Chủ nhật, 24/11/2024 08:22 (GMT+7)
Chủ nhật, 09/05/2021 17:44 (GMT+7)

Hồ Tây đang ô nhiễm, chưa có cách xử lý hiệu quả

Theo dõi KTMT trên

Hồ Tây (Hà Nội) đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm mà chưa có nhiều giải pháp xử lý thực sự hiệu quả.

Hồ Tây ngoài ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt sinh thái, lá phổi của Hà Nội, còn là một biểu tượng của Thủ đô ngàn năm văn hiến với môi trường và cảnh quan xung quanh tạo nên một bức tranh thiên nhiên hài hòa, tinh khiết.

Tuy nhiên, hồ Tây đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm mà chưa có nhiều giải pháp xử lý thực sự hiệu quả. Tình trạng rác thải, xác cá chết xuất hiện trên hồ ngày càng nhiều làm ảnh hưởng đến cảnh quan, chất lượng nước hồ cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân sống ven hồ.

Hồ Tây đang ô nhiễm, chưa có cách xử lý hiệu quả - Ảnh 1
Một góc thơ mộng của hồ Tây. Ảnh internet. 

Ô nhiễm cao, hệ sinh thái suy giảm

Các chuyên gia nghiên cứu về môi trường cho biết, hiện nay, những giá trị về đa dạng sinh học tại hồ Tây đã và đang suy giảm rõ rệt. Kết quả điều tra thành phần các loài thực vật nổi ở hồ Tây cho thấy có sự giảm sút loài lớn nhất từ 115 loài (năm 1996) đến nay chỉ còn khoảng 60 - 70 loài.

Trong đó, giảm số lượng nhiều nhất là tảo lục giảm từ trên 70 loài xuống còn hơn 10 loài. Các loài chim quý hay cá đặc hữu của hồ Tây như le le, sâm cầm, cá vền, cá lóc, trắm đen… gần như không còn.

Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra là do môi trường nước ở hồ Tây những năm gần đây bị ô nhiễm ngày càng cao, nhất là vào mùa khô. Ô nhiễm là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của các loài sinh vật trong khu vực sông hồ cũng như môi trường sống, cảnh quan xung quanh của con người. Hệ lụy đi kèm là số lượng cá chết ngày càng nhiều và càng tăng vào mùa nước cạn.

Điển hình như, trong các năm 2016 và 2018, tại hồ Tây, hàng chục tấn cá chết đã nổi trắng mặt hồ. Nhiều nguyên nhân khiến cá chết được đưa ra như nắng nóng, tảo nở hoa…. Song, theo nhiều người dân sống gần khu vực hồ Tây, hiện tượng cá chết vẫn thường xuyên xảy ra nhưng số lượng không nhiều.

Chị Quỳnh Anh sống tại phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ) cho biết, vào các buổi sáng, người dân thường đến hồ Tây để đi bộ, đạp xe rất đông, song, khi tới những đoạn như Quảng An, Nhật Chiêu không khỏi khó chịu với mùi hôi thối bốc lên từ hồ Tây.

Hồ Tây đang ô nhiễm, chưa có cách xử lý hiệu quả - Ảnh 2
Trong các năm 2016 và 2018, tại hồ Tây, hàng chục tấn cá chết đã nổi trắng mặt hồ. 

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, thời gian gần đây, nước hồ Tây ở một số khu vực đang chuyển sang màu xanh rêu đậm, bẩn và đục hơn bình thường. Mặt hồ xuất hiện nhiều rác thải, cá chết trôi nổi. Điều này không chỉ khiến cho môi trường nước tại hồ Tây bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà không khí ở đây luôn nồng nặc mùi hôi tanh. Dư luận lo lắng về vấn đề môi trường và sự sống của các sinh vật trong hồ.

Đáng chú ý, tại lòng hồ Tây vị trí ven phố Nhật Chiêu, từ nhiều năm nay là nơi tập kết các du thuyền kinh doanh dịch vụ bị buộc phải dừng hoạt động vào hồi đầu năm 2017. Các con tàu sắt thép bỏ hoang suốt nhiều năm đã xuống cấp, hoen gỉ mất mỹ quan. Đây đều là tàu lớn, chiếm rất nhiều diện tích mặt nước và có nguy cơ gây ô nhiễm lòng hồ. Cũng theo người dân sống quanh hồ khu vực bãi tàu này, nhiều ngày nay nước hồ Tây có hiện tượng ô nhiễm, cá chết nhiều hơn, nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Thường xuyên tới hồ Tây để ngắm cảnh, anh Thanh Trường (phường Việt Hưng, quận Long Biên) phản ánh, nếu đi dọc đoạn Quảng An tại một số điểm xuất hiện tình trạng người dân vô ý thức đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu, thậm chí là bát hương xuống lòng hồ.

Không chỉ có vậy, những vị khách tới uống cà phê, ăn tại các hàng quán nhỏ ven hồ cũng vứt luôn giấy báo, túi ni lông, vỏ đồ ăn xuống hồ, làm mất mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường nước. Do đó, anh mong các cơ quan chức năng, chính quyền có những giải pháp giải quyết nhanh vấn đề ô nhiễm hồ Tây.

Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, vào những năm 60 của thế kỷ trước, chất lượng nước hồ Tây còn rất tốt, hàm lượng BOD5 của nước nhỏ hơn 6mg/l, thuộc chất lượng nước loại A, nhân dân quanh khu vực thường ra hồ lấy nước về phục vụ ăn uống.

Hiện nay, nước hồ Tây đã bị ô nhiễm tới mức trở thành nước loại B1, B2, hàm lượng BOD5 của nước ở giữa hồ cao nhất đạt tới 23mg/l. Điểm gần bờ phía đường Thanh Niên cao nhất đạt tới 35mg/l (vượt cả mức lớn nhất của nước loại B2 - phục vụ cho tưới tiêu (25mg/l).

Khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm

Trước thực trạng môi trường nước hồ Tây bị ô nhiễm, cuối tháng 4/2021, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản số 3481/VP-ĐT chỉ đạo các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Tây Hồ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền khẩn trương thực hiện các biện pháp cải thiện chất lượng môi trường nước hồ Tây.

Hồ Tây đang ô nhiễm, chưa có cách xử lý hiệu quả - Ảnh 3
Các đơn vị chức năng của Hà Nội cần tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ Tây.

UBND thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Tây Hồ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai nội dung chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về cải thiện chất lượng môi trường nước hồ Tây; Báo cáo kết quả về UBND thành phố Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Tổng cục Môi trường) theo quy định.

Trước đó, để đảm bảo chất lượng môi trường nước hồ Tây phù hợp với yêu cầu phát triển về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1464/BTNMT-TCMT gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng của thành phố khẩn trương triển khai một số biện pháp cải thiện chất lượng môi trường nước hồ, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, duy trì sự cân bằng hệ sinh thái trong hồ.

Cũng theo kết quả phân tích của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất lượng môi trường nước tại hồ Tây đang có dấu hiệu bị ô nhiễm. Nhiều thông số môi trường trong nước hồ vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, sinh khối và mật độ tế bào thực vật cao (tập trung chủ yếu là các chi dạng tập đoàn vi khuẩn lam Microcystis, Alphanocapsa, Merismopedia và các tập đoàn tảo lục Scenedesmus, Crucigena…).

Thực tế, trong 25 năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp bảo vệ hồ Tây. Đơn cử như việc xây cống vòng quanh hồ để ngăn chặn và thu gom không cho các nguồn nước thải đổ thẳng vào hồ. Đây được cho là biện pháp kỹ thuật có hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước hồ.

Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, để cải thiện chất lượng nước tại hồ Tây, việc đầu tiên cần xác định rõ nguyên nhân, từ đó xây dựng những giải pháp cụ thể, kịp thời. Nguyên nhân ở đây có thể xuất phát từ chính hoạt động của con người nhưng cũng có thể là do thiên nhiên khiến nước hồ Tây thay đổi.

Do vậy, yêu cầu đối với các đơn vị chức năng của Hà Nội lúc này là cần tổ chức kiểm tra, rà soát các nguồn nước thải có nguy cơ xâm nhập vào hồ Tây. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo hệ sinh thái bên trong hồ cũng như vẻ đẹp cảnh quan của hồ.

Cùng với đó, thường xuyên duy trì việc vớt rác thải trên hồ kịp thời đảm bảo vệ sinh môi trường; xem xét, nạo vét trầm tích để nâng cao khả năng lưu trữ nước và làm sạch của hồ Tây.

Phạm Minh Châu/TTXVN

Bạn đang đọc bài viết Hồ Tây đang ô nhiễm, chưa có cách xử lý hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới