Hòa Bình hướng đến phát triển nền kinh tế tri thức và ứng dụng sản xuất công nghệ cao
Nói đến phát triển kinh tế tri thức cũng chính là nói đến đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hòa Bình, được cụ thể hóa thông qua chỉ số Năng suất các nhân tố tổng hợp.
Hòa Bình nằm tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, sở hữu môi trường sạch, trong lành; cảnh quan thiên nhiên hữu tình; nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu, tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, đa dạng; đất đai có độ màu mỡ cao. Vì thế, tỉnh Hòa Bình có tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ và du lịch.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình, nói đến phát triển kinh tế tri thức cũng là nói đến đóng góp của khoa học-công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh, được cụ thể hóa thông qua chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Trong những năm qua, tỉ trọng TFP của tỉnh Hòa Bình tăng từ 23,08% năm 2016 lên 30,24% năm 2020; năng suất lao động tăng từ 5,25% năm 2016 lên đến 8,33% năm 2020. Có thể thấy rằng, TFP của tỉnh Hòa Bình ngày càng có vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng GRDP; tốc độ tăng GRDP do yếu tố TFP đóng góp có xu hướng ngày càng cao.
Điều này chứng tỏ các nhân tố đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; cải tiến, hợp lý hóa tổ chức quản lý sản xuất; nâng cao trình độ người lao động là những lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế tri thức, thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao với mục tiêu bền vững.
Hòa Bình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và những tiến bộ của khoa học công nghệ nhằm phát triển nền nông nghiệp theo yêu cầu xanh, sạch, bền vững đang là mục tiêu hướng đến trong lộ trình thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình đã quan tâm phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng CNTT được cụ thể hóa trong quản lý, điều hành, tra cứu thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm… cụ thể tại 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.
Điển hình với các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, VietGAP; công nghệ tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động chăm sóc cây trồng trong nhà màng, nhà lưới; sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật; quan tâm hỗ trợ xây dựng, cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với các cây trồng; ứng dụng CNTT trong truy xuất nguồn gốc nông sản…
Đến nay, toàn tỉnh đã chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP và chúng nhận hữu cơ cho 3.525 ha sản phẩm quả các loại; 561 ha sản phẩm rau; 1.945 lồng cá; 22 cơ sở chăn nuôi. Bên cạnh đó, có 3 công ty chuyên liên kết với các hộ chăn nuôi để nuôi lợn khép kín, cung cấp cho thị trường khoảng 19.500 tấn thịt/năm.
Tính riêng huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp an toàn. Từ đó, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn, hiện tổng diện tích trồng rau hữu cơ của toàn huyện là 22,31ha, trong đó có hơn 12ha rau được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng đạt khoảng 80 - 100 tấn/năm; giá bán theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ khoảng 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 13,4ha cây ăn quả của hợp tác xã.
Cùng với sản xuất hữu cơ, các hợp tác xã, tổ hợp tác tích cực sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, với 119,4ha cây ăn quả có múi, chuối, nhãn, ổi được chứng nhận VietGAP và một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, ong mật... Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP của huyện chủ yếu tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị lớn tại thành phố Hà Nội.
Dự kiến đến năm 2023, huyện triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô khoảng 22ha tại các xã: Cao Sơn, Nhuận Trạch, Cư Yên và Liên Sơn; đồng thời sản xuất rau an toàn, VietGAP quy mô 15,5ha.
Đại diện ngành nông nghiệp của huyện chia sẻ, hiện huyện đang khuyến khích người dân trong sản xuất nông nghiệp hữa cơ, nông nghiệp sạch, an toàn; thông tin về quy trình sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩn nông nghiệp trên địa bàn. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia thực hiện chỉ đạo, quản lý và trực tiếp sản xuất mô hình về quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ… Tổ chức hội nghị, hội thảo, thăm quan học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
"Cùng với lợi thế là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng, phát triển của một số loại cây trồng và vật nuôi đặc sản thế mạnh; nhiều vùng, khu vực sản xuất có đất đai màu mỡ, nguồn đất, nguồn nước không bị ô nhiễm, cách biệt với nguồn ô nhiễm từ bên ngoài, đảm bảo để sản xuất canh tác hữu cơ... là những thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Hòa Bình trong thời gian qua”, ông Nguyễn Huy Nhuận - GĐ Sở NN&PTNT Hòa Bình niềm nở chia sẻ.
Để có kế hoạch, giải pháp triển khai sản xuất hữu cơ trong thời gian tới, Hòa Bình cần tiếp tục thực hiện Quyết định số 2987/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhanh hiệu quả, bền vững.