Thứ tư, 27/11/2024 23:20 (GMT+7)
    Thứ năm, 04/02/2021 11:13 (GMT+7)

    Hồ điều tiết có giải được bài toán chống ngập ở TP.HCM?

    Theo dõi KTMT trên

    Hồ điều tiết được kỳ vọng là một trong những lời giải cho bài toán chống ngập ở TP.HCM. Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến ủng hộ thì một số chuyên gia lại cho rằng, hồ chống ngập chưa phải là giải pháp tốt cho các đô thị như TP.HCM.

    Cuối năm 2018, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP (hiện sáp nhập về Ban quản lý Khai thác hạ tầng kỹ thuật do Sở Xây dựng TP.HCM quản lý) đề xuất UBND TP.HCM cho phép triển khai 5 hồ điều tiết chống ngập trong giai đoạn 2019 - 2020 với tổng số vốn đầu tư hơn 475 tỉ đồng.

    Trước đó, tại buổi làm việc với Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP và BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, cho biết đang hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng tại TP. Xác định sơ bộ 103 vị trí cần đầu tư xây dựng hồ điều tiết.

    Việc xây dựng bảy hồ điều tiết này dựa trên cơ sở nghiên cứu rà soát những khu vực trũng thấp có thể tận dụng để làm hồ điều tiết giảm ngập, tăng dung tích trữ nước, tạo cảnh quan đô thị.

    Các hồ điều tiết được đề xuất xây dựng có công suất 1.500 - 20.000 m3 bằng công nghệ hồ điều tiết cross - wave ngầm của Nhật. Đầu tháng 8/2017, Công ty Sekisui (Nhật Bản) và một đối tác Việt Nam đã thi công lắp đặt hồ điều tiết thông minh chống ngập nước đầu tiên trên đường Võ Văn Ngân (đoạn trước Nhà Thiếu nhi Thủ Đức). Công trình có quy mô dài 10 m, rộng 9 m, sâu khoảng 2,5 m, được lắp đặt bằng các môđun cross-wave là những kết cấu bằng nhựa, theo công nghệ mới.

    Theo đại diện của đối tác Việt Nam thì hồ điều tiết nói trên được xây dựng ngầm trong lòng đất có dung tích chứa 109 m3 nước mưa, khoảng 95% lượng nước này có thể để sử dụng tưới cây xanh và phòng cháy chữa cháy.

    Hồ điều tiết có giải được bài toán chống ngập ở TP.HCM? - Ảnh 1
    Hồ điều tiết thông minh chống ngập nước đầu tiên trên đường Võ Văn Ngân. (Ảnh: Internet)

    Dù được kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ngập nước tại khu vực trước nhà Thiếu nhi Thủ Đức, tuy nhiên hồ điều tiết được lắp đặt ở đây liên tục không phát huy hiệu quả.

    Đánh giá về tính khả thi của việc xây hồ điều tiết chống ngập, chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: “Xây hồ điều tiết là giải pháp cần thiết nhưng không dễ làm vì nó liên quan nhiều yếu tố, phải thật sự nghiêm túc, quyết tâm làm…”

    KTS Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm không phải nơi nào cũng cần hồ điều tiết mà các khu vực bê tông hóa nhiều, mật độ cao tầng cao, khu vực ít có không gian xanh hoặc nơi ít sông rạch thì cần hồ điều tiết hơn.

    “Hồ điều tiết còn nằm trong câu chuyện đánh giá tác động môi trường, không phải muốn làm ở đâu cũng được. Nên có cách làm khoa học, dựa vào đánh giá tác động môi trường của dự án và khi người ta thấy hệ thống thoát nước không đủ phục vụ nhu cầu thì mới cần có hồ điều tiết” - ông Sơn nói.

    Với TP.HCM, ông Sơn cho biết giải pháp làm hồ điều tiết chống ngập là cần thiết vì khi lượng mưa tới ngưỡng thì hồ sẽ là nơi chứa nước mưa và sau đó khi tạnh mưa, nước trong hồ từ từ thoát ra sông, kênh, rạch.

    Hồ điều tiết có giải được bài toán chống ngập ở TP.HCM? - Ảnh 2
    Các dự án chống ngập ở TP.HCM vẫn chưa phát huy được hiệu quả. (Ảnh: Internet)

    KTS cũng cho rằng TP.HCM cần ưu tiên các hồ điều tiết nổi vì hồ điều tiết ngầm được xem là giải pháp chữa cháy, chỉ làm ở những nơi không còn diện tích làm hồ điều tiết tự nhiên. Còn khu đô thị mới thì cần làm hồ điều tiết nổi, vừa là hồ cảnh quan, vừa cải thiện khí hậu tốt hơn nhiều.

    PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP.HCM, nhìn nhận, nhiều dự án chống ngập ở TP.HCM sử dụng dữ liệu đầu vào cũ, trong khi lượng mưa và triều cường ngày càng tăng lên nên dẫn đến đường cống thoát nước quá tải chỉ sau ít năm sử dụng.

    Để khắc phục tình trạng này, buộc phải sử dụng đến các hồ điều tiết (ngầm hoặc hở) để làm nơi trữ nước tạm thời, đến khi hết mưa thì bơm từ từ ra kênh rạch, đổ ra sông. Đây là cách mà các TP lớn trên thế giới đã làm từ lâu.

    Tuy nhiên, ông Hồ Long Phi cho rằng, hệ thống thoát nước mới là giải pháp chính để chống ngập do mưa. Vì vậy, để giải quyết ngập triệt để cho TP, song song với việc làm hồ điều tiết, cần giải pháp tổng thể bao gồm việc đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều.

    Dù vậy, theo nhiều chuyên gia nghiên cứu hạ tầng đô thị thì dù xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới nhưng hồ chống ngập chưa phải là giải pháp tốt cho các đô thị như TP.HCM. Đầu tiên là dung tích các hồ này đều rất nhỏ bởi khu vực đô thị không thể xây được hồ lớn.

    Ngoài ra, hồ chống ngập thường có nguồn vốn đầu tư lớn và sự duy trì, vận hành tốn kém hơn so với các dự án khác như đê kè, cống thoát nước. Bởi sau khi lấy nước vào hồ, hồ phải được máy móc đưa nước ra. Trong khi đó, phương án tái sử dụng nước hồ để tưới cây cũng khó khả thi vì nước thường ô nhiễm. Nếu như những cơn mưa kéo dài và liên tiếp trong vài ngày thì hồ chống ngập có thể trở thành các điểm ngập khi bản thân chúng chưa kịp thoát nước đi.

    Chống ngập đô thị luôn là bài toán nan giải với TP, đặc biệt trong thời điểm đang chịu sự tác động nặng nề của yếu tố tự nhiên như triều cường, mưa…, cùng với quá trình đô thị hóa, dân số tăng; hệ thống thoát nước và kênh, rạch dù đã cải tạo, phục hồi nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển.

    Thời gian qua, TP đã đầu tư nhiều công trình chống ngập. Tuy nhiên, đến nay các dự án chống ngập ở TP.HCM vẫn mang tính “thí điểm”, chưa có dự án nào chắc chắn giải quyết tình trạng ngập nước.

    Hà Linh

    Bạn đang đọc bài viết Hồ điều tiết có giải được bài toán chống ngập ở TP.HCM?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới