Indonesia gửi trả chất thải độc hại về Australia, New Zealand, Anh, Mỹ
Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ của 4 nước Australia, New Zealand, Anh, Mỹ để thông báo kế hoạch gửi trả lại các nước này 79 container chứa chất thải độc hại.
Chính phủ Indonesia mới đây tuyên bố sẽ gửi trả 79 container chất thải độc hại về Australia, New Zealand, Anh và Mỹ bắt đầu từ tháng 1/2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một thông cáo ra ngày 24/12, Bộ Ngoại giao Indonesia (Kemlu) cho biết đã triệu tập đại sứ của 4 nước trên vào ngày 23/12 để thông báo về kế hoạch gửi trả rác thải.
Tổng vụ trưởng Vụ Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Ngurah Swajaya khẳng định biện pháp này phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới và việc tiêu hủy các phế thải nguy hiểm.
Công ước này nhằm giảm các hoạt động vận chuyển các chất thải độc hại giữa các quốc gia, đặc biệt là từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn.
Thông cáo của Kemlu dẫn lời ông Ngurah nêu rõ: "Theo Công ước Basel, hàng nhập khẩu có chứa chất thải độc hại là không được phép và Chính phủ Indonesia sẽ gửi trả về nước xuất xứ.”
Nguồn gốc của 79 container nói trên đã được nhiều cơ quan chính phủ gồm Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính và Cảnh sát quốc gia xác minh.
Tổng vụ trưởng Ngurah cho biết thêm những container này nằm trong tổng số 107 container đã bị lực lượng chức năng Indonesia thu giữ vì có chứa các chất thải nguy hại và 28 container còn lại sẽ tiếp tục được kiểm tra.
Số container nói trên bị thu giữ năm 2019 trong bối cảnh Indonesia và các nước Đông Nam Á khác đang đối mặt với sự gia tăng mạnh các lô hàng chứa chất thải nhựa từ các nước phát triển sau khi Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu.
Các loại rác thải không nguy hại, trong đó chủ yếu là giấy vụn sạch, đã được các công ty tái chế giấy ở Indonesia sử dụng.
Tuy nhiên, hầu hết trong số 107 container nói trên được xác định là có chứa các chất thải gây nguy hại như tã giấy và đồ nhựa.
Hữu Chiến