Hoàng Anh Gia Lai đứng trước nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu?
Mới đây, nhóm cổ đông của CTCP Hoàng Anh Gia Lai đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị vào cuộc xác minh làm rõ thông tin cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết, nhằm bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, sự minh bạch thị trường chứng khoán…
Thời gian gần đây, câu chuyện Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) đối diện với án hủy niêm yết trên HOSE đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Nhiều cổ đông đã phải viết đơn "kêu cứu"
Trước thông tin này, ngày 14/2, nhóm cổ đông của HAGL đã làm đơn gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Bộ Tài chính; Ủy ban chứng khoán Nhà nước; Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM..., đề nghị vào cuộc xác minh làm rõ thông tin này, để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường chứng khoán…
Trong "đơn kêu cứu", nhóm cổ đông của HAGL cho biết đang sở hữu khá nhiều cổ phiếu HAG và đã bị thiệt hại rất lớn vì cổ phiếu giảm sâu, sau khi trên thị trường lan truyền thông tin cổ phiếu HAG sẽ bị hủy niêm yết do bị lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019.
Trong khi đó, theo "đơn kêu cứu", "thông tin HAGL thua lỗ 3 năm liên tiếp (2017, 2018 và 2019) đã được công bố từ tháng 3/2021. Và trong hơn 10 tháng qua, cơ quan chức năng không có bất cứ động thái nào để cảnh báo cho nhà đầu tư về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu này. Do đó, nếu cơ quan chức năng ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu HAG tại thời điểm này là không tuân theo trình tự pháp luật về công bố thông tin theo quy trình hủy niêm yết".
Nêu quan điểm về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, sự việc của Hoàng Anh Gia Lai có thể xem là chưa có tiền lệ trong khi các quy định của pháp luật còn thiếu những quy định chi tiết và rõ ràng nên rất khó để cơ quan quản lý ra quyết định.
Cụ thể, Điều 120 Nghị định 155 quy định Hủy bỏ niêm yết trong trường hợp “Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.
Trong khi đó, quy chế niêm yết của HoSE có quy định đối với tổ chức niêm yết có công ty con, điều kiện “lỗ lũy kế” căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất, điều kiện “kết quả sản xuất kinh doanh” căn cứ vào lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất. Và trên thực tế, mặc dù áp dụng hồi tố nhưng năm 2019, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo hợp nhất của Hoàng Anh Gia Lai tuy giảm đi nhưng vẫn là con số dương. Xét trên tiêu chí lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ thì Hoàng Anh Gia Lai không lỗ 3 năm liên tục 2017, 2018, 2019.
Đứng trước khoản nợ lớn
Theo báo cáo tài chính các năm của doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã liên tiếp từ năm 2017 đến 2020. Dù năm 2021, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã có lãi 126,5 tỷ đồng, nhưng số lỗ lũy kế vẫn ở mức rất cao 4.432 tỷ đồng.
Tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2021 đạt 18.173 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ vay nợ của doanh nghiệp ở mức cao.
Tại thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp có 6.450 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 7.045 tỷ đồng nợ vay dài hạn; nợ phải trả/tổng tài sản là 74,24%. Việc tỷ lệ đòn bẩy cao trong nhiều năm doanh nghiệp chịu gánh nặng nợ lãi lớn.
Các khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và doanh nghiệp đang phải dự phòng nợ phải thu khó đòi lên tới gần 1.900 tỷ đồng.
Tại 31/12/2021, các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 5.111 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn lên tới 4.118 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cuối năm 2020.
Lượng tiền mặt chỉ chiếm 0,42% so với tổng tài sản. Cuối năm 2021, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai chỉ có 78 tỷ đồng tiền mặt.
Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai âm 5 năm liên tiếp, cộng với việc duy trì lượng tiền mặt thấp khiến doanh nghiệp gặp khó trong chi trả lãi vay.
Mới đây, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ bán thêm 25,4 triệu cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG) để trả nợ vay, giảm tỷ lệ nắm giữ tại HNG xuống còn 9,4%. Giao dịch này nhằm trả nợ ngân hàng và dự kiến diễn ra từ ngày 15/2 – 16/3, theo phương thức bán thỏa thuận hợp khớp lệnh trực tiếp trên sàn.
Trên thị trường chứng khoán, cuối phiên sáng 17/2, HAG có giá 11.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 17% so với chốt phiên giao dịch ngày 31/12/2021.
Không thể hủy niêm yết
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định: "Căn cứ vào luật thì không thể xảy ra trường hợp cổ phiếu HAGL bị hủy niêm yết trên HoSE. Do đó, tôi không hiểu tại sao gần đây lại xuất hiện giả định trường hợp bị hủy niêm yết sẽ xảy ra."
HAGL bị lỗ sau thuế 3 năm liên tiếp là 2017, 2018 và 2019 (sau khi xác định có sự khác biệt giữa báo cáo tài chính của doanh nghiệp và kiểm toán). Do đó, phải căn cứ theo luật được áp dụng vào thời điểm xảy ra lỗ lũy kế.
Dù nghị định 58/2012 quy định về việc hủy bỏ niêm yết trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ trong 3 năm liên tục, nhưng chỉ xét theo nội dung của báo cáo tài chính kiểm toán hằng năm được công bố, chứ không bao gồm việc doanh nghiệp phát hiện lỗ và điều chỉnh lại kết quả kinh doanh sau đó.
Ngoài ra, tại thời điểm lập báo cáo tài chính của HAGL cho các năm 2017, 2018 và 2019 trước đây có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Nhưng nội dung này chỉ mới được quy định tại nghị định 155/2020 và chỉ bị xử lý hủy bỏ niêm yết từ ngày 1-1-2022 (khoản 12 điều 310 nghị định 155/2020), tức nghị định 155/2020 không thể áp dụng trong trường hợp trên của HAGL.
"Theo luật thì không thể hủy niêm yết được", luật sư Truyền nhấn mạnh và cho rằng nhà đầu tư không nên đặt giả định sẽ bị hủy niêm yết, trừ khi có văn bản chính thức từ cơ quan chức năng.
Hà Lan (T/h)