Chủ nhật, 24/11/2024 06:15 (GMT+7)
Thứ tư, 24/03/2021 08:31 (GMT+7)

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam'

Theo dõi KTMT trên

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm “Kinh tế môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam”, dưới sự phối hợp của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT).

11h15: PGS.TS Trương Mạnh Tiến tuyên bố kết thúc Tọa đàm

Qua phần trao đổi của các chuyên gia về vấn đề phát triển biển và hải đảo, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho rằng, trách nhiệm bảo vệ biển và hải đảo là của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển. Chúng ta không chỉ bảo vệ vùng biển của riêng mình mà còn phải bảo vệ đại dương nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi mà biển đem lại cho đời sống của con người. Và Việt Nam đang rất trách nhiệm trong vấn đề này.

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 1
ThS, Nhà báo Phan Chí Hiếu, Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí Kinh tế Môi trường tặng hoa cho các chuyên gia, khách mời. 

Bên cạnh đó, bất cứ quốc gia nào lớn nhỏ đều phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên biển, nghiêm túc thực hiện công ước quốc tế về biển…

Do thời lượng giới hạn, mặc dù còn nhiều vấn đề mà quý độc giả quan tâm, tuy nhiên buổi Tọa đàm xin dừng lại ở đây. Trong thời gian tới, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình Tọa đàm chuyên môn về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Mọi câu hỏi, ý kiến trao đổi, góp ý của quý vị độc giả thông qua đường thư điện tử: [email protected]

Từ 10h40: Giao lưu trực tiếp, trực tuyến giữa khách mời và diễn giả, phóng viên, nhà báo tham dự chương trình và các bạn đọc

-Phóng viên Tạp chí điện tử Hòa Nhập đặt 2 câu hỏi:
1.Quan điểm của TS Ta Đình Thi về mối quan hệ giữa kinh tế quốc phòng an ninh, khai thác biển và bảo vệ biển, xây dựng sức mạnh khai thác và bảo vệ biển như thế nào? Trên cơ sở đó, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tham mưu gì cho Bộ Tài nguyên và Môi trường?
2. TS Tạ Đình Thi đánh giá Việt Nam là quốc gia biển và hải đảo, để phát triển biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã có đề tài nghiên cứu về tài nguyên biển và hải đảo để phát triển kinh tế biển hay chưa?
TS Tạ Đình Thi: Mối quan hệ giữa kinh tế quốc phòng an ninh, khai thác biển và bảo vệ biển, xây dựng sức mạnh khai thác và bảo vệ biển là những phạm trù cần phải bàn nhiều và cũng là yêu cầu mà chúng đặt ra trong chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển và phát triển bền vững kinh tế biển.
Rõ ràng hiện nay, cặp phạm trù giữa phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh là yêu cầu đặt ra song song, tức là phát triển kinh tế mới có điều kiện củng cố và xây dựng về quốc phòng an ninh. Trong thời gian qua, thực hiện Chiến lược Phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam, chúng ta đang làm tốt công tác này.
Thực tế việc xây dựng các lực lượng quốc phòng an ninh theo chủ trương hướng ra biển và bảo vệ từ hướng biển, các lực lượng từ không quân hải quân, biên phòng …, liên quan đến biển đều được xây dựng và củng cố từ sự phát triển kinh tế về biển.
'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 2
TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam, Bộ TN&MT trả lời câu hỏi của phóng viên tham dự Tọa đàm.
Mối quan hệ giữa khai thác sử dụng biển và bảo vệ biển là yêu cầu cấp thiết và Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã được Quốc hội thông qua thể hiện rất rõ tư tưởng này. Cần quản lý tổng hợp biển và hải đảo dựa trên hệ sinh thái, từ đó trong các hoạt động kinh tế, khai thác sử dụng biển cần phải chú trọng việc bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, việc tham mưu các nội dung cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là chức năng chính của Tổng cục. Nhiều chủ trương, chính sách đã được Tổng cục tham mưu ví dụ như Nghị quyết 36 của Trung ương vừa rồi, một số đề án, nhiệm vụ đã được thông qua mới đây cũng được Tổng cục tham mưu, hay Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường biển và hải đảo, các Luật, Nghị định hướng dẫn thi hành, Thông tư…, cũng do Tổng cục tham mưu, kèm theo đó Tổng cục cũng thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu.
Trao đổi thêm về câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Hòa Nhập, ông Doãn Công Khánh chia sẻ, vừa qua EU đã rút thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam. Hiện nay Bộ Công Thương, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, hiệp hội cũng rất đau đầu bởi đây là sự việc có ảnh hưởng lớn.
Dĩ nhiên, EU không thù ghét Việt Nam, họ mong muốn chúng ta làm tốt, tuân thủ các quy định để bảo vệ môi trường biển. Ngăn chặn các hành vi đánh bắt không xa bờ, không có lịch trình, dùng lưới không đúng quy định hoặc lấn chiếm vùng biển các quốc gia khác như Indonesia, Malaysia hay Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, thỉnh thoảng họ có nghỉ đánh bắt một thời gian, theo chúng tôi tìm hiểu thì đây là mùa cá đẻ, họ để cá lớn rồi đánh bắt, đó là quy định bảo vệ tài nguyên biển hướng đến phát triển bền vững mà chúng ta có thể học hỏi.
Quay trở lại câu chuyện phạt rút thẻ, khoảng cách từ thẻ vàng đến thẻ đỏ rất gần. Nếu EU rút thẻ đỏ thì rất nguy hiểm, vì đây là kênh xuất khẩu quan trọng. Về mặt thương mại, đây là vấn đề lớn. Thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực tuy nhiên nhận thức của ngư dân chưa thay đổi nhiều. Trong quá trình khắc phục, thi thoảng phía EU có kiểm tra đột xuất, chúng ta mới thực hiện được trên 80%, vẫn cần nỗ lực hơn nữa để quay trở lại cuộc chơi. 
-Bà Trần Thị Nguyệt, Văn phòng Dự án Phát triển bền vững Kinh tế tuần hoàn đặt câu hỏi: Mối quan hệ giữa kinh tế môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế bền vững tại Việt Nam hiện nay như thế nào?
PGS. TS Trương Mạnh Tiến: Việt Nam đang có rất nhiều nỗ lực để phát triển bền vững một cách hài hòa giữa kinh tế và môi trường. Lấy ví dụ đơn giản, kinh tế tuần hoàn là việc chất thải của nhà máy này lại là nguyên liệu của nhà máy khác... Kinh tế tuần hoàn là sử dụng một cách hiệu quả, dần tiến tới không phát sinh chất thải. Cơ chế chính sách đều hướng tới phát triển bền vững.
Cũng trả lời câu hỏi của bà Trần Thị Nguyệt, TS Nguyễn Văn Phương có ý kiến: Sự phát triển bền vững hình thành dựa trên nền kinh tế xanh. Trong đó, kinh tế xanh có nhiều định nghĩa khác nhau, tuy nhiên cùng chung mục tiêu hướng đến một nền kinh tế không có chất thải. Để hướng đến kinh tế xanh, các nước đi một bước trung gian là kinh tế tuần hoàn. Và đương nhiên, kinh tế tuần hoàn lấy càng ít nguyên nhiên vật liệu từ tài nguyên càng ít càng tốt, quay vòng quy trình sản xuất và tiêu dùng, quay lại quy trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Đó được hiểu là nền kinh tế tuần hoàn.
Về mặt pháp luật, các yếu tố manh nha của kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện từu từ Luật Bảo vệ môi trường 1993, đó là vấn đề giảm thiểu thu gom, phân loại, tái chế tái sử dụng chất thải…, của tất cả các chất thải khác nhau ở tất cả các ngành nghề lĩnh vực khác nhau. Việc đưa vào trong quy định của pháp luật khái niệm này thì đến năm 2020 mới được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 tại Điều 142, sắp tới mới có hiệu lực và quy định nhiều công đoạn khác nhau từ thiết kế sản phẩm trong quá trình sản xuất cho đến tiêu dùng.
Đức là quốc gia triển khai kinh tế tuần hoàn khá sớm, quy định đầy đủ tại Luật Kinh tế tuần hoàn được thông qua khoảng giai đoạn 1996-2000, chuyên gia, bạn đọc, các khách mời có thể tham khảo.
Tuy nhiên, rõ ràng giữa trình độ phát triển khoa học kỹ thuật và vấn đề môi trường ở Việt Nam và Đức khác nhau. Trên thế giới có nhiều hình thức phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng với trình độ phát triển hiện nay và vấn đề bức xúc về mặt môi trường cần giải quyết thì chúng ta đặt mục tiêu xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trên cơ sở những yếu tố cấu thành của nó và Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có quy định để xây dựng các yếu tố cấu thành của kinh tế tuần hoàn.
Tôi hi vọng sau khi Luật này được ban hành và triển khai trong thời gian không xa khoảng 5-10 năm thì chúng ta có hình hài của kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 3
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trả lời câu hỏi tại Tọa đàm. 

Khoảng 3 -5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng bụi mịn

-Bạn đọc gửi câu hỏi qua fanpage Tạp chí Kinh tế Môi trường: Chuyên mục dự báo thời tiết nhắc khá nhiều đến khái niệm bụi mịn. Trong khoảng thời gian tưởng chừng trong lành nhưng tỉ lệ bụi mịn rất cao, nhất là tại các đô thị lớn như TP.Hà Nội, TP.HCM. Vậy theo các chuyên gia, chúng ta cần phải có các giải pháp giảm bụi mịn như thế nào và phải chờ trong bao lâu?

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: WTO khuyến cáo bụi mịn gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe. Với kích thước rất nhỏ, bụi mịn gây ra rất nhiều loại bệnh. Hiện nay tỉ lệ bụi mịn đang ở mức rất cao. Hơn 20 năm nghiên cứu bụi mịn vẫn chưa tìm ra được câu trả lời hoàn chỉnh. Trong đó, bụi mịn chia thành sơ cấp và bụi mịn thứ cấp. Nguồn gốc phát sinh bụi mịn từ xe máy, công trình xây dựng... Tôi cho rằng, phải mất ít nhất khoảng 3 -5 năm nữa mới có giải pháp tổng thể cho tình trạng hiện nay.

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 4
GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (bên phải).

- Nhà báo Phạm Khánh Huyên – Phóng viên Báo Sức khỏe Cộng đồng: Vấn đề ô nhiễm môi trường ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của con người?

PGS.TS Trương Mạnh Tiến: Chúng ta đều sinh sống, hít thở nguồn không khí, sử dụng chung nguồn nước… Tất cả những thứ đó hiện nay ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. 

10h35: Phát Clip ứng phó biến đổi khí hậu

10h25: Ông Doãn  Công Khánh

Với tư cách một nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu muốn lắng nghe các ý kiến phản biện, tôi rất xúc động khi được tham gia Tọa đàm này.

Năm 1997, thành lập tổ tọa đàm môi trường, tôi nói các ông cứ làm tốt khâu nghiên cứu thương mại, vấn đề môi trường cứ để các nhà nghiên cứu môi trường làm. Là một tổ chức thuộc Bộ xin phép được thành lập Trung tâm Thương mại Môi trường năm 1997.

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 5
Ông Doãn Công Khánh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thương mại và Môi trường Viện Nghiên cứu Thương mại. 

Đây là một lĩnh vực liên ngành, có thể nói đến vài ba ngày cũng không hết chuyện, chưa kể đến các lĩnh vực khác. Thứ nhất: Hoạt động thương mại có tác động gì đến môi trường theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Thứ hai hoạt động môi trường có ảnh hưởng gì đế hoạt động thương mại.

Qua thực tiễn có thể thấy, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại tại Châu Âu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa biết khi nào mới khôi phục được trạng thái bình thường hóa.

Đấy là câu chuyện đan xen giữa chính trị và kinh tế để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045 như PGS.TS Trương Mạnh Tiến đã nói ban đầu hay không? Nếu như Campuchia rất dễ dàng tham dự WTO, thì Việt Nam phải mất 4,5 năm đàm phán mới có thể tham dự thành công.

Có thể nói đây là thành công bước đầu giúp Việt Nam ra biển lớn. Tuy nhiên đây cũng chỉ là ưu thế trong ngắn hạn. Với ưu thế nhờ việc tham dự hàng loạt hiệp định thương mại tạo ưu thế cho hàng hóa của Việt Nam xâm nhập vào các thị trường khác nhau.

10h10: Bước tiến về pháp luật bảo vệ môi trường và những vấn đề cần giải quyết

TS Nguyễn Văn Phương: Bước tiến về pháp luật bảo vệ môi trường và những vấn đề cần giải quyết TS Nguyễn Văn Phương cho biết, có 4 công cụ để nhà nước có thể hướng tới mục tiêu vừa giải quyết vấn đề kinh tế xã hội vừa giải quyết vấn đề môi trường.

Thứ nhất là công cụ pháp lý, Nhà nước sử dụng quyền lực Nhà nước để xác định các nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Thứ hai là công cụ kinh tế. Lúc này Nhà nước sẽ không sử dụng quyền lực Nhà nước nữa mà sẽ sử dụng lợi ích kinh tế để định hướng hành vi. Tất nhiên các công cụ kinh tế này có thể được thể hiện dưới hình thức chính sách hoặc pháp luật.

Thứ ba, Nhà nước sử dụng công cụ thông tin truyền thông, các phương tiện thông tin truyền thông khác để từ đó tạo nên dư luận xã hội, từ đó tác động đến hành vi của con người, trong đó có doanh nghiệp và các chủ thể khác.

Cuối cùng, các quốc gia hay sử dụng vai trò của cộng đồng, người dân. Từ việc phát huy vai trò của người dân sẽ tác động đến các hành vi khác trong xã hội, trong nội bộ người dân và các chủ thể khác trong xã hội để từ đó định hướng những hành vi thân thiện với môi trường.

Với tư cách là một trong bốn công cụ mà Nhà nước sử dụng, theo TS Nguyễn Văn Phương, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau liên quan đến pháp luật về môi trường. Dưới góc độ văn bản luật thì văn bản quan trọng nhất là Luật Bảo vệ môi trường. Đến nay, Quốc hội đã ban hành bốn đạo luật qua các năm 1993, 2005, 2014 và 2020.

Bên cạnh đó còn có các văn bản luật khác như Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Đó là những văn bản xác định nghĩa vụ bên cạnh quyền của các chủ thể khác nhau liên quan tới lĩnh vực môi trường. Đánh giá một cách khái quát, ở đâu đó trong các văn bản pháp luật vừa nêu đã có quy định thể hiện sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với giải quyết vấn đề môi trường.

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 6
TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật Môi trường, Đại học Luật Hà Nội.

Trước đây, chúng ta có thể đánh giá nhìn nhận rằng dường như giữa lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường đối lập và mâu thuẫn nhau nhưng xu hướng gần đây. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao xu hướng từ Luật Thủy sản 2017, Luật Lâm nghiệp 2017 và đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thể hiện rất rõ gắn kết việc giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường thông qua những quy định liên quan đến vấn đề kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế nhưng vẫn giải quyết vấn đề môi trường.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Phương cho rằng, vấn đề không chỉ dừng lại ở các quy định nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật, trọng hơn là quá trình tổ chức thực hiện quy định này và vấn đề thứ hai là cơ chế để có thể tổ chức hiệu quả những quy định, nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật từ Luật cho đến các Nghị định và các văn bản dưới luật khác.

10h05:

 Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường

TS Tạ Đình Thi: Toạ đàm với chủ đề Kinh tế Môi trường- xu thế phát triển tất yếu cho Kinh tế Việt Nam rất thiết thực đối với sự phát triển của Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Đại hội được quán triệt, theo đó tư tưởng phát triển bền vững, phát triển kinh tế trên nền tảng khoa học công nghệ bảo đảm sự hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng – an ninh và đối ngoại quốc tế, thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành 1 nước hùng cường.

Gắn bó ngay từ những ngày đầu thành lập Cục Môi trường năm 1993, PGS.TS Trương Mạnh Tiến là người trụ cột trong đơn vị. Tham gia các công việc quan trọng như chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Luật Bảo vệ môi trường 1993, Chỉ thị 36 và Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 24 của Ban chấp hành TW Đảng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Về các bộ luật, năm 2005 tổng kết 10 năm ban hành luật Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Năm 2020 Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường có nhiều điểm mới phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam, luật có hiệu lực từ 1/1/2022.

Đề cập nội dung về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, TS Tạ Đình Thi cũng cho rằng, Việt Nam có tài sản lớn là biển và truyền thống dựng nước, giữ nước đều từ biển. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối, cụ thể hóa và thể chế hóa về các nội dung đó. Trên cơ sở tổng kết Nghị quyết Trung ương 4 khóa X, Nghị quyết 09 về chiến lược biển Việt Nam năm 2020, Trung ương khóa XII tại kỳ họp 8 thông qua Nghị quyết 36 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là các chủ trường chính sách lớn về biển của Việt Nam. Và cũng có thể coi là tuyên ngôn chính trị về biển, khẳng định tư tưởng đường lối của chúng ta liên quan đến sự phát triển về biển đảo.

Phấn đấu đến năm 2030, chúng ta đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Tăng trưởng kinh tế biển và thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển ngày càng cao so với mức tăng trưởng chung của cả nước; đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; đáp ứng được các yêu cầu thiết yếu của người dân sống trên các đảo…

Tư duy trọng điểm phát triển bền vững. Đề ra các thuật ngữ tư duy biển xanh qua bàn bạc thống nhất tư duy phát triển bền vững biển xanh. 3 trụ cột quan trọng của quốc phòng an ninh, đối ngoại hợp tác quốc tế, du lịch và dịch vụ biển là những ngành ưu tiên đầu tiên, một trong nghành kinh tế không khói, hàng hải. Ngành thủy sản ưu tiên giảm đánh bắt gần bờ, tập trung nuôi biển, đánh bắt xa bờ. 

10h00:

TS Tạ Đình Thi: Trên cơ sở tổng kết NQ TW4 khóa 10, NQ 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, TW khóa XII tại kỳ họp 8 thông qua NQ36 về chiến lược phát triển bảo vệ kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Đây là các chủ trường chính sách lớn về biển của Việt Nam. Và cũng có thể coi là tuyên ngôn chính trị về biển, khẳng định tư tưởng đường lối của chúng ta liên quan đến sự phát triển về biển đảo.

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 7
TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam, Bộ TN&MT.

9h20:

Kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp để có được lợi ích về môi trường

Là người đầu tiên ở Việt Nam soạn thảo ra giáo trình môn Kinh tế Môi trường để đưa vào giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, GS.TS Hoàng Xuân Cơ có những chia sẻ khái quát về vấn đề kinh tế môi trường. 

Đầu tiên, cần phải để mọi người nắm rõ hệ kinh tế, hệ môi trường. Kinh tế môi trường, là một môn học mới. Trong đó, GS.TS Hoàng Xuân Cơ là người đầu tiên soạn giáo trình môn kinh tế môi trường. Hiện nay nhiều trường đã sử dụng giáo trình này. Mục tiêu nắm rõ quan hệ giữa hệ kinh tế và hệ môi trường. 

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 8
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (người ngồi bên phải).

Trong đó, hệ môi trường cung cấp tài nguyên cho hệ kinh tế và nó chứa đồng hóa chất thải cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề tài nguyên là vô hạn hay hữu hạn? Và làm sao để cung cấp tài nguyên cho phát triển kinh tế, làm thế nào để vừa phát triển vừa giữ lại được cho thế hệ sau?, GS.TS Hoàng Xuân Cơ đặt vấn đề. 

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, đối với việc sử dụng tài nguyên, chúng ta cần có phương án cụ thể. Đối với tài nguyên tái tạo phải có phương án tận dụng, tài nguyên không tái tạo được phải nghiên cứu nguồn tài nguyên thay thế, để duy trì phát triển bền vững. 

Trong kinh tế môi trường, luôn có sự bổ trợ, về kinh tế luôn sử sụng những công cụ như: Thuế, phí, trợ giá…, sau đó áp dụng sang môi trường, để quản lý. Định lượng môi trường, kinh tế môi trường tạo ra các biện pháp tạo ra lợi ích về môi trường, tính ra được những con số chi tiết về môi trường thực tế, để có những phương án điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó đánh giá được sự hiệu quả của kinh tế môi trường.

9h10:

PGS.TS Trương Mạnh Tiến thông qua nội dung chính trao đổi

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – VUSTA, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm. Theo đó, chương trình Tọa đàm sẽ tập trung vào các nội dung chính sau đây:

- Vấn đề đào tạo, kiến thức nền tảng về lĩnh vực kinh tế môi trường do GS.TS Hoàng Xuân Cơ dẫn dắt.

- Chia sẻ quan điểm, chủ trương, chương trình phát triển bền từ phía cơ quan quản lý Nhà nước do TS Tạ Đình Thi trình bày.

- Vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với chiến lược phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… do TS Nguyễn Văn Phương, ThS Hà Huy Phong… trao đổi.

- Kinh tế thương mại và vấn đề bảo vệ môi trường do ông Doãn Công Khánh trình bày.

9h05: Phát Clip Phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường

9h00: Khai mạc Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam, Bộ TN&MT.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 9
Các vị khách mời tham gia buổi Tọa đàm.

ThS. Nhà báo Phan Chí Hiếu - Phó Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Phó Tổng biên tập Thường trực Tạp chí Kinh tế Môi trường.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Nhà báo Nguyễn Tường Quân, Chánh văn phòng TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên Ban biên tâp, Tổng Thư ký Tạp chí Kinh tế Môi trường.

ThS. LS Hà Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc điều hành hãng luật Inteco.

Cùng các khách mời: TS Nguyễn Văn Phương, Trưởng bộ môn Luật Môi trường, Đại học Luật Hà Nội. Ông Doãn Công Khánh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thương mại và Môi trường (Viện Nghiên cứu Thương Mại).

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 10
PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường chủ trì buổi Tọa đàm.

Thạc sỹ Phạm Thị Mai Trang, Thạc sỹ Nguyễn Thị Hằng đến từ Đại học Luật Hà Nội. Bà Trần Thị Nguyệt, Văn phòng Việt Đức, Nghiên cứu và Phát triển bền vững tại Việt Nam.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến chủ trì buổi Tọa đàm.

8h30:

Đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ phát triển bền vững của đất nước, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam thành lập từ năm 2000, là tổ chức nghề nghiệp uy tín hoạt động trong lĩnh vực môi trường, kinh tế xanh. Trong quá trình hoạt động, các vấn đề nổi cộm về môi trường trong năm qua như ô nhiễm nước sạch, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu... đều được Tạp chí Kinh tế Môi trường - Cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kịp thời phản ánh, tạo được tiếng vang lớn trong lòng độc giả cả nước.

'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam' - Ảnh 11

Tuy nhiên, lâu nay, độc giả chỉ quen nhắc đến môi trường với những vấn đề như ô nhiễm, xả thải, rác thải… Chính vì vậy, khi nhắc đến kinh tế môi trường, nhiều người cũng thường nghĩ tới việc ô nhiễm, xả thải tác động đến sự phát triển kinh tế như thế nào? Song, kinh tế môi trường là một phạm trù rất rộng, bao hàm nhiều yếu tố. Chỉ khi hiểu được thế nào là kinh tế môi trường và ứng dụng của nó vào sản xuất, kinh doanh, chúng ta mới có thể giải quyết được bài toán, thách thức giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Từ lý do trên, Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Tọa đàm “Kinh tế Môi trường – Xu thế phát triển tất yếu cho kinh tế Việt Nam” nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, xác định những thách thức cũng như cơ hội cho doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế đi đôi với nhiệm vụ bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.

Tọa đàm hứa hẹn là buổi thảo luận bàn tròn thú vị, quy tụ các diễn giả nổi tiếng, đại diện đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, các nhà kinh doanh tiên phong trong lĩnh vực kinh tế môi trường tại Việt Nam...

Tham dự Tọa đàm có TS Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải Đảo Việt Nam, Bộ TN&MT. GS.TS Hoàng Xuân Cơ, ủy viên Ban thường vụ TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Trưởng Ban nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH QGHN.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Ủy viên đoàn chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. ThS. LS Hà Huy Phong, Trưởng ban Pháp chế TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Giám đốc điều hành hãng luật Inteco. Cùng nhiều khách mời khác.

Thời gian: 9h -11h ngày 24/3/2021

Địa điểm: Hội trường Tầng 2 VPlace, tòa nhà 84 Duy Tân, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Trân trọng kính mời quý độc giả cùng theo dõi!

Nhóm Phóng viên

Bạn đang đọc bài viết 'Khoảng 5-10 năm nữa sẽ có hình hài kinh tế tuần hoàn của Việt Nam'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới