Hội thảo "phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu"
Mới đây, tại Hà Nội diễn ra hội thảo quốc gia "Hợp tác xã và hộ lâm nghiệp nhỏ tham gia phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nghèo bền vững vùng nông thôn Việt Nam: Chính sách - giải pháp - kinh nghiệp quốc tế và thực tiễn Việt Nam
Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của các hợp tác xã (HTX), chủ hộ rừng quy mô nhỏ trong phát triển rừng và bảo vệ rừng trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, hợp tác xã và tổ hợp tác lâm nghiệp trên cả nước đang góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Theo thống kê đến cuối năm 2021, cả nước có 9.452 HTX phi lâm nghiệp, trong đó có 2.293 HTX thương mại dịch vụ có hoạt động liên quan đến lâm nghiệp như trồng rừng, quản lý rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ lâm sản. Hiện, cả nước có 320 tổ hợp tác (THT) lâm nghiệp và khoảng 15.000 THT có liên quan đến lâm nghiệp (khai thác, chế biến, tiêu thụ…).
Bình quân 1 hộ gia đình có khoảng 1 ha rừng trồng và các hợp tác xã lâm nghiệp, dịch vụ lâm nghiệp quản lý 2,6 triệu ha rừng/4,6 triệu ha rừng trồng cả nước và các tổ hợp tác được giao quản lý, khai thác với bình quân 15ha/đơn vị. Cả khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đang quản lý, khai thác trên 3,5 triệu ha rừng tự nhiên.
Riêng các HTX lâm nghiệp, trồng trọt và kinh doanh có liên quan đến lâm nghiệp hiện đang có bình quân 176 thành viên/HTX, trong đó 90% là hộ gia đình có liên quan đến rừng, tương ứng với 2,6 triệu hộ gia đình có liên quan đến rừng và hoạt động lâm nghiệp.
Tính chung, HTX đang tham gia quản lý, khai thác trên 3,5 triệu ha rừng tự nhiên/tổng số 10,2 triệu ha rừng tự nhiên của cả nước và được trải khắp các vùng, miền đất nước.
Theo bà Phạm Tố Oanh, Trưởng Ban Chính sách và Phát triển hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050, trước bối cảnh trong nước và thế giới có những thách thức lớn như: sự biến đổi khí hậu, thời tiết và dịch bệnh có diễn biến phức tạp đòi hỏi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung, phát triển hợp tác xã lâm nghiệp nói riêng phải đảm bảo tính bền vững.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái… Qua đó, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp để đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Để các hợp tác xã lâm nghiệp phát triển kinh tế, cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu, bà Phạm Tố Oanh cho rằng, cần rà soát, phân loại, lựa chọn các hợp tác xã khó khăn, hoạt động chưa hiệu quả để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ củng cố, tăng cường các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển lâm nghiệp hiệu quả hơn.
Đồng thời, tư vấn cho các hợp tác xã liên kết, hợp tác với các hợp tác xã khác, doanh nghiệp khác để phát triển kinh doanh lâm nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực bền vững, kết nối các ngành nghề; tư vấn giúp họ hoàn thiện bộ máy quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng chọn giống cây trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý, khai thác, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp
Hiện, đã có những HTX đẩy mạnh đầu tư tư, áp dụng quy trình kỹ thuật công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp. Tiêu biểu như HTX lâm nghiệp Công nghệ cao Phú Yên đang sản xuất rừng bền vững FSC theo chuỗi giá trị. Việc ra đời của HTX phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy thế mạnh của địa phương và kinh nghiệm của người dân.
Đặc biệt, nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, HTX Công nghệ cao Phú Yên đã có thêm vốn đề đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng rừng trồng từ đó tạo cơ hội ký được các hợp đồng với các đối tác nước ngoài. Mô hình HTX Công nghệ cao Phú Yên đang tạo niềm tin và thu hút được nhiều người dân tham gia mô hình trồng rừng bền vững và cấp chứng chỉ FSC.
Trước vai trò của mô hình kinh tế thị trường, HTX trong phát triển lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng bộ tự quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng từ khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp và tăng trưởng kinh tế, dự án "Hướng tới phục hồi lâm nghiệp nhỏ tại Việt Nam" gọi tắt là Dự án VIE8701 đặt mục tiêu đến 2030 sẽ phấn đấu phát triển khoảng 1.000 tổ hợp tác lâm nghiệp, 150-200 HTX lâm nghiệp và 5 liên hiệp HTX lâm nghiệp. Bên cạnh đó là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 7.500 HTX kinh doanh nông nghiệp có hoạt động lâm nghiệp.
Rừng Việt Nam đang suy thoái nặng nề
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn năm 2020 - 2022, diện tích rừng tự nhiên ở Tây Nguyên và nhiều nơi vẫn tiếp tục giảm do nạn phá rừng, hoặc chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang rừng sản xuất, làm nương rẫy, các dự án làm đường giao thông, thủy điện, du lịch... Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 4.688 vụ xâm phạm hoặc gây ảnh hưởng tới rừng (chủ yếu là rừng tự nhiên) với tổng diện tích bị phá là 610ha (giảm 50% so với cùng kỳ năm trước).
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Chỉ riêng ở Cà Mau 10 năm qua đã mất gần 5.000ha rừng phòng hộ ven biển. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Cà Mau, giai đoạn 2011-2020, tỉnh này mất khoảng 4.950ha rừng ven biển.
Hiện nay cả nước có gần 15 triệu hecta rừng, trong đó có 10,2 triệu hecta rừng tự nhiên, khoảng 200.000ha rừng ngập mặn, đứng tốp đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn trong nước đang có nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng do thu hẹp về diện tích vì tình trạng khai thác, chặt phá rừng vẫn còn diễn ra. Ngoài ra, những cơn gió, bão, sóng biển cũng là nguyên nhân làm thu hẹp diện tích rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rừng ngập mặn.
Mạnh Quân