Chủ nhật, 24/11/2024 05:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/06/2021 15:21 (GMT+7)

Khởi tố vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn

Theo dõi KTMT trên

Sáng 18/6, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk Lê Thanh Khánh cho biết, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo do Công ty lâm nghiệp Ea H’leo (Công ty lâm nghiệp Ea H’leo) quản lý.

Khởi tố vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn - Ảnh 1Rừng tự nhiên tại tiểu khu 64, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk giáp với tỉnh Gia Lai do Công ty lâm nghiệp Ea H’leo bị tàn phá nặng nề.

Trước đó, ngày 23/2, Nhân Dân điện tử đăng bài "Rừng tự nhiên giáp ranh giữa Đắk Lắk và Gia Lai bị tàn phá", phản ánh việc nhiều diện tích rừng tự nhiên ở xã Ea Sol do Công ty lâm nghiệp Ea H’leo quản lý bị tàn phá nặng nề sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ngay sau khi Nhân Dân điện tử phản ánh, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk và huyện Ea H’leo đã tích cực vào cuộc xác minh, làm rõ và đến nay quyết định khởi tố vụ phá rừng này để tiến hành điều tra làm rõ, xử lý theo quy định.

Theo phản ánh của người dân địa phương thì khu vực rừng bị triệt phá nằm rất sâu và giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Do đó, việc lâm tặc đột nhập vào rừng này để “xẻ thịt” các cây to rồi vận chuyển gỗ ra ngoài khó bị phát hiện.

Theo báo cáo của Đội Quản lý, bảo vệ rừng số 2 Công ty lâm nghiệp Ea H’leo, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, đội đã chủ động phân công các thành viên tổ chức tuần tra quản lý, bảo vệ rừng và trực các ngày Tết trên lâm phần đội quản lý nên không để xảy ra vụ xâm canh, lấn chiếm và vận chuyển lâm sản nào đi ngang qua lâm phần.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không như báo cáo, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trong dịp Tết vẫn xảy ra. Một số đối tượng biết được dịp này lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của công ty mỏng cũng như địa hình phức tạp, đường sá xa xôi mà lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trực Tết không thể tiếp cận được nên đã tổ chức phá rừng. Hiện trường vụ phá rừng tại lô 5, khoảnh 3, tiểu khu 64 có tọa độ VN2000 X: 88020 Y: 64484, diện tích rừng tự nhiên bị phá lên tới 9.300 m2, mức độ rừng bị thiệt hại là 95%; hiện trạng rừng gỗ tự nhiên núi đất rụng lá nghèo.

Khởi tố vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn - Ảnh 2
Nhiều cây rừng có đường kính lớn bị khai thác trái phép nhưng chủ rừng không hề hay biết.

Theo Đội quản lý, bảo vệ rừng số 2, Công ty lâm nghiệp Ea H’leo, lâm tặc đã dùng cưa xăng vào phá rừng với tổng số 275 cây. Qua nắm bắt thông tin, các đối tượng phá rừng là người dân ở thôn 7a, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, phá rừng để lấy đất làm nương rẫy.

Tại vị trí có tọa độ VN2000: X-89825, Y-65074 thuộc lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 68 nằm trên địa bàn xã Ea Sol có diện tích rừng bị phá là 2.800 m2, mức độ thiệt hại là 100%.

Bên cạnh đó, tại khoảnh 1, tiểu khu 64 giáp với tỉnh Gia Lai còn xảy ra tình trạng khai thác gỗ tự nhiên trái phép. Theo Công ty lâm nghiệp Ea H’leo, các đối tượng vào khai thác lâm sản trái phép ở đây là đồng bào ở xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai qua cắt hạ và vận chuyển lâm sản về tỉnh Gia Lai để làm nhà. Tuy nhiên, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng không bắt được đối tượng nào mà khi phát hiện ra rừng bị khai thác trái phép thì đã có hàng chục cây rừng đã bị triệt hạ.

Nguyễn Công Lý

Bạn đang đọc bài viết Khởi tố vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới