Chủ nhật, 24/11/2024 08:12 (GMT+7)
Thứ hai, 04/07/2022 17:01 (GMT+7)

Hòa Bình: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản

Theo dõi KTMT trên

Liên tiếp năm 2020, 2021, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra hàng loạt các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp phép khai thác mỏ vật liệu thông thường tại Hòa Bình.

LTS: Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với hàng trăm mỏ khai thác tài nguyên, khoáng sản đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy… đã góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian qua vấn đề này có những diễn biến phức tạp khi liên tiếp năm 2020, 2021, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận thanh tra và chỉ ra hàng loạt các vi phạm về công tác bảo vệ môi trường, khai thác khoáng sản, cấp phép khai thác mỏ vật liệu thông thường…

Cùng với ý kiến phản ánh của người dân tới cơ quan truyền thông, báo chí Tạp chí Kinh tế Môi trường sau khi ghi nhận thực tế tại địa phương, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và môi trường tổ chức chuyên đề: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản ở Hòa Bình nhằm có cái nhìn tổng quan về nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với công tác bảo vệ môi trường và các vấn đề pháp lý liên quan khác.

Bài 1: Ô nhiễm môi trường từ các mỏ khai thác mỏ đá

Theo phản ánh của người dân tại các xã Cao Dương, Liên Sơn, Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình nơi đang diễn ra các hoạt động của hàng loạt mỏ khai thác đá gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân địa phương.

Sống trong khói bụi, tiếng ồn

Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường vào đầu năm 2022, trên con đường vào xóm Đồng Om, xã Cao Dương cung đường liên thôn xóm Sòng, xã Liên Sơn, xóm Rụt, xã Tân Vinh huyện Lương Sơn, bụi phủ trắng xóa cây cối bên đường do hoạt động khai thác đá.

Hòa Bình: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản - Ảnh 1
Khói bụi bao phủ sau nổ mìn phá đá tại Liên Sơn.

Bà Bùi Thị D. (47 tuổi, người dân xóm Đồng Om, xã Cao Dương) cho biết: "Đã nhiều năm nay nhà tôi không bao giờ dám mở cửa, con cháu cũng chẳng dám về nhà. Chồng tôi thì bệnh tật đau ốm suốt không chỉ bụi mà tiếng ồn máy móc khai thác đá, tiếng mìn nổ cũng đủ bị bệnh rồi. Mỗi lần nổ mìn xong cả xóm không chỉ dung lắc như động đất mà còn bao phủ lớp bụi trắng xóa mù mịt không thở nổi".

Tại xóm Sòng, xã Liên Sơn cũng trong tình trạng tương tự, ông Nguyễn Văn Đ. cho biết: Nhiều hôm nổ quả lớn nhà rung lên, nứt mái tôn, bụi trùm kín cả nhà cửa, ruộng vườn của gia đình tôi và các hộ xung quanh. Ngày nổ mìn, tối thì nghiền đá, nhà cách nơi đất, đá ào ào đổ xuống chỉ chừng 50 m, ao cá, vườn cây sát mép núi đá, tôi không tài nào ngủ ngon, con cái cũng không tập trung học bài được. Người dân chúng tôi cần là sự bình yên, sức khỏe. Nhiều gia đình trong xóm đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống.

Hòa Bình: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản - Ảnh 2
Người dân xóm Đồng Om trao đổi với PV.

Trên địa bàn xóm Vé, xóm Rụt, xã Tân Vinh cũng có nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác quặng đá vôi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để phục vụ các hoạt động khai thác, tuyến đường liên xã bị những chiếc ô tô có dấu hiệu quá tải trọng từ trong khu vực mỏ gây ô nhiễm môi trường và làm hư hỏng hệ thống giao thông … 

Vi phạm pháp luật môi trường

Năm 2021, Thanh tra Chính phủ ra Thông báo Kết luận Thanh tra số 356/TB-TTCP về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản… Qua kiểm tra trực tiếp tại 17 dự án khai thác khoáng sản cho thấy có những chủ đầu tư dự án chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành nhưng vẫn khai thác; việc quan trắc, giám sát môi trường không khí, môi trường nước, môi trường đất chưa đầy đủ về tần suất, vị trí; chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường; khu vực lưu giữ chất thải nguy hại chưa đảm bảo…

Có 7 dự án vi phạm Điều 27 Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 18/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Cụ thể chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trong giai đoạn vận hành, cá biệt có 2/7 dự án chưa được cấp nhưng vẫn hoạt động khai thác: Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình; Dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại núi Trũng Đô (KV5), xã Cao Dương, huyện Lương Sơn của Công ty TNHH Khai thác và chế biến khoáng sản Hiền Lương.

Hòa Bình: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản - Ảnh 3
Việc khai thác đá làm ảnh hưởng đến người dân.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản kê khai nộp phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định: Áp giá tính phí chưa đúng, chưa nhân với hệ số khai thác lộ thiên (K), gây thất thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể Dự án khai thác và chế biến đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xóm Rụt, xã Tân Vinh, Lương Sơn của Công ty Cổ phần Vinh Quang Hòa Bình chưa lắp đặt trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, không quản lý được trọng tải xe trước khi ra khỏi mỏ. Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy vẫn còn một số phương tiện vận tải trong khu vực khai thác, chế biến khoáng sản của một số dự án đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn hoạt.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ để xảy ra những vi phạm nêu trên trước hết là trách nhiệm của các chủ đầu tư mở đá, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chuyên môn trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường.

Hòa Bình: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản - Ảnh 4
Các xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng ra vào các mỏ đá.

Ông Nguyễn Văn Khiêm, Chủ tịch UBND xã Cao Dương trao đổi với cơ quan báo chí: Từ khi tôi làm Chủ tịch xã đến giờ tiếp xúc cử tri lần nào dân cũng phản ánh. Mỗi lần kiểm tra huyện mang máy móc phương tiện về, xã chỉ phối hợp, xong rồi cũng không gửi kết quả, biên bản kiểm tra cho xã. Nổ mìn thì không thể tránh khỏi khói bụi, chúng tôi có kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo nên không có biên bản, chỉ có ý kiến của dân.

Trao đổi vấn đề này GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Trưởng Ban nghiên cứu khoa học, Trung ương Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: Luật pháp Việt Nam yêu cầu rất rõ việc phát triển kinh tế phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, các quy hoạch (QH), kế hoạch (KH) phát triển phải có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), báo cáo ĐMC phải được thẩm định, xem xét khả năng tác động của việc thực hiện QH, KH đến môi trường và nếu thấy có những tác động lớn thì phải điều chỉnh QH, KH hoặc thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động có hại đến mức chấp nhận được.

Đối với các dự án phát triển như nhà máy, khu công nghiệp, công trình xây dựng, khai thác khoáng sản,… thì phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), báo cáo này phải được thẩm định, xem xét để dự án phát triển không gây nhiều tác động xấu đến môi trường và chủ dự án phải cam kết tuân thủ các cam kết xử lý chất thải, giám sát, quan trắc môi trường và nếu xảy ra sự cố thì có trách nhiệm xử lý, khi cần phải đền bù thiệt hại do mình gây ra.

“Các dự án khai thác khoáng sản nói chung và khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn Hòa Bình nói riêng cũng phải tuân thủ lập ĐTM, thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động có hại, và nếu để xảy ra sự cố thì phải đền bù thiệt hại. Chủ dự án phải chịu sự giám sát về BVMT của các cơ quan chức năng của các cơ quan báo chí, của cộng đồng dân cư”, GS, TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.

Bài 2: Khai thác tài nguyên lợi nhuận doanh nghiệp hưởng, ô nhiễm, rủi ro người dân gánh

Long Giang - Doãn Kiên

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: Giải pháp nào cho thực trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới