Chủ nhật, 24/11/2024 08:47 (GMT+7)
Thứ năm, 11/06/2020 11:58 (GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Sông Bồ sạt lở nặng do 'cát tặc', chính quyền vào cuộc

Theo dõi KTMT trên

Sông Bồ đoạn qua thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) nhiều năm qua đang sạt lở trầm trọng, một phần lớn là do vấn nạn “cát tặc” diễn ra liên tục khiến người dân địa phương bức xúc và sống trong lo âu...

Tháng 5/2019, chuyện hy hữu đã xảy ra tại Thừa Thiên Huế khi người dân ở tổ dân phố Lại Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) đóng cọc tre rào kín như “trận địa” trên sông Bồ để ngăn chặn tàu thuyền khai thác cát, sỏi bừa bãi và trái phép rầm rộ.

Thời điểm này, Sở TN&MT Thừa Thiên Huế đã tiến hành đo đạc một số điểm trong khu vực mỏ khe Băng và mỏ bãi bồi Lại Bằng - 2 mỏ mà Công ty Tuấn Hải được cấp phép khai thác cát trên sông Bồ. Kết quả đo đạc cho thấy, Công ty Tuấn Hải khai thác quá độ sâu cho phép, ngoài ra còn khai thác ngoài phạm vi mỏ được cấp phép. Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã “mạnh tay” ra quyết định xử phạt công ty này 1,6 tỷ đồng đối với 2 mỏ, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản và buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường...

Thừa Thiên Huế: Sông Bồ sạt lở nặng do 'cát tặc', chính quyền vào cuộc - Ảnh 1
Người dân đóng cọc tre để ngăn chặn “cát tặc”.

Đầu năm 2020 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép tại sông Bồ đoạn qua thị xã Hương Trà vẫn tiếp tục tái diễn. Ghi nhận của PV hồi tháng 4 vừa qua, hằng đêm, nhiều thuyền với sức chứa từ 5 - 15m3 liên tục xuất hiện ở khu vực các phường Tứ Hạ, Hương Văn, Hương Xuân (thị xã Hương Trà) và xã Quảng Thọ, Quảng Phú (huyện Quảng Điền). Thuyền nhỏ dùng tời cùng sức người đưa cát từ lòng sông lên, thuyền lớn thì dùng máy hút gắn giảm thanh cắm thẳng vòi xuống đáy sông. Cứ thế, cát từ lòng sông Bồ ồng ộc trào lên cho đến khi “no” khoang và rời đi. Hậu quả là hai bờ sông Bồ đoạn ngang qua khu vực nói trên bị sạt lở hàng trăm mét.

Sau đó đến cuối tháng 4, quá bức xúc và để ngăn chặn “cát tặc”, bảo vệ tài sản, hoa màu; người dân đã góp tre, góp sức, làm chiếc cầu tre bắt qua Cổn Nổi (tổ dân phố Thanh Lương 2, phường Hương Xuân ở hạ nguồn sông Bồ) và được chính quyền đồng tình, hỗ trợ, hướng dẫn... Cồn Nổi này nằm giữa sông Bồ, trước đây rộng gần 10 ha, là nơi người dân Thanh Lương 2 trồng sắn, lạc. Một năm trở lại đây, nhiều sà lan, thuyền đến khu vực này hút cát trộm vào ban đêm khiến Cồn Nổi bị sạt lở nghiêm trọng, nay diện tích chỉ còn hơn 2 ha.

“Chúng tôi đã thành lập các tổ tự quản thay phiên nhau trực, tuần tra, đánh kẻng báo động. Việc chống cát tặc rất khó, bà con chúng tôi không ít lần bị chống trả, hoặc họ tháo chạy, phương án cuối cùng là làm cầu tre trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa rồi...”, một người dân chia sẻ.

Thừa Thiên Huế: Sông Bồ sạt lở nặng do 'cát tặc', chính quyền vào cuộc - Ảnh 2
Dựng cầu tre tại Cồn Nổi để chống “cát tặc”.

Trước những diễn biến phức tạp cho nạn “cát tặc” như kể trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có công văn chỉ đạo khẩn trương xử lý sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua địa bàn thị xã Hương Trà.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh – Phan Ngọc Thọ yêu cầu UBND thị xã Hương Trà khẩn trương chỉ đạo các địa phương tiếp tục cử lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, có biện pháp chế tài xử phạt nghiêm các hành vi khai thác cát, sỏi trái phép; có các biện pháp bố trí tiêu vè, rào chắn, biển báo tại các đoạn bị sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông khi đi qua khu vực này; có kế hoạch di dời, sơ tán các hộ dân sinh sống ở ven sông trong khu vực sạt lở trong mùa mưa bão.

Đồng thời, giao UBND thị xã Hương Trà xử lý khẩn cấp điểm sạt lở nặng đoạn qua Tổ dân phố Thanh Lương 2 (Cồn Nổi), phường Hương Xuân với chiều dài khoảng 500m nhằm bảo vệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và ổn định cuộc sống của nhân dân. Giao Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn thực hiện.

Thừa Thiên Huế: Sông Bồ sạt lở nặng do 'cát tặc', chính quyền vào cuộc - Ảnh 3
Sạt lở hai bên sông Bồ do khai thác cát trái phép.

Ngoài ra, yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng phương án đầu tư kè chống sạt lở bờ sông Bồ tại các khu vực nêu trên, đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó ưu tiên thực hiện tuyến kè đoạn sạt lở qua Tổ dân phố 4, phường Tứ Hạ, với chiều dài khoảng 1.200m.

Trao đổi thêm với PV, ông Hà Văn Tuấn – Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết, gần đây trên địa bàn “nóng” tình trạng khai thác cát sỏi trái phép gây sạt lở nặng hai bên sông Bồ, chính quyền đã chỉ đạo các phường, xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân sinh sống dọc các sông tăng cường cảnh giới, phát hiện các trường hợp phi pháp mà người dân có thể thực hiện được như kéo điện thắp sáng ban đêm dọc sông, bãi bồi, sử dụng các tấm phên chắn dọc bãi bồi để hạn chế sạt lở, cùng với đó thị xã cũng đồng tình, hỗ trợ việc người dân xây dựng cầu tre để ngăn chặn “cát tặc”...

Văn Dinh

Bạn đang đọc bài viết Thừa Thiên Huế: Sông Bồ sạt lở nặng do 'cát tặc', chính quyền vào cuộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới