Chủ nhật, 24/11/2024 14:02 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/12/2019 17:32 (GMT+7)

Hội nghị Chính phủ với địa phương: Sự kiện lớn mở đầu năm 2020

Theo dõi KTMT trên

Ngày mai, 30/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sẽ khai mạc với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, thảo luận nhiều vấn đề lớn.

Hội nghị Chính phủ với địa phương: Sự kiện lớn mở đầu năm 2020 - Ảnh 1

Quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Quốc hội giao năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày, Hội nghị sẽ tổng kết tình hình kinh tế- xã hội năm 2019 và triển khai kế hoạch năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2019 đạt nhiều kết quả rất đáng mừng, là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và rất nhiều chỉ tiêu đạt mức kỷ lục.

Hội nghị nghe và thảo luận 12 nội dung như Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2019; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2019; Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 (Nghị quyết 01); Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 (Nghị quyết 02)…

Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện các báo cáo, đặc biệt là 2 dự thảo Nghị quyết 01 và 02 để Chính phủ ban hành và tập trung thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2020 với quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ Đảng, Quốc hội giao năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Đề xuất những giải pháp thực sự đổi mới, tạo đột phá

Dự thảo Nghị quyết 01 đã được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng. Đến nay, dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về kết cấu, đề cương và những nội dung chủ yếu; ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2020.

Dự thảo Nghị quyết tiếp tục đổi mới, cô đọng, ngắn gọn hơn, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có trọng tâm, thể hiện vai trò kiến tạo của Chính phủ; chú trọng hiệu lực, hiệu quả thực thi gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, không trùng lặp với các Nghị quyết khác của Chính phủ; trong đó ưu tiên những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển.

Nghị quyết không đưa các nhiệm vụ, giải pháp, trùng với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể của các bộ, ngành, địa phương; chỉ đưa các nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, cần sự theo dõi, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trao quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn đưa vào chương trình hành động của bộ, ngành, địa phương mình để thực hiện.

Nghị quyết lồng ghép việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết điều hành năm 2020 thông qua 04 phụ lục: (i) Phụ lục 1 về 12 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua; (ii) Phụ lục 2 về kịch bản tăng trưởng năm 2020 để phấn đấu và theo dõi, cập nhật định kỳ, chủ động có giải pháp ứng phó với các tình huống phát sinh; (iii) Phụ lục 3 về dự kiến một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của các ngành, lĩnh vực để phấn đấu; (iv) Phụ lục 4 về một số nhiệm vụ chi tiết phân giao cho các cơ quan để tập trung thực hiện và theo dõi, đánh giá.

Việc bổ sung thêm Phụ lục 3 và đổi mới Phụ lục 4 giúp lượng hóa một số mục tiêu quan trọng của các Bộ, ngành thành mục tiêu phấn đấu cần phải đạt được trong năm 2020, xác định các nhiệm vụ quan trọng cần phải triển khai thực hiện để đảm bảo các mục tiêu, giảm bớt chồng chéo nhiệm vụ của các Bộ, ngành với các nhiệm vụ trong chương trình công tác của Chính phủ.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung các giải pháp tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại Quốc hội; quan tâm đến các vấn đề Trung ương và các đại biểu Quốc hội thảo luận, các vấn đề bức xúc của xã hội, những điểm nghẽn nổi lên cần xử lý.

Dự thảo xác định tầm quan trọng, mức độ ưu tiên của các mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt tại các Nghị quyết nêu trên để bố trí nguồn lực, xác định lộ trình tổ chức thực hiện. Đề xuất những giải pháp thực sự đổi mới, tạo đột phá trong các ngành, lĩnh vực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu các cấp, các ngành nỗ lực phấn đấu cao; nhưng vẫn bảo đảm tính khả thi, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cụ thể hóa các mục tiêu thành hệ thống chỉ tiêu cụ thể của Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương để đôn đốc, kiểm tra; bảo đảm khả thi.

Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo Nghị quyết 01, Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác do Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các các Bộ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung, tạo thuận lợi hơn cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện phân cấp mạnh mẽ và giải phóng được các nguồn lực cho nền kinh tế. Lưu ý các giải pháp, chế tài đủ mạnh để tăng cường, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Tiếp tục ban hành Nghị quyết về môi trường kinh doanh

Năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến nay, dự thảo Nghị quyết về cơ bản đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành trên cơ sở tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng và soạn thảo dựa trên những quan điểm và nguyên tắc sau đây: (1) Tiếp tục thực hiện nhất quán, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019; (2) Xác định rõ các mục tiêu cải cách cho năm 2020 trên cơ sở tính toán giữa kết quả đạt được năm 2019 và mục tiêu đến năm 2021 đã đề ra tại Nghị quyết 02 năm 2019; đảm bảo cân đối, hài hòa và có sự điều chỉnh hợp lý; (3) Bổ sung một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019, trong đó tập trung vào các chỉ số môi trường kinh doanh chậm cải thiện hoặc đang xếp hạng thấp...

Dự thảo Nghị quyết năm 2020 tiếp tục đề ra mục tiêu phấn đấu cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng các chỉ số: Môi trường kinh doanh, Năng lực cạnh tranh, Đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử.

Để giảm giấy tờ in sao văn bản giấy, Hội nghị Chính phủ với địa phương sử dụng hệ thống E-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ) để cung cấp, cập nhật báo cáo, tài liệu cho các Thành viên Chính phủ.

Đây cũng là phiên họp thứ 9 của Chính phủ sử dụng hệ thống công nghệ thông tin này. Các báo cáo, tài liệu cho các địa phương cũng được Văn phòng Chính phủ gửi qua hệ thống điện tử.

Về giải pháp, cơ bản các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại dự thảo là tiếp tục của Nghị quyết 02 năm 2019, gồm: (1) Tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. (2) Cải cách thực chất các các quy định về điều kiện kinh doanh. (3) Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. (4) Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. (5) Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Điểm khác biệt là dự thảo năm nay đề ra các nhiệm vụ cụ thể tập trung vào cải thiện 06 chỉ số: Khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng, Tiếp cận tín dụng, Đăng ký tài sản, Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản doanh nghiệp (năm 2019 giao các bộ chủ trì, chịu trách nhiệm chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch cải thiện các chỉ số). Trong đó, các nhiệm vụ cụ thể gắn với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan chứ không chỉ là nhiệm vụ của bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các chỉ số (ví dụ như một số nhiệm vụ cải thiện chỉ số Khởi sự kinh doanh giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính; một số nhiệm vụ cải thiện chỉ số Tiếp cận tín dụng giao cho Bộ Tư pháp…).

Ngoài ra, dự thảo giao Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; quy định trách nhiệm và thời hạn báo cáo đối với từng nội dung cụ thể (như về thanh toán không dùng tiền mặt, về cắt giảm điều kiện kinh doanh….).

Năm 2020 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016 - 2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, 75 năm ngày thành lập nước, 45 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và là năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kết quả đã đạt được năm 2019 sẽ tạo đà và động lực mới, khí thế mới để tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tiếp tục là một trong những sự kiện quan trọng của Chính phủ vào cuối năm 2019 và cũng là mở đầu cho năm 2020, thể hiện công tác điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ, quyết liệt, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai ngay từ những ngày đầu, tháng đầu tiên của năm mới 2020.

Bạn đang đọc bài viết Hội nghị Chính phủ với địa phương: Sự kiện lớn mở đầu năm 2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới