Chủ nhật, 24/11/2024 09:26 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/04/2020 13:00 (GMT+7)

Khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn, mặn

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn đang xảy ra trên diện rộng, nhất là khu vực miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), cùng các cơ quan chức năng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn, mặn - Ảnh 1
Hệ thống kênh dẫn nước tại trạm bơm Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã cạn khô. (Ảnh: Bình Nguyên)

Theo Bộ TN&MT, tại khu vực miền trung và Tây Nguyên, tình trạng hạn hán, thiếu nước xảy ra trên phạm vi rộng và ở hầu hết các lưu vực sông ngay từ đầu mùa cạn (tháng 12-2019). Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40 đến 60%, một số sông thiếu hụt hơn 70%. Nhiều hồ chứa, nhất là các hồ chứa lớn, quan trọng, lượng nước tích được đầu mùa cạn là không nhiều, chỉ từ 40 đến 70%. Dự báo, trong những tháng còn lại, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8-2020, lượng dòng chảy trên các sông suối ở khu vực này vẫn rất nhỏ, phổ biến thiếu hụt từ 15 đến 70% so với trung bình nhiều năm và có thể gay gắt hơn mùa khô năm 2019. Do vậy, nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước là rất lớn và có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Tại khu vực ĐBSCL, trong năm 2019, tổng lượng mưa mùa lũ trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 20 đến 40% so với trung bình nhiều năm (TBNN); tổng lượng dòng chảy thiếu hụt từ 30 đến 35% so với TBNN. Từ đầu mùa khô đến nay đã có 5 đợt xâm nhập mặn tăng cao làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và dân sinh. Chiều sâu xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất tính đến ngày 30/3 ở cửa sông Cửu Long đã sâu hơn năm 2016 từ 3 km đến 7 km; các sông Vàm Cỏ (Long An), Cái Lớn (Kiên Giang) ở mức thấp hơn từ 4 km đến 15 km.

Dự báo xu thế xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long sẽ giảm dần; tuy nhiên do dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về ĐBSCL không được cải thiện cho nên độ mặn vẫn ở mức cao, tình hình nắng nóng, hạn hán tiếp tục diễn ra; trên các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao tới cuối tháng 4/2020, sau đó giảm dần.

Hiện nay, đã có năm tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau. Đáng lo ngại, theo số liệu thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN và MT), hiện nay trên cả nước có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm gần 10% tổng số xã trên toàn quốc). Nguyên nhân chủ yếu là không có công trình lấy nước tập trung (các xã ở vùng núi phía bắc, miền trung, Tây Nguyên); nguồn nước bị nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển và tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng tại khu vực ĐBSCL.

Trước diễn biến phức tạp của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại các địa phương trên cả nước hiện nay, Bộ TN và MT đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các chủ hồ chứa thủy điện phối hợp các cơ quan chức năng trong việc lập kế hoạch tích nước, xả nước các hồ chứa cho phù hợp, bảo đảm ưu tiên nhu cầu sử dụng nước ở hạ du theo quy định pháp luật hiện hành.

Các cơ quan chức năng tăng cường, nâng cao độ chính xác trong công tác dự báo, cảnh báo các hiện tượng cực đoan, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn; giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước (TNN) và giám sát việc vận hành các hồ chứa cấp nước cho hạ du, kịp thời chỉ đạo các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông điều chỉnh vận hành phù hợp tình hình thực tế hạn hán và nhu cầu hạ du; đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò nguồn nước dưới đất để có thể cung cấp cho các vùng khan hiếm nước. Sớm xây dựng quy hoạch tổng hợp lưu vực các sông Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, SrePok... trong đó tập trung xây dựng các kịch bản, phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước trong điều kiện xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng...

Theo Thứ trưởng Bộ TN và MT Lê Công Thành, về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về TNN, chia sẻ nguồn nước; nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo; đẩy mạnh xã hội hóa và kinh tế hóa ngành TNN; thực hiện định kỳ việc kiểm kê TNN, kiểm kê hiện trạng khai thác, sử dụng TNN và xả thải vào nguồn nước. Các đơn vị trong lĩnh vực TNN tiếp tục tăng cường phối hợp, kịp thời thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất cho người dân, nhất là khu vực vùng cao, vùng khan hiếm nước; đề xuất các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu hụt nước và xâm nhập mặn cho các địa phương hiệu quả.

Đối với khu vực ĐBSCL, trước mắt, Bộ TN và MT giao Trung tâm Quy hoạch và Điều tra TNN quốc gia thành lập tổ công tác hỗ trợ về kỹ thuật, nhân lực, thiết bị, chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc điều tra, tìm kiếm nguồn nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt tại chỗ cho người dân tại các vùng hạn hán, xâm nhập mặn nặng. Đồng thời, đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành rà soát, đánh giá, đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách để Bộ TN và MT triển khai các điểm cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ kịp thời cho người dân trong giai đoạn khẩn cấp hiện nay. Cử đơn vị đầu mối tiếp nhận các công trình giếng khoan đã được tìm kiếm, thăm dò và kết cấu thành các giếng khoan khai thác để đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung kịp thời và hiệu quả…

Nhằm hỗ trợ một phần khó khăn cho người dân trong khu vực, Bộ TN và MT quyết định hỗ trợ năm tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau, mỗi tỉnh 800 triệu đồng thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài ra, Bộ TN và MT cũng trao hơn 610 triệu đồng tới Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhằm ủng hộ, giúp đỡ người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay. Đây là số tiền do cán bộ, công chức, viên chức, lao động và đoàn viên công đoàn của Bộ TN và MT ủng hộ...

Nguồn: Bộ TN&MT

Thái Sơn

Bạn đang đọc bài viết Khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt do hạn, mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới