Chủ nhật, 24/11/2024 11:06 (GMT+7)
Thứ sáu, 27/09/2019 15:15 (GMT+7)

Huyền thoại gò Rồng ấp: Sự ngẫu biến thú vị

Theo dõi KTMT trên

Vở kịch được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, phóng tác dựa trên những cứ liệu lịch sử kết hợp cùng nhiều yếu tố hư cấu có nguồn gốc dân gian.

Vở kịch “Huyền thoại gò Rồng ấp” vừa giành giải Hoa dâm bụt. Đây là giải thưởng cho vở diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc - ASEAN.

Nhiều tình tiết mới mẻ

Vở kịch được tác giả kịch bản văn học, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, phóng tác dựa trên những cứ liệu lịch sử kết hợp cùng nhiều yếu tố hư cấu có nguồn gốc dân gian chưa được nhiều người biết tới.

Mở đầu, “Huyền thoại gò Rồng ấp” đã phác họa câu chuyện trong không gian xóm Long Châu, thuộc hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, có một người con gái tên là Phạm Thị Ngà (NSND Lệ Ngọc đóng) mồ côi cha mẹ. Phần mộ cha mẹ bà Phạm Thị Ngà được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn táng ở gò Rồng ấp, nơi được tương truyền là có huyệt đất thiêng. Câu chuyện mang màu huyền sử của nền văn minh sông Hồng giai đoạn cuối loạn 12 sứ quân và đầu thời Lý.

Huyền thoại gò Rồng ấp: Sự ngẫu biến thú vị - Ảnh 1

Một hôm, Thị Ngà lai vãng quanh lễ hội Nõ - Nường, một lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ và nằm nghỉ bên bậu cửa. Vô tình lúc ấy thần nhân ghé qua, bỗng đất trời giao hòa, âm dương giao cảm. Khi trở về Thị Ngà thấy trong mình khác lạ, biết là đã mang thai.

Thiền sư Thiền Ông là sư phụ của sư Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên nên đã viết một bài kệ tiên tri có ngụ ý rằng: “Tháng mười năm Kỷ Dậu, một triều đại lẫy lừng sẽ xuất hiện, đó chính là triều Lý. Gò Rồng ấp là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mả táng của gia tiên họ Phạm, con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn...”. Điềm báo ấy ứng vào bào thai đang lớn dần trong cơ thể Thị Ngà.

Cùng lúc đó, ở hương Diên Uẩn có một phú hộ tên Hồng Kỳ có cô con gái đang chửa hoang. Hắn lại biết Thị Ngà đang mang thai ứng vào “thiên mệnh” nên đã cùng vợ bày ra những âm mưu thâm độc để hãm hại Thị Ngà với hy vọng cướp thiên mệnh. Hắn xới mồ mả cha mẹ của Thị Ngà rồi bốc mả cha mình đem táng ở gò Rồng Ấp, đổi họ sang họ Lý như “luật trời” đã định.

Cao trào được đẩy lên khi cô con gái phú hộ mất đứa con vừa sinh, mất đi “thiên tử” của dòng họ, vợ chồng hắn điên cuồng tìm giết Thị Ngà cùng đứa bé trong bụng để mong cậu con trai quý tử “Ấm Sứt” kế hưởng “thiên mệnh”.

Sức cùng lực kiệt, đến kỳ sinh nở, Thị Ngà phải dùng mảnh sành tự rạch bụng để con chào đời. Tiếng trẻ khóc vang cũng là lúc Thị Ngà lìa xa trần thế. Đứa bé được sư Vạn Hạnh đem về nuôi nấng để rồi sau này lớn lên trở thành vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý - người đã tạo dựng nên kinh đô Thăng Long rạng rỡ...

Từ vở diễn phục vụ khán giả đến giải thưởng lớn

Câu chuyện lịch sử trong kịch bản văn học của tác giả Nguyễn Thế Kỷ là một câu chuyện hay, cởi mở với nhiều yếu tố mới mà trước đó chưa được đề cập trên sân khấu. Tác giả dùng một phần sự thật lịch sử từ các sử liệu và một phần hư cấu rất hợp lý để làm rõ thông điệp gửi đến khán giả. Đó là câu chuyện giữa thiện - ác, tốt - xấu, thuận - nghịch theo quy luật... làm nên sự tương phản, xung đột trong câu chuyện.

Huyền thoại gò Rồng ấp: Sự ngẫu biến thú vị - Ảnh 2

Trong kịch bản văn học, một phần liên quan đến sự ra đời của vua Lý Công Uẩn đã được tác giả phóng tác từ những nguồn sử liệu và sự thật lịch sử. Phần còn lại là sự ganh ghét, tranh giành của những kẻ kém cả đức lẫn tài đã bằng mọi thủ đoạn để đoạt lấy thiên mệnh, thiên mệnh đã giao cho con người mà ở đó hội tụ đầy đủ những tố chất của người Việt và khí thiêng sông núi mà tác giả đã khẳng định, không thể thay đổi được. Chính những chi tiết phóng tác, hư cấu này đã tạo “đất” cho ê-kíp thoải mái sáng tạo, tạo nên sức hấp dẫn mới mẻ và thành công của vở diễn.

Tuy nhiên, khi một vở diễn tái hiện lịch sử trên sân khấu kịch nói, bản thân ê-kíp sáng tạo rất trăn trở khi tìm phương pháp nào để dàn dựng tác phẩm. Đây là vở diễn phản ánh một nhân vật hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam, vua Lý Công Uẩn. Hơn nữa, vở lại được dàn dựng trên sân khấu tư nhân Lệ Ngọc, một sân khấu xã hội hóa hoàn toàn, tự túc kinh phí, tương tác với thị trường và nhờ thị trường để tồn tại nên tiêu chí đầu tiên là phục vụ khán giả. Đương nhiên, như vậy không có nghĩa là có thể hạ thấp các tiêu chí chuyên môn, yếu tố nghệ thuật... Với những đặc điểm như vậy của sân khấu Lệ Ngọc, ê-kíp sáng tạo đã nghiên cứu làm sao để vở diễn về đề tài lịch sử nhưng phải gần gũi với người xem, và đặc biệt là phải thu hút được người xem, giữ chân khán giả cho đến cuối vở diễn. Đó chính là yếu tố làm nên thành công nhiều mặt của vở diễn.

Hội đồng giám khảo Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 7 trao hai giải Hoa dâm bụt, (tương đương giải Vàng), cho hai tác phẩm: Huyền thoại gò Rồng ấp (tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên) và Tấm Cám (tác giả: Nguyễn Hiếu, đạo diễn: Chua Soo Pong). 7 nghệ sĩ, tác giả của Việt Nam đã được trao giải Hoa dâm bụt giành cho nghệ sĩ xuất sắc nhất Liên hoan, trong đó có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ được trao giải tác giả xuất sắc với vở Huyền thoại gò Rồng ấp.

Liên hoan Sân khấu Trung Quốc - ASEAN lần thứ 7 diễn ra từ 14 - 19/9 tại Nam Ninh, Trung Quốc. Việt Nam tham gia 3 chương trình, trong đó Sân khấu Lệ Ngọc với Huyền thoại gò Rồng ấp và Tấm Cám; Đoàn nghệ thuật rối Hải Phòng tham gia một chương trình rối nước truyền thống.

Theo VOV

Bạn đang đọc bài viết Huyền thoại gò Rồng ấp: Sự ngẫu biến thú vị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới