Chủ nhật, 24/11/2024 06:41 (GMT+7)
Thứ tư, 12/05/2021 06:50 (GMT+7)

Dông, lốc xoáy tàn phá 100 ha rừng tự nhiên trong Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát

Theo dõi KTMT trên

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đã báo cáo với UBND tỉnh về mức độ thiệt hại rừng do cơn mưa, kèm theo dông, lốc xoáy mạnh vào chiều 5/5 khiến nhiều cây bị bật gốc, ngã đổ trong phạm vi đơn vị quản lý.

Dông, lốc xoáy tàn phá 100 ha rừng tự nhiên trong Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát - Ảnh 1
Hàng loạt cây rừng tự nhiên, trong đó có khoảng trên 40 gốc cây cổ thụ, có nhiều cây trên 100 năm tuổi trong Khu di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam (xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) bị bật gốc, gãy đổ. 

Ông Châu Văn Văn, Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát cho biết, đây là cơn lốc xoáy cực mạnh, chưa từng xảy ra từ trước tới nay. Lốc xoáy xảy ra trong thời gian khá dài, trên diện rộng, trải dài từ khu vực ngã ba Xe Cháy, Cầu 16 đến Cua Chữ V, xuyên qua Khu di tích Trung ương Cục miền Nam và Di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thuộc các tiểu khu 1, 4, 5, 6, 12, 13 Khu rừng Chàng Riệc thuộc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Thiệt hại chủ yếu là cây rừng tự nhiên và rừng trồng.

Khu vực rừng tự nhiên bị thiệt hại nặng thuộc các tiểu khu 4, 5, 6 diện tích khoảng 100 ha, trong đó nặng nhất là Khu Di tích Lịch sử Trung ương Cục miền Nam và Di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Trong phạm vi cơn lốc đi qua, cây rừng ngã đổ hàng loạt, có nhiều khu vực toàn bộ cây rừng bị đổ. Nhiều cây gỗ lớn có đường kính hơn 1 mét cũng bị bật gốc, hoặc gãy ngang thân.

Cụ thể, tại Khu di tích Trung ương Cục miền Nam có 126 cây, Di tích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có 60 cây bị đổ hoàn toàn; rừng trồng, khu vực bị thiệt hại thuộc các tiểu khu 1, 12, 13 (khoảng 30 ha). Tại các nhà bia kỷ niệm như: Ban Kinh tài, Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Hoa vận…có cây 16 cây ngã đổ; đường vào Khu di tích Trung ương Cục miền Nam (từ Cua Chữ V đến căn cứ ) có 22 cây ngã đổ.

Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, số lượng cây gãy đổ nằm sâu trong rừng tự nhiên thuộc các tiểu khu 4, 5, 6 còn rất nhiều, chưa thống kê hết. Trong đó, tiểu khu 4 bị thiệt hại nặng nhất, tập trung tại khoảnh 5, 6 với mức độ thiệt hại khoảng 30% đến 40% cây rừng lớn. Cây rừng ngã đổ cũng làm hư hại một số công trình thuộc các khu Di tích Trung ương Cục miền Nam và các nhà bia tưởng niệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương…

Khắc phục sự cố do thiên tai gây ra, trước mắt Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát thống nhất với đơn vị quản lý ngành giao thông ưu tiên cắt dọn cây rừng ngã đổ để đảm bảo giao thông từ Cua Chữ V đến khu Di tích Trung ương Cục miền Nam. Đến 14 giờ ngày 10/5 trên tuyến đường này đã được dọn, dẹp thông suốt.

Còn cây rừng ngã đổ tại các công trình khu di tích, bia tưởng niệm… Ban Quản lý Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát sẽ phối hợp với Ban Quản lý các khu di tích Lịch sử Cách mạng miền Nam sớm xử lý, cưa hạ các cây bị gãy đổ, dọn dẹp để mở cửa trở lại, phục vụ khách tham quan; đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các sở, ngành liên quan đo đếm, thống kê khối lượng, chủng loại cây ngã đổ cụ thể, báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương thu gom, tận thu, lập hồ sơ bán đấu giá. Riêng số lượng cây rừng còn lại nằm sâu trong rừng, đơn vị đề xuất để nguyên hiện trạng, không tác động.

Lê Đức Hoảnh

Bạn đang đọc bài viết Dông, lốc xoáy tàn phá 100 ha rừng tự nhiên trong Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới