Chủ nhật, 24/11/2024 07:25 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/12/2020 06:50 (GMT+7)

Hoạch định chiến lược, có bước đi phù hợp trong phòng, chống thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Tổng cục sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.

Hoạch định chiến lược, có bước đi phù hợp trong phòng, chống thiên tai - Ảnh 1
Nước lũ gây ngập sâu tại Thừa Thiên-Huế. (Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 26/12, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2020, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài, công tác phòng, chống thiên tai năm 2021 tập trung vào việc rà soát, đánh giá tình hình thiên tai, các tác động đến mọi mặt của đời sống, năng lực dự báo, cảnh báo, phòng ngừa, ứng phó.

Đồng thời, Tổng cục nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để hoạch định chiến lược, tổ chức bộ máy, nguồn lực và các bước đi phù hợp.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của cơ quan phòng, chống thiên tai; tập trung xây dựng trung tâm điều hành, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp với thực thi nhiệm vụ; bổ sung, tăng cường lực lượng chuyên nghiệp, nhiệt huyết, giỏi nghiệp vụ.

Các đơn vị, địa phương nâng cao năng lực chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai, góp phần quan trọng bảo vệ an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra; trước mắt tập trung vào các công trình xung yếu bị hư hại trong đợt thiên tai vừa qua bằng các nguồn dự phòng ngân sách, đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn ODA.

"Ứng dụng khoa học công nghệ trong theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo, phân tích, đánh giá tác động, xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ sạt lở, ngập lụt; hỗ trợ xây dựng các kịch bản, phương án chỉ đạo điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cũng như xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai... Cùng với đó, cần đẩy nhanh công tác di dân vùng có nguy mất an toàn cao đến nơi an toàn, tiếp tục chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vùng thiên tai có nơi ở an toàn, chống chịu tốt với các loại hình thiên tai," ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương cần tập trung nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong đó phát triển lực lượng xung kích cơ sở, đảm bảo hiệu quả, phát hiện và ứng phó kịp thời trước khi lực lượng đến chi viện.

Ngoài ra, điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh, kịp thời các hoạt động phòng, chống thiên tai; huy động các nguồn lực xã hội trong xây dựng, cung cấp dịch vụ, phục hồi tái thiết sau thiên tai; tăng cường giám sát an toàn thiên tai, đánh giá thực thi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại các địa phương thông qua bộ chỉ số...

Năm 2020, được xác định là năm tình hình thiên tai diễn ra khắc nghiệt, dị thường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, nhiệm vụ bảo vệ xã hội an toàn trước thiên tai trở lên bức thiết, nguồn nhân lực còn quá thiếu (chỉ đáp ứng được khoảng 40% yêu cầu), sức chống chịu của cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế... song Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản nhiệm vụ, kế hoạch công tác được giao với chất lượng tốt.

PV

Bạn đang đọc bài viết Hoạch định chiến lược, có bước đi phù hợp trong phòng, chống thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới