Chủ nhật, 24/11/2024 04:01 (GMT+7)
Thứ năm, 23/11/2023 17:21 (GMT+7)

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam"

Theo dõi KTMT trên

Nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu khách mời về vấn đề thực hiện cam kết về môi trường trong EVFTA đã được đưa ra tại Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam".

Sáng 23/11, tại Hà Nội, Viện Chính sách Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường (Thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam - VIASEE) tổ chức Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam".

Tham dự Hội thảo, về phía Ban Tổ chức có PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; Nhà báo Nguyễn Tường Quân - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Tổng Thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Luật sư Hà Huy Phong - Trưởng Ban pháp chế Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện chính sách Kinh tế Môi trường Việt Nam...

Về phía khách mời có ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường; bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI; Ths. Nguyễn Thị Hằng; cùng nhiều đại biểu, khách mời, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường cho biết, được Liên Hiệp hội chỉ đạo, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam giao Viện Chính sách Kinh tế Môi trường và Tạp chí Kinh tế Môi trường phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam".

"Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định quốc tế, điểm đặc trưng của những hiệp định này đó chính là trách nhiệm của các nước tham gia với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện cam kết về môi trường trong các hiệp định quốc tế vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, đồng thời cũng chính là quyền lợi của Việt Nam.

Nếu Việt Nam không thực hiện tốt những cam kết về môi trường trong các hiệp định quốc tế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vị thế, quyền lợi của chúng ta trên trường quốc tế. Câu hỏi đặt ra là, để thực hiện hiệu quả cam kết về môi trường trong các hiệp định quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng, chúng ta cần phải làm gì? Đó cũng là chủ đề bàn luận của buổi hội thảo ngày hôm nay.

Chúng ta sẽ cùng lắng nghe tham luận, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu khách mời, từ đó nhìn nhận một cách nghiêm túc vấn đề thực thi cam kết môi trường trong EVFTA.

Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổng hợp nội dung được bàn luận tại Hội thảo để làm cơ sở cho những đề tài nghiên cứu khoa học, đồng thời gửi đến cơ quan có thẩm quyền để Việt Nam có thể làm tốt hơn trong việc thực thi cam kết về môi trường trong các hiệp định quốc tế nói riêng và EVFTA nói chung", PGS.TS Trương Mạnh Tiến chia sẻ.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 2
PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường phát biểu khai mạc Hội thảo.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu khái quát về quá trình đàm phán Hiệp định và Chương trình phát triển bền vững, từ năm 2012 và kết thúc vào 2015. Chương trình phát triển bền vững được 27 nước EU phê chuẩn. Nhiều nội dung trong Chương trình đã được Việt Nam nội luật hóa nhằm thực thi một cách nhiệu quả.

Theo ông Huy, những nghĩa vụ liên quan đến môi trường trong EVFTA nhằm tăng cường tính tương hỗ giữa các chính sách về thương mại và các chính sách về môi trường, và để đảm bảo rằng các hoạt động về thương mại và đầu tư sẽ không có tác động/ảnh hưởng tiêu cực tới vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích.

Về mặt quản lý nhà nước giúp Việt Nam có thể thúc đẩy thương mại quốc tế đối với những thị trường lớn, tiềm năng như EU, mở rộng thị trường, tăng thị phần; Tạo sức ép tích cực cho việc cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về môi trường (Luật BVMT 2020, tiêu chuẩn và quy chuẩn), phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, hài hòa với chính sách toàn cầu và khu vực (trong đó bao gồm EU); Tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến về môi trường, tiếp cận và chuyển giao công nghệ mới cho sản xuất hàng hóa; Đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường và hội nhập với quốc tế về kinh tế.

Đối với doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế (mở rộng thị trường, tăng thị phần), hưởng lợi từ việc thích nghi, đáp ứng các chính sách/quy định về môi trường của EU; Tăng giá trị về thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng quốc tế; Đổi mới về công nghệ tiên tiến (ít phát thải, thân thiện môi trường) đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, quy trình, phương thức quản lý mới; Thúc đẩy sản xuất và kinh doanh các sản phần bền vững và thân thiện với môi trường, đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của đất nước; Tránh được những rủi ro trong hoạt động kinh doanh thương mại với thị trường EU.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 3
Ông Hoàng Xuân Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ tại Hội thảo.

Về khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp, Việt Nam - EU đã thỏa thuận hướng đến một mục tiêu chung là thúc đẩy thương mại nhưng đảm bảo phát triển bền vững, vì vậy các nghĩa vụ và điều kiện về môi trường phải bắt đầu từ cả hai phía. EU là thị trường lớn và tiềm năng, nếu không đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khắt khe về môi trường thì hàng hóa không thể xâm nhập được thị trường này. Muốn hàng hóa vào được thị trường EU thì cần phải: Hiểu các quy định về môi trường và tuân thủ các quy tắc, cần đầu tư nguồn lực cho quản lý và công nghệ,…

Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần phải làm gì? doanh nghiệp làm như thế nào, bằng cách nào? Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, doanh nghiệp cần tuân thủ, thực thi một cách nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam.

Đầu tư nguồn lực đổi mới quy trình sản xuất và công nghệ, thay đổi phương thức quản lý mới (ISO), đào tạo nguồn nhân lực về quả lý môi trường. Hiểu và có đầy đủ thông tin về các chính sách và quy định môi trường/phát triển bền vững trong EU. Thực thi các nghĩa vụ đã cam kết về môi trường EVFTA, thực thi pháp luật trong nước về bảo vệ môi trường.

Muốn hàng hóa xâm nhập được vào thị trường EU cần có đầy đủ thông tin và tuân thủ các chính sách, yêu cầu và điều kiện liên quan đến thương mại hàng hóa và môi trường của EU để được hưởng lợi và tránh rủi ro, thiệt hại. Chú trọng và đầu tư thỏa đáng về đổi mới quy trình sản xuất và công nghệ tiên tiến. Cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tham vấn (Hội đồng chuyên gia) sẽ rất phức tạp, kéo dài, hao tốn chi phí và chứa đựng rủi ro (Thẻ vàng cho ngành Thủy sản là một ví dụ). Cơ chế giám sát, tham vấn thông qua xã hội dân sự cũng là một thách thức lớn trong điều kiện công tác quản lý nhà nước về môi trường vẫn còn nhiều bất cập.

"EU, Mỹ đang đẩy mạnh việc đưa các quy định khắt khe hơn liên quan đến lao động, nhân quyền, môi trường, biến đổi khí hậu… vào luật quốc gia, tác động trực tiếp đến các tập đoàn lớn toàn cầu tham gia chuỗi cung ứng cũng như tới các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này. Xu hướng này cũng làm giảm hiệu quả của các FTA nước ta đã ký kết, trong đó có EVFTA" ông Huy dự báo.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 4
Bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI trình bày tham luận tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI đã trình bày tham luận về cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) của EU. Trong đó, nêu rõ về CBAM trong khung khổ thỏa thuận Xanh EU nhằm xây dựng EU đến năm 2050 thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính (net zero) và nền kinh tế sử dụng ít các nguồn lực tự nhiên. CBAM được xây dựng dựa trên 9 thành tố, bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế.

CBAM được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn chuyển tiếp (10/2020 - 12/2025), giai đoạn vận hành chính thức (1/2026 - 12/2033), giai đoạn vận hành đầy đủ (1/2024 trở đi).

Theo Giám đốc Trung tâm WTO – VCCI, trong tương lai, phạm vi áp dụng của CBAM có khả năng mở rộng ra các sản phẩm khác nhập khẩu vào EU. Trong đó, EU sẽ xem xét đối với 30 - 60 sản phẩm có nguy cơ phát thải cao. Ngoài ra, EU cũng sẽ đánh giá dựa trên kết quả thực thi CBAM hiện tại để đưa ra phương án phù hợp.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 5
Ths. Nguyễn Thị Hằng - Đại học Hà Nội nêu ý kiến tại Hội thảo.

Đưa ra quan điểm về thị trường tín chỉ carbon, Ths. Nguyễn Thị Hằng - Đại học Hà Nội cho rằng, cần đánh giá, hoàn thiện một số quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon nhằm thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong EVFTA. Bởi lẽ, các quy định về thị trường tín chỉ carbon hiện nay về cơ bản còn chưa thực sự rõ ràng.

Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng, Việt Nam đang rất tích cực chuẩn bị để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu, đặc biệt là sau khi chúng ta tham gia EVFTA, quá trình nội luật hóa rất rõ ràng. Trước đó, năm 2014 Việt Nam mới có 2 quy định, thì đến 2020 có hẳn 1 chương quy định về vấn đề xây dựng thị trường tín chỉ carbon.

Không những thế, Chính phủ còn ban hành thêm Nghị định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với vấn đề này. Theo đó, các bộ ngành liên quan đã có những động thái tích cực nhằm xây dựng khung phổ pháp lý, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ TN&MT đã công khai trên cổng thông tin những vấn đề xoay quanh thị trường tín chỉ carbon. Bộ Tài chính ra kế hoạch đến năm 2025 thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, đến năm 2028 sẽ có sàn giao dịch chính thức (giao dịch tín chỉ carbon nội địa và cả quốc tế).

"Theo tôi, cơ quan quản lý nhà nước cho doanh nghiệp thấy được vai trò, trách nhiệm và lợi ích kinh tế khi tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, qua đó tạo động lực tự thân cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, cần tìm hiểu, lắng nghe về những khó khăn của các doanh nghiệp.

Điều bất cập hiện nay là, các doanh nghiệp nội địa còn đang hạn chế trong hoạt động kiểm kê, hạn ngạch phát thải. Ngoài ra, khi cơ quan quản lý tạo ra "sân chơi" thì cũng cần có "luật chơi". Hiện tại, chưa có khung phổ pháp lý liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm trong thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam", bà Hằng nêu.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 6
GS.TS Hoàng Xuân Cơ bày tỏ sự lo lắng về mục tiêu đạt Netzero vào năm 2050.

Về phần mình, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng, trong xu thế hội nhập, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi. Chúng ta đã tham gia nhiều Hiệp định, cam kết, công ước... mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích, song lợi ích đó ở mức độ nào thì cần phải làm rõ.

"Trong phần trình bày của Giám đốc Trung tâm WTO - VCCI về CBAM có nêu rõ, EU đưa ra những lộ trình rất rõ ràng, thậm chí tìm cách hỗ trợ các nước thực hiện CBAM. Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể có những điều chỉnh để phù hợp với thị trường này. Song cái mà Việt Nam đang thiếu chính là hệ thống kiểm soát.

Hệ thống kiểm soát của chúng ta rất kém, nên để chứng minh cho các sản phẩm của Việt Nam không vi phạm các cam kết về môi trường trong các Hiệp định quốc tế sẽ rất khó. Do vậy, đối với mỗi hiệp định, mỗi công ước, cần phải xây dựng hệ thống kiểm soát riêng. Trong đó, quy định rõ kiểm soát cái gì, kiểm soát ai, ai là người kiểm soát, tất cả phải thật rõ ràng.

Cá nhân tôi rất lo lắng về mục tiêu đạt Netzero vào năm 2050. Rõ ràng chúng ta đang rất cố gắng để hoàn thành mục tiêu đó, nhưng lấy gì để chứng minh những điều mà chúng ta đã làm được? Do đó, cần thiết phải có hệ thống tính toán liên quan đến phát thải khí nhà kính, cần có một hội đồng gồm các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế để tính toán, nghiên cứu, đánh giá, đồng thời đưa những thông tin có được vào dạng cơ sở dữ liệu cập nhật theo từng năm.

Những số liệu thu thập được chính là minh chứng rõ ràng để chúng ta có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon và có được sự công nhận từ quốc tế", GS.TS Hoàng Xuân Cơ nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 7
Luật sư Hà Huy Phong trăn trở về việc các doanh nghiệp Việt còn thờ ơ với cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại quốc tế.

"Cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại quốc tế ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích của các doanh nghiệp Việt, tuy nhiên hiện nay rất ít doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề này", đó là nỗi trăn trở của Luật sư Hà Huy Phong chia sẻ tại Hội thảo.

Theo Luật sư Phong, EVFTA giống như một chiếc lá trên thân cây lớn, EVFTA chỉ là công cụ để EU phát triển kinh tế xanh, là một mảnh ghép trong một bức tranh tổng thể. Họ (EU-PV) có một chiến lược cụ thể, triển khai chi tiết trong quá trình thực hiện. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một chiến lược cụ thể, tất cả chỉ là những mảnh ghép rời rạc.

"Khi chúng tôi tiến hành khảo sát ở một số doanh nghiệp thì phát hiện ra rằng, có quá ít doanh nghiệp có thể truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, lập hồ sơ sản phẩm. Chính vì vậy, trong tương lai, doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu sang EU sẽ rất khó khăn. Trong EVFTA có đề cập đến khái niệm "tiêu chuẩn cao" về bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn cao như thế nào thì bản thân tôi cũng không biết. Nếu theo tiêu chuẩn châu Âu thì Việt Nam thực sự rất vất vả mới có thể đạt được.

Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để thích ứng với thị trường quốc tế trong tương lai, cần ý thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của cam kết môi trường trong EVFTA. Doanh nghiệp có thể thay đổi công nghệ, chủ động áp dụng quy chuẩn cao hơn quy chuẩn được quy định bởi pháp luật hiện hành, song lại vấp phải rào cản lớn chính là nguồn lực tài chính.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có giải pháp cụ thể hơn, thực chất hơn, chúng ta làm nhiều rồi nhưng thực chất thì chưa cao. Cần tập trung nhóm doanh nghiệp để phổ biến, phân tích cho họ hiểu về thế mạnh khi thực hiện các cam kết môi trường. Ngành dịch vụ về môi trường có thể sẽ phát triển trong tương lai, nhưng nếu chúng ta không biết, không chủ động thì không những không thể khai thác lợi ích mà còn chịu nhiều thiệt thòi", Luật sư Hà Huy Phong cảnh báo.

Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" - Ảnh 8
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một trong những FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 27 nước thành viên EU, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư, một số biên bản ghi nhớ kèm theo, trong có đó các vấn đề liên quan đến cam kết về môi trường và phát triển bền vững.

Các cam kết về môi trường trong EVFTA này dự báo sẽ có những tác động sâu sắc và toàn diện đến các hoạt động thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thực tiễn hiện nay, đã có nhiều quy định của EU tác động trực tiếp đến lợi ích thương mại của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, như Quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Vấn đề đặt ra là, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với tình hình mới?

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo khoa học: "Đánh giá việc thực thi cam kết về môi trường trong Hiệp định EVFTA tại Việt Nam". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới