Chủ nhật, 24/11/2024 06:03 (GMT+7)
Thứ sáu, 25/02/2022 16:58 (GMT+7)

Hội thảo Phát triển Mạng lưới VIWACON lần 2: Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VIWACON

Theo dõi KTMT trên

Ngày 24 -25/2, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tổ chức Hội thảo Phát triển Mạng lưới Bảo Tồn Nguồn Nước Việt Nam (VIWACON) lần thứ 2.

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại các hoạt động và những nỗ lực của thành viên VIWACON trong công tác bảo tồn nguồn nước trong hơn 1 năm qua, xác định các cơ hội và thách thức, các vấn đề trọng tâm của mạng lưới VIWACON trong năm 2.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của các nhà quản lý nhà nước trực thuộc Bộ tài Nguyên và Môi trường, các chuyên gia đầu ngành của ngành nước, các tổ chức quốc tế, đại diện cho các doanh nghiệp và tập đoàn, và đặc biệt với sự tham gia của PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với vai trò cố vấn.

Hội thảo Phát triển Mạng lưới VIWACON lần 2: Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VIWACON - Ảnh 1
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Được biết, nguồn nước mặt dồi dào của Việt Nam bao gồm khoảng 3450 sông, suối dài trên 10 km và hàng nghìn hồ, ao, đất ngập nước, hiện đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm trầm trọng. Các nguồn gây ô nhiễm bao gồm các nguồn ô nhiễm điểm như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa được xử lý, và các nguồn ô nhiễm diện từ rác thải, các dư chất có nguồn nitơ và phốtpho. Rác thải sinh hoạt không được thu gom và xử lý đúng cách là một trong những nguồn gây ô nhiễm nước lớn nhất. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức, và các bên liên quan khác.

Tại buổi hội thảo bà Nguyễn Ngọc Lý – Sáng lập viên VIWACON/Chủ tịch Hội đồng quản lý CECR chia sẻ: “Trong hơn một năm qua, mạng lưới của chúng ta đã cùng với các đối tác địa phương đưa các cách tiếp cận phi kỹ thuật kết hợp với các biện pháp kỹ thuật nhằm cùng với địa phương tìm cách kiểm soát ô nhiễm rác ở cảng cá, ở các ao hồ, sông ngòi, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tái chế sử dụng nước, truyền thông các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu ở các vùng thiên tai.

Hội thảo Phát triển Mạng lưới VIWACON lần 2: Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VIWACON - Ảnh 2
Bà Nguyễn Ngọc Lý – Sáng lập viên VIWACON/Chủ tịch Hội đồng quản lý CECR.

Khi thấy cách mạng số hóa đã trở thành phương thức đổi mới cho các ngành kinh tế, có một câu hỏi chúng tôi luôn trăn trở là liệu cuộc cách mạng số hóa có thế giúp chúng ta nâng cấp được các giải pháp cho môi trường có sự tích hợp tốt hơn, thích ứng tốt hơn, kịp thời hơn, rộng khắp hơn được hay không? Hình như cứ nói số hóa là nói tới việc vươn tới các cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia thì phải.

Vì bản chất của công tác môi trường là sự tham gia của mọi cộng đồng vậy có thể ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa cho các giải pháp môi trường có được không?" …

Kết thúc bài phát biểu chia sẻ bà Lý đã gửi tới hội thảo lời chúc mừng thành công.Bà cũng không quên chúc cho... cá và các loài thủy sinh sẽ được sống trong nguồn nước sạch, chúc cho thế hệ tương lai sẽ được bơi lội tắm mát trong những dòng sông trong xanh, chúc cho biển của chúng ta mãi là nguồn lực kinh tế tuyệt vời cho Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Đức Dương – Quản lý chương trình Local Works, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng: “Sự chung tay của NGOs và các cơ quan nhà nước cùng đối tác doanh nghiệp là hướng mà chúng ta nên khai phá và phát triển. Đây là định hướng mới, quan trọng trong phát triển Mạng lưới.

Hội thảo Phát triển Mạng lưới VIWACON lần 2: Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VIWACON - Ảnh 3
Ông Nguyễn Đức Dương – Quản lý chương trình Local Works, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Sự ô nhiễm không chỉ từ nước mà còn từ nguồn khác, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải cùng chung tay hành động với chính phủ Việt Nam trong xây dựng chính sách và giám sát thực hiện chính sách tại địa phương.

Qua 2 ngày Hội thảo, chúng ta cùng nhìn lại các hoạt động đã có và chung tay chung sức tìm ra hướng đi hoạt động hiệu quả hơn, phát triển Mạng lưới với nhiều đối tác và giúp ích cho chính phủ Việt Nam nhiều hơn”.

Trong ngày đầu tiên của hội thảo, những thông tin về xu hướng công nghệ số và chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng trong lĩnh vực môi trường được trình bày bởi những chuyên gia hàng đầu đến từ tập đoàn hàng đầu Việt Nam về công nghệ: Ông Nguyễn Duy Khánh – Tập Đoàn Bảo Việt; Ông Nguyễn Đình Tuấn – Tập đoàn Viettel; Ông Nguyễn Thành Nam – Nguyên Tổng Giám đốc FPT, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Nhà sáng lập – Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX.

Ông Nguyễn Duy Khánh – Tập đoàn Bảo Việt với bài trình bày về “Công nghệ số và môi trường”. Ông Nguyễn Đình Tuấn – Tập đoàn Viettel với bài trình bày về “Xu hướng chuyển đổi số”. Ông Nguyễn Thành Nam – Nguyên Tổng Giám đốc FPT, Phó Chủ tịch HĐQT Đại học FPT, Nhà sáng lập – Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX tham gia chia sẻ và trao đổi tại hội thảo.

Để có những kế hoạch phát triển mạng lưới phù hợp, những diễn giải đến từ khối Nhà nước: Bà Chu Thanh Hương – Cục Biến đổi Khí hậu; Bà Nguyễn Thúy Anh – Cục Quản lý Tài nguyên Nước; Ông Bùi Đức Hiếu – Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã mang đến phần trình bày cập nhật về Biến đối khí hậu & COP26; Quá trình & định hướng sửa đổi Luật Tài nguyên nước; và Tổng quan về An Ninh Nguồn Nước tại Việt Nam. Các bài trình bày đã vẽ lên bức tranh tổng quan về bối cảnh mới và các cơ hội mới cho sự phát triển mạng lưới.

Hội thảo Phát triển Mạng lưới VIWACON lần 2: Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VIWACON - Ảnh 4
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo.

Ngay sau đó, toàn thể đại biểu tham dự đã được nhìn lại các hoạt động của Mạng lưới VIWACON trong một năm đầu tiên do TS. Ngô Huy Liêm – Cố vấn cấp cao của Mạng lưới chia sẻ và được khái quát thông qua phim tài liệu ngắn của mạng lưới.

Mạng lưới Bảo tồn Nguồn nước Việt Nam (VIWACON) được thành lập vào năm 2021, bao gồm 6 tố chức thành viên nòng cốt: Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững Tài nguyên nước và Thích nghi Biến đổi Khí hậu (CAWAREC), Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (INEST), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước (WARECOD), Hội nghề Cá Việt Nam (VINAFIS). VIWACON được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ giữa người dân, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân và nhà nước cùng nhau chung tay để bảo tồn nguồn nước và hệ sinh thái, đảm bảo việc tiếp cận nguồn nước an toàn cho tất cả mọi người.

Trong hai ngày Hội thảo, các thành viên Mạng lưới cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đã cùng nhau rà soát và củng cố lại Chiến lược, Quy chế hoạt động và Kế hoạch hoạt động của Mạng lưới, thảo luận những định hướng phát triển mới đặt trong bối cảnh các cơ hội và thách thức về xu hướng công nghệ số, biến đối khí hậu & COP26 và Chiến lược An Ninh Nguồn Nước tại Việt Nam.

Hội thảo Phát triển Mạng lưới VIWACON lần 2 đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VIWACON. Các thành viên đều cam kết mạnh mẽ trong bản kế hoạch hành động bằng tất cả sự Đồng lòng – Tâm huyết – Tôn trọng lẫn nhau – Sáng tạo – Hiệu quả để cùng hướng đến xây dựng một mạng lưới tiên phong trong các sáng kiến và giải pháp đảm bảo nguồn nước trong, sạch cho mọi người.

Các hoạt động của Mạng lưới VIWACON được thực hiện trong khuôn khổ dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước Việt Nam” do Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Xuân Hòa

Bạn đang đọc bài viết Hội thảo Phát triển Mạng lưới VIWACON lần 2: Đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của VIWACON. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới