Chủ nhật, 24/11/2024 06:40 (GMT+7)
Thứ ba, 02/11/2021 14:45 (GMT+7)

Hơn 100 lãnh đạo toàn cầu cam kết ngăn chặn nạn phá rừng

Theo dõi KTMT trên

Các nhà lãnh đạo thế giới cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng, suy thoái đất vào cuối thập kỷ này, cũng như cam kết tài trợ 19 tỉ USD để đầu tư vào việc bảo vệ và phục hồi lá phổi của hành tinh.

Tuyên bố chung tại hội nghị về khí hậu COP26 ở Glasgow được sự ủng hộ của lãnh đạo các nước gồm Brazil, Indonesia và Cộng hòa Dân chủ Congo, những quốc gia chiếm 85% diện tích rừng trên thế giới.

Thay mặt cho các nhà lãnh đạo, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, các quốc gia tại COP26 đã thống nhất về vấn đề khai thác tài nguyên rừng và đất.

"Rừng hỗ trợ cộng đồng, sinh kế và cung cấp lương thực, đồng thời hấp thụ carbon mà chúng ta bơm vào bầu khí quyển. Chúng rất cần thiết cho sự sống còn của chúng ta. Chúng ta sẽ có cơ hội kết thúc lịch sử lâu dài của loài người với tư cách là kẻ chinh phục thiên nhiên, và thay vào đó trở thành người trông coi nó", ông Johnson tuyên bố.

Một loạt các sáng kiến ​​bổ sung của Chính phủ và tư nhân đã được đưa ra tại hội nghị để giúp đạt được mục tiêu đó, bao gồm cam kết tài trợ cho những người bảo vệ rừng bản địa và các hình thức sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hơn 100 lãnh đạo toàn cầu cam kết ngăn chặn nạn phá rừng - Ảnh 1
Rừng Amazon bị tàn phá nặng nề. (Ảnh minh họa)

Gần một phần tư lượng khí thải carbon dioxide do con người tạo ra có thể là do hoạt động sử dụng đất như khai thác gỗ, phá rừng và canh tác. Con người đã chặt phá một nửa diện tích rừng trên Trái Đất, một hành vi gây hại gấp đôi cho khí hậu khi những cây hút CO2 được thay thế bằng vật nuôi hoặc cây trồng độc canh.

Theo Viện Tài nguyên Thế giới, rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải carbon dioxide. Các khu rừng hấp thụ khí thải trong bầu khí quyển, qua đó giúp ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu.

Tuy nhiên, vùng đệm khí hậu tự nhiên này đang nhanh chóng biến mất. Thế giới đã mất 258.000 km2 rừng vào năm 2020, theo sáng kiến ​​theo dõi nạn phá rừng Global Forest Watch.

Thỏa thuận tại hội nghị COP26 mở rộng đáng kể cam kết tương tự của 40 quốc gia trong khuôn khổ Tuyên bố về Rừng tại New York năm 2014 và tiến xa hơn bao giờ hết trong việc bố trí các nguồn lực để đạt được mục tiêu đó.

Theo thỏa thuận, 12 quốc gia sẽ cam kết cung cấp 12 tỉ USD tiền tài trợ từ năm 2021 đến năm 2025 để giúp đỡ các nước đang phát triển khôi phục tình trạng suy thoái đất đai và giải quyết nạn cháy rừng.

Năm quốc gia, bao gồm Mỹ và Anh, cùng một nhóm các tổ chức từ thiện toàn cầu hôm thứ Ba cũng cam kết cung cấp 1,7 tỉ USD để hỗ trợ người dân bản địa bảo tồn rừng và tăng cường quyền sở hữu đất đai của họ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách tốt nhất để bảo vệ rừng trên toàn thế giới là giữ chúng dưới sự quản lý của người dân địa phương với kiến ​​thức bảo tồn qua nhiều thế hệ.

Tuntiak Katan Jua từ tổ chức bản địa COICA cho biết: “Chúng tôi sẽ tìm kiếm bằng chứng cụ thể về sự thay đổi trong cách thức đầu tư vốn”.

Ông nói: "Nếu 80% những gì được đề xuất hướng đến hỗ trợ quyền đất đai và đề xuất của các cộng đồng bản địa và địa phương, chúng ta sẽ thấy một sự đảo ngược đáng kể trong xu hướng hiện nay đang phá hủy tài nguyên thiên nhiên của chúng ta".

Hơn 30 tổ chức tài chính với tài sản hơn 8,7 nghìn tỉ USD cho biết họ sẽ nỗ lực hết sức để loại bỏ nạn phá rừng liên quan đến chăn nuôi gia súc, sản xuất dầu cọ, đậu nành và bột giấy vào năm 2025.

Linh Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Hơn 100 lãnh đạo toàn cầu cam kết ngăn chặn nạn phá rừng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới