Chủ nhật, 24/11/2024 07:45 (GMT+7)
Thứ năm, 20/08/2020 11:44 (GMT+7)

Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn

Theo dõi KTMT trên

Ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những thảm họa cận kề, khi nó đe dọa cuộc sống của con người mọi lúc mọi nơi. Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí độc hại, kèm theo đó là những nguy cơ bệnh tật và các mối nguy hiểm khôn lường tới sức khỏe.

Các ống khói nhà máy nhiệt điện than cao vút, nghi ngút khói tỏa khắp bầu trời; Dòng xe cộ chen chúc; Những tòa nhà cao tầng cùng hình bóng con người trĩu nặng trong bầu không khí mờ đục; Những đứa trẻ bơ vơ bước đi trong không gian đặc quánh khói bụi. Đó là hình ảnh phổ biến khi gõ tìm kiếm hai từ “air pollution” (ô nhiễm không khí) trên Google.

“Kẻ giết người” thầm lặng

Ô nhiễm không khí được coi là “kẻ giết người” thầm lặng, khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tỉ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Mỗi năm, WHO dự báo có khoảng 3,5 - 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Các hạt bụi mịn (PM2.5 và PM10), oxit nitơ (NOx), oxit lưu huỳnh (SOx), carbon monoxit (CO), chì (Pb), ozone (O3) tầng mặt đất, các hạt vật chất khí quyển lơ lửng.

Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn - Ảnh 1
97% thành phố ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình không đáp ứng các tiêu chuẩn về không khí của WHO. (Ảnh minh họa)

Chất gây ô nhiễm có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra, có hai loại gồm sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp, trong đó chất gây ô nhiễm thứ cấp bao gồm sương khói (chủ yếu đến từ lượng khí thải xe cộ và công nghiệp), ozone tầng mặt, peroxyacetyl nitra… Chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ các quá trình như tro từ phun trào núi lửa, hay hoạt động sản xuất.

Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước đường kính nhỏ hơn 2,5 micrometer (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gồm nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, đột quỵ, đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi.

Sử dụng các phương pháp này, các nhà nghiên cứu có thể phân biệt giữa ô nhiễm không khí tự nhiên như bụi, cháy rừng và ô nhiễm không khí do con người gây ra như phát thải, do đốt các nhiên liệu hóa thạch tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, phát thải do hoạt động công nghiệp, hoạt động giao thông và xây dựng các hạ tầng đô thị; đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác và xử lý rác thải ngoài môi trường…

Thực trạng ô nhiễm không khí báo động trên toàn cầu

Các vùng bị ô nhiễm không khí nhiều nhất tập trung ở khu vực vực Tây Á và Đông Nam Á. Theo dữ liệu mới nhất, 97% thành phố ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình với hơn 100.000 dân không đáp ứng các tiêu chuẩn về không khí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Với các nước có thu nhập cao, tỉ lệ giảm xuống 49%.

Một thống kê đầu năm nay của Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng, 7 trong số 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ. Theo Tổ chức Giám sát chất lượng không khí AirVisual và Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), thì vào năm 2018, Gurugram là thành phố có mức độ ô nhiễm nặng nhất thế giới. Tổng cộng 18 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới thuộc về các nước Nam Á.

Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn - Ảnh 2
Ảnh chụp từ phía Bắc Tehran cho thấy sương khói bao phủ khắp thành phố khi ô nhiễm nặng nề tấn công thủ đô Iran vào ngày 15/12/2019. (Ảnh: AFP)

Thủ đô Tehran (Iran) ngày 15/12/2019 phải đóng cửa tất cả trường học trong vài ngày do mức độ ô nhiễm quá cao. Mật độ trung bình trong không khí của các hạt bụi mịn PM2.5 đo được tại thủ đô Tehran trong ngày 15/12 là 145 microgram/m3, cao gấp 6 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Cả thành phố bị bao phủ bởi một đám mây khói bụi dày đặc.

Tại Australia, khói từ hơn 150 đám cháy hoành hành ở cả bờ Đông và bờ Tây đã bủa vây lấy thành phố Sydney, khiến chất lượng không khí nơi đây xuống thấp trầm trọng hồi đầu năm nay. Bụi mịn PM2.5 có thể bay rất xa từ các đám cháy. Vào ngày 2/1, thủ đô Caberra của Australia đạt chất lượng không khí xấu kỷ lục, PM2.5 vượt mức 200 µg/m3. Tháng 12/2019, Sydney cũng ghi nhận chất lượng không khí xấu nhất từng có với lượng PM2.5 đạt gần ngưỡng 400 µg/m3, mức độ độc hại theo xếp hạng của WHO, nghĩa là mọi người đều có thể gặp phải tác động nguy hại tới sức khỏe.

Khói bụi từ các vụ cháy rừng ở Australia còn bay hàng nghìn dặm sang tận New Zealand, làm bầu trời nước láng giềng chuyển sang màu cam. Cháy rừng sản sinh ra chất ô nhiễm không khí nguy hại (HAP). HAP có thể gây biến chứng sức khỏe đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và những ai đã mắc các vấn đề về phổi, tim hay gan. Ở bang New South Wales, chỉ trong ngày 1/1, số ca bệnh hen suyễn đã tăng lên 25%.

Châu Âu không phải ngoại lệ. Năm 2017, Bulgaria là nước thành viên đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) bị tòa án châu Âu kết tội không tuân thủ các quy định về đảm bảo chất lượng không khí. Trong báo cáo công bố ngày 16/10/2019, Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) khẳng định, ô nhiễm không khí là mối nguy hiểm môi trường tác động lớn nhất tới sức khỏe của con người. Cùng năm, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã yêu cầu Tòa án Công lý EU có những biện pháp xử phạt đối với hai nước là Bulgaria và Tây Ban Nha do vi phạm các quy định về đảm bảo chất lượng không khí cũng như cảnh báo các nước thất bại trong việc bảo vệ người dân đối phó với tình trạng ô nhiễm.

Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn - Ảnh 3
Ước tính 91% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, chịu nhiều ảnh hưởng nguy hại từ ô nhiễm không khí. (Ảnh: Elets News Network)

Ô nhiễm không khí là vấn đề được nhắc đến trong nhiều năm qua tại Anh. London luôn là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu dù đã có nhiều giải pháp tiếp cận khắc phục vấn đề này từ lâu.

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí khiến hàng chục nghìn người Việt Nam tử vong mỗi năm, thiệt hại 240.000 tỉ đồng, chiếm gần 5% GDP cả nước. Năm 2018, có 71.000 người chịu tác động của ô nhiễm môi trường, trong đó 50.000 người tử vong vì ảnh hưởng bởi không khí độc hại. Thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ở thời điểm này ước tính 10,82-16,63 tỉ USD, tương đương 240.000 tỉ đồng, chiếm 4,45-5,64% GDP cả nước.

Chất lượng không khí ở Việt Nam ngày càng xấu đi

Gần đây, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các tỉnh TP lớn, các khu công nghiệp ở ngưỡng cao của thang cảnh báo. Kể từ tháng 9/2019 đến nay, liên tiếp trong nhiều ngày, Hà Nội và TP.HCM có chất lượng không khí xấu, một số thời điểm chỉ số AQI ở ngưỡng nguy hại, không tốt cho sức khỏe.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này là do hoạt động giao thông và việc xây dựng các hạ tầng đô thị tạo ra nguồn phát thải lớn vào môi trường.

Ở góc độ kinh tế, PGS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng nguyên nhân chính xuất phát từ việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng và không hề thay đổi nhiều theo thời gian.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng chuyển dịch ô nhiễm từ quốc gia phát triển sang các quốc gia phát triển chậm hơn. Hiện tượng này xuất phát từ chỉ số FDI (nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) khi mà các quốc gia phát triển sẽ có tiêu chuẩn và chi phí cho môi trường cao hơn. Nhóm nguyên nhân thứ 3 được đề cập đến là việc phân công thứ bậc trong lao động quốc tế. Hiện, các hoạt động sản xuất, chế biến và chế tạo gây nên ô nhiễm đã được đẩy về Việt Nam.

Theo đó, để giảm thiểu ô nhiễm không khí, các chuyên gia đề xuất các thành phố lớn có thể tận dụng 3 công cụ chính là: Quản lý hành chính, kinh tế và thông tin.

Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn - Ảnh 4
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi năm TP.Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp, nhưng việc tận dụng vào các hoạt động có ích chưa nhiều, gây lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí. (Ảnh minh họa)

Về kinh tế, TS Trường cho rằng có nhiều giải pháp về tài chính nhằm thúc đẩy người dân hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí, bao gồm thuế carbon, phí ô nhiễm không khí và trái phiếu môi trường. Ngoài ra, việc thúc đẩy hoạt động hợp tác công - tư (PPP) cũng được coi là công cụ nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nhằm giảm thiểu nguồn phát thải.

Tuy nhiên, để những biện pháp này được thực thi một cách hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần có thêm những nghiên cứu, đánh giá chính xác về tác động của ô nhiễm không khí đến nền kinh tế. Việc đánh giá càng chính xác thì càng tối ưu trong việc đề xuất các chính sách giảm thiểu.

Ra đời trong bối cảnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường đang ngày càng diễn biến tiêu cực, dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ TN&MT vừa ban hành đã bổ sung nhiều điểm mới nhằm tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý và siết chặt hơn các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm. Đáng chú ý, Bộ này đề xuất cần công bố tình trạng khẩn cấp nếu xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP): Ba “trụ cột” để quản lý chất lượng không khí: Dữ liệu các nguồn phát thải, dữ liệu quan trắc không khí và đánh giá tác động đến sức khỏe con người đang được Bộ TN&MT thực hiện. Các ngành sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện, hóa chất… phải bắt buộc chủ cơ sở lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, các số liệu phải được truyền về Sở TN&MT ở địa phương và Bộ TN&MT theo dõi để phản ứng kịp thời khi có các thông số xả thải vượt mức cho phép.

Theo kinh nghiệm của các nước thì cũng nên có Luật riêng về nước sạch, chất thải rắn, không khí sạch, như thế có thể nhìn thấy đồng bộ các quy định của Nhà nước để dễ theo dõi, thực hiện.

Song Anh

Bạn đang đọc bài viết Hơn 90% dân số thế giới đang hít thở không khí bẩn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới