các quốc gia trong CPTPP sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc và tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt bán tại thị trường Trung Quốc.
Vì thế, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN trong 4 năm và đã phát triển trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc trên toàn cầu kể từ giữa năm 2020. Trung Quốc đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004.
Nguy cơ phụ thuộc hàng hóa
Cũng phải khẳng định rằng nhờ hợp tác thương mại với Trung Quốc mà nền kinh tế Việt Nam cũng có đà tăng trưởng vượt bậc. Nhưng điều này không phải là tất cả, còn nhiều thách thức khác mà Việt Nam cần đối mặt, đặc biệt là khi Trung Quốc được gia nhập CPTPP.
Dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc hàng hóa thương mại ngày càng lớn vào quốc gia tỉ dân này. Trong thời gian vừa qua, với cơ chế mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, thế cạnh tranh của Trung Quốc đã vượt lên rất mạnh, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng lớn.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng lên trong thời gian vừa qua, nhưng không bằng được so với mức độ nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa lợi thế của ta được hưởng ít hơn so với Trung Quốc trong quan hệ thương mại hai bên.
Khi Trung Quốc tham gia CPTPP, thị trường hàng hóa Việt Nam có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào quốc gia này. Trong khi mục tiêu lớn nhất của ta khi tham gia CPTPP là đa dạng hóa nguồn cung và thị trường, tăng cường các mối quan hệ đối tác khác ngoài Trung Quốc.
Gia tăng áp lực cạnh tranh
Tham gia Hiệp định, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt với các nước trong CPTPP. Khi Trung Quốc gia nhập CPTPP, áp lực này sẽ càng tăng thêm và các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rủi ro bị loại khỏi cuộc chơi nếu không đủ sức cạnh tranh.
Việt Nam luôn kỳ vọng sẽ được xuất khẩu nhiều hơn sang các nước trong khối CPTPP các sản phẩm: Dệt may, điện tử gia dụng, thủy sản, máy móc thiết bị, gỗ, xăng dầu, vận tải.
Các sản phẩm này lại chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của Trung Quốc, trong năm 2020: Xuất khẩu nhóm này đạt 1.242,1 tỉ USD, chiếm 48% tổng xuất khẩu. Còn nhập khẩu nhóm này đạt 884,8 tỉ USD, chiếm 43% tổng nhập khẩu.
Trong khi đó, Trung Quốc là nước có lợi thế về quy mô, chi phí sản xuất và chất lượng hàng hóa. Việc xuất khẩu các nhóm hàng này của Việt Nam nhiều khả năng sẽ bị cạnh trạnh bởi Trung Quốc.
Trung Quốc sắp gia nhập CPTPP, Việt Nam với tư cách là thành viên của CPTPP, cần chuẩn bị kỹ càng cho triển vọng này trước khi nó xảy ra để có thể tận dụng những lợi ích và giảm thiểu những rủi ro.
Thu Hà