Chủ nhật, 24/11/2024 09:31 (GMT+7)
Thứ ba, 23/03/2021 10:54 (GMT+7)

Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới: ‘Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta’

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí về Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và các hoạt động hưởng ứng.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) là một Cơ quan chuyên ngành thuộc Liên Hợp quốc (UN) và là tiếng nói chính thức của UN về trạng thái khí quyển Trái Đất, sự tương tác của khí quyển với đại dương, khí hậu, phân bố nguồn nước.

Ngày 23/3 hàng năm được lựa chọn là Ngày Khí tượng thế giới. Các chủ đề được chọn cho Ngày Khí tượng thế giới phản ánh các vấn đề thời tiết, khí hậu hoặc các vấn đề liên quan đến nước và nguồn nước. Đây là dịp tôn vinh những đóng góp của các cơ quan khí tượng thủy văn (KTTV) trên khắp thế giới đối với việc bảo vệ tính mạng và tài sản của con người trước sự tác động của thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn.

Ngày Khí tượng thế giới 23/3/2021 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta”. Chủ đề này nhằm kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống Trái Đất. Đồng thời, vai trò của khoa học dự báo cảnh báo khí tượng thuỷ văn, đặc biệt là quan trắc đại dương đã được nghiên cứu, ứng dụng và triển khai rất mạnh mẽ ở các quốc gia nhằm tăng cường bảo vệ tính mạng và tài sản trên biển cũng như quản lý vùng ven biển; mối tương tác giữa đại dương và khí hậu, thời tiết; đảm bảo an toàn trên biển và đất liền; quan trắc đại dương; dự báo thay đổi khí hậu; mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và các sáng kiến khác.

WMO thực hiện các hoạt động để cải thiện tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn và ứng phó khẩn cấp với các hiểm hoạ môi trường như sự cố tràn dầu và hoá chất cũng như chất phóng xạ. 

Đặc biệt, dưới tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra và tác động đến các điều kiện tự nhiên làm cho các loại thiên tai ngày càng “dị thường hơn, cực đoan hơn” cả về tần suất lẫn cường độ, nhất là các thiên tai liên quan đến biển và đại dương.

Do đó, đảm bảo an toàn trên biển và đất liền đang là vấn đề của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, cần có sự phối hợp mạnh mẽ giữa các nước để đảm bảo việc quan trắc được diễn ra thường xuyên và bền vững. Ngoài việc ảnh hưởng đến địa lý của các khu vực khí hậu trên hành tinh, đại dương còn khiến khí hậu thay đổi trong khoảng thời gian hàng tuần đến hàng thập kỷ thông qua các dao động thường xuyên. Với việc nâng cao chất lượng giám sát đại dương, bầu khí quyển và các hiểu biết khoa học, các nhà khoa học ngày càng có thể xác định và dự báo những dao động này cũng như sự thay đổi của khí hậu và thời tiết.

Trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng lên nhanh chóng, nhu cầu về an toàn sinh mạng trên biển và hỗ trợ quản lý vùng ven biển ngày càng tăng. Vì vậy, làm rõ vai trò kết nối tổng thể của việc giám sát, dự báo KTTV, cũng như các dịch vụ cảnh báo sớm về lũ lụt và hạn hán là vấn đề vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản trên biển, thúc đẩy giao thông đường biển. Việc nâng cao chất lượng giám sát đại dương, bầu khí quyển và các hiểu biết khoa học, các nhà khoa học ngày càng có thể xác định và dự báo những dao động này cũng như sự thay đổi của khí hậu và thời tiết.

Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới: ‘Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta’ - Ảnh 1

Nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục KTTV và các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai lồng ghép các hoạt động hưởng ứng. 

Theo đó, ngày 23/3 sẽ diễn ra Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới và Tọa đàm “Giám sát đại dương - Dự báo cảnh báo thiên tai phục vụ sinh kế biển”. Hoạt động ý nghĩa này được tổ chức trực tuyến từ Tổng cục KTTV đến 63 điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố. Với sự tham gia của các Bộ, ban, ngành đoàn thể, các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu và tác nghiệp khí tượng, thủy văn, hải văn, phòng chống thiên tai và các lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, đại diện các đại sứ quán, cơ quan tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, học sinh sinh viên các trường đại học đào tạo về KTTV, các doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức ngành KTTV trên toàn quốc.

Khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Khí tượng thế giới năm 2021:

- Chung tay hành động đảm bảo an toàn trên biển và đất liền.

- Trồng cây, tái tạo môi trường sống cho vùng núi sau thiên tai lũ quét sạt lở đất.

- Bảo vệ đại dương là bảo vệ nền kinh tế toàn cầu. 

- Giảm thiểu rủi ro thiên tai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. 

- Hợp tác quốc tế để bảo vệ đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

- Bảo vệ đại dương là bảo vệ cuộc sống và sinh kế của chúng ta.

- Thích ứng với biến đổi khí hậu vì một đại dương bền vững.

- Cùng hành động để bảo vệ và phục hồi đại dương.

Ngọc Ánh

Bạn đang đọc bài viết Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới: ‘Đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới