Chủ nhật, 24/11/2024 08:36 (GMT+7)
Thứ tư, 24/06/2020 07:28 (GMT+7)

Khoét vào nỗi đau người dân

Theo dõi KTMT trên

Sau nhiều đợt ra quân trấn áp mạnh, nạn “cát tặc” hoành hành ở một số tỉnh thành Đông Nam Bộ gần như “tê liệt”. Nhưng giờ đây, việc khắc phục môi trường, thiệt hại tài sản của người dân… là bài toán nan giải cho chính quyền sở tại.

“Cát tặc” hoành hành

Xuôi dòng trên Hồ Dầu Tiếng, đoạn giáp ranh tỉnh Tây Ninh và Bình Phước, khu vực này nhiều năm qua bị “cát tặc” dày xéo, “moi gan, rút ruột” lòng sông, khiến bờ sông bị sạt lở. Đất đai canh tác nông nghiệp của người dân từng ngày bị “hà bá” nuốt chửng. Cuộc sống thôn dã của dân quê vốn đã nhọc nhằn thì nay khó khăn càng nhân lên gấp bội.

Khoét vào nỗi đau người dân - Ảnh 1
Nạn hút cát khiến bờ sông bị sạt lở.

Xuồng máy chạy dọc Hồ Dầu Tiếng, khi qua địa phận xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản tỉnh Bình Phước, anh T. một người dân địa phương chỉ tay về phía các khu đất lởm chởm ngập nước nói: “Eo sông nhỏ này trước đây là mảnh đất của gia đình tôi rộng khoảng tám mẫu đất dùng để trồng hoa màu. Nhiều năm qua, tình trạng hút cát vô tội vạ khiến lòng sông rỗng tuếch, đã “nuốt” chửng hơn phân nửa miếng đất. Trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc rầm rộ truy bắt, xử phạt, những chiếc ghe hút cát, xà lan vận chuyển cát hoạt động bất kể ngày đêm. Người dân chúng tôi đã bất lực. Đau đớn hơn khi từng ngày chứng kiến đất đai bị thu hẹp, dòng nước dần dần xâm lấn rồi nhấn chìm. Còn bãi tập kết cát to đùng nằm lọt thỏm trong khu dân cư mỗi khi có gió thoảng qua là người dân lãnh đủ. Để tránh bữa cơm trộn chung với cát, nhiều lúc tới bữa ăn chúng tôi phải đóng cữa mới nuốt nổi”.

Cũng theo ông T. khi hay tin gia đình ông có động thái báo cáo vụ việc đến cơ quan chức năng thì bất ngờ xuất hiện các đối tượng bặm trợn đến nhà đe dọa. Lo sợ, ông T. nhiều lần phải rời khỏi nhà một thời gian để…“lánh nạn”. Nhiều năm qua, người dân nơi đây gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền kêu cứu, nhưng rồi mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, các sà lan vận chuyển, ghe hút cát vẫn ngang nhiên cắm vòi xuống lòng sông hút hết tài nguyên, sinh kế của người dân…

Khoét vào nỗi đau người dân - Ảnh 2
Phương tiện khai thác cát phần lớn hoạt động chui.

Hút cả… “tấc đất, tấc vàng”

Ngược thượng nguồn sông Đồng Nai hướng về Lâm Đồng, dọc hai bên bờ sông, nhiều nơi sạt lở bị dòng nước nhấn chìm. Hướng tay về các mô đất bên bồi bên lở, ông H. người đưa chúng tôi đi thực tế nói: “Các cồn cát, mô đất đó là dấu vết của những đơn vị hút cát còn lưu lại. Những địa điểm đó trước kia là vườn tược, bờ sông, nay đã trở thành dòng nước chảy xiết”.

Tương tự, tại thượng nguồn sông Đồng Nai đoạn chảy qua huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, những năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông đã gây ra nhiều hệ lụy, làm sạt lở lòng sông, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân địa phương.

Được biết, trên địa bàn xã Thống Nhất, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng có 25 bến bãi tập kết cát xây dựng của 12 tổ chức, cá nhân đang hoạt động. Tất cả các bãi tập kết các đều không có Giấy phép hoạt động kinh doanh, nhiều bãi tập kết lấn chiếm phạm vi hành lang bảo vệ sông, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân. Điều đáng nói, nhiều tàu không có Giấy phép đăng ký phương tiện giao thông thủy nội địa và không Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.

Khoét vào nỗi đau người dân - Ảnh 3
Hoạt động khai thác cát “chui” bất kể ngày đêm.

Theo người dân địa phương, các đối tượng khai thác cát lậu còn cử người theo dõi, cảnh giới lực lượng đi tuần tra, nếu phát hiện là các “ăng ten” này thông báo cho các phương tiện khai thác cát lẩn tránh. Ngoài ra, đối tượng hút cát trái phép thường chọn vị trí giáp ranh giữa hai địa phương để khai thác, Khi lực lượng cơ quan chức năng địa phương này phát hiện, các phương tiện di chuyển sang địa phương khác tiếp tục hút cát, gây khó khăn cho lực lượng tuần tra, bảo vệ. Chính vì vậy, để trấn áp dứt điểm tình trạng này, nhiều địa phương phải cùng nhau phối hợp và đồng loạt ra quân.

Nạn hút cát đã khiến nhiều khu vực bờ sông trên Hồ Dầu Tiếng, sông Đồng Nai sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi tài sản, hoa màu và cả… “tấc đất tấc vàng” của người dân. Trải lòng về cuộc sống hiện tại, đa số người dân sống chung với thực trạng này đều thốt lên uất nghẹn. Họ đau đớn đến thắt ruột mà chẳng biết làm sao? Từng ngày thấy đất đai, tài sản… bị “thủy thần” hủy diệt mà nước mắt cứ lưng tròng. Nhiều lúc đầu óc luẩn quẩn, họ lóe lên suy nghĩ… muốn ăn thua đủ với các đối tượng khai thác cát một lần cho… sòng phẳng, nhưng rào cản pháp luật không cho phép họ thực hiện. Và, họ nghĩ rằng, đến một ngày nào đó, sẽ xuất hiện các vị “quan” thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh sẽ ra tay trừng trị những kẻ đã và đang thực hiện hành vi sai trái, lộng hành giữa chốn thanh thiên bạch nhật.

Qua công tác, phòng ngừa ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đoạn giáp ranh giữa xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, Bình Phước và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan công an hai địa phương phát hiện xử lý 862 vụ, 861 trường hợp vi phạm về khai thác kinh doanh cát trái phép, thu giữ trên 16.000 m3 cát, tạm giữ 57 tàu, xử lý hành chính với số tiền hơn 3 tỉ đồng. Gần đây nhất, cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ 51 trường hợp vi phạm và xử phạt hơn 116 triệu đồng.

Bên dòng chảy của các tuyến sông, những người cả đời mưu sinh bằng nghề hụp, lặn bắt con cua, con cá cũng thở dài về nỗi lo lắng về tương lai. Họ bất an khi từng ngày mất đi kế sinh nhai từ con nước mà bao đời qua đã bám trụ. Nhấp nhụm trà chát, hướng mắt ra khúc sông đục ngầu màu phù sa, anh B. một ngư dân ở xã Tân Hiệp kể chuyện cái ăn, cái mặc hôm nay mà lo sợ cho ngày mai. Bởi tình trạng khai thác cát đã khiến nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt. Hoàn cảnh gia đình anh B. ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Không mảnh đất cắm dùi, hàng chục năm qua vợ chồng sống tạm bợ trong căn chòi dựng dã chiến cạnh rìa bờ sông. Con cái vợ chồng gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc để chúng có cơ hội đi học, kiếm chút tương lai. Con sông vỗ về nuôi nấng người dân bao đời nay bỗng dưng trở thành con sông dữ, nó không còn cưu mang, nó đã lấy đi kế sinh nhai của người dân miền biên viễn. Những nỗi gian truân, cơ nhọc ngày càng chồng chất đó đều do nạn khai thác cát bừa bãi đến cùng kiệt gây ra.

Đình Du

Bạn đang đọc bài viết Khoét vào nỗi đau người dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới