Chủ nhật, 24/11/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ năm, 06/02/2020 13:41 (GMT+7)

Không đa dạng thị trường, du lịch thiệt hại nặng nề vì dịch nCoV

Theo dõi KTMT trên

Đó là nhận định của ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục khó khăn của ngành du lịch trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Chiều 5/2, Hiệp hội du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị đề xuất các giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do nCoV đối với du lịch Việt Nam.

Tại hội nghị, đại biểu một số sở du lịch, hiệp hội du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ, đề xuất giải pháp khắc phục những khó khăn mà ngành du lịch đang gặp phải trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV.

Không đa dạng thị trường, du lịch thiệt hại nặng nề vì dịch nCoV - Ảnh 1
Hội nghị đề xuất các giải pháp hạn chế tác động của dịch viêm phổi cấp do nCoV đối với du lịch Việt Nam.

Các ý kiến tập trung nêu rõ những khó khăn như việc số lượng khách sụt giảm nghiêm trọng, khách hủy tour, việc hoàn tiền cho khách, tăng giá vé ở các điểm tham quan, sụt giảm doanh thu, công điện số 396 của Bộ Văn hóa ban hành ngày 3/2/2020 chưa phù hợp với tình hình thực tế, gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch.

Điều hành hội nghị, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng: "Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp, nhiều địa phương bị động và choáng váng, chưa kịp chuyển mình. Có nhiều việc phải làm, có việc cần làm từ bây giờ, có việc cần làm ngay khi kết thúc dịch".

Xoay chuyển sản phẩm, kích cầu du lịch nội địa, đa dạng thị trường khách quốc tế

Lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 60-70% lượng khách quốc tế đến nước ta thời gian qua nên sự sụt giảm khách du lịch từ Trung Quốc, Hàn Quốc ảnh hưởng lớn đến doanh thu của ngành du lịch.

Đại diện doanh nghiệp du lịch ở Thái Nguyên lo ngại, sau khi hết dịch, mọi chi phí tăng trong khi nhu cầu du lịch giảm, nếu giữ nguyên hiện trạng, điểm đến tăng vé vô tội vạ, doanh nghiệp càng khó cạnh tranh với ngành du lịch nước ngoài.

Đại diện hiệp hội du lịch Lào Cai đề xuất phải tạo ra các gói kích cầu du lịch nội địa, có giải pháp quyết liệt chống khủng hoảng sau dịch.

Đại diện hiệp hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở Du lịch đã chuẩn bị cho chương trình kích cầu, có chương trình khảo sát kết nối điểm đến; đề xuất Hiệp hội du lịch kết hợp với ngành y tế chuẩn bị phương án đối phó chuyên nghiệp trong trường hợp nhân viên du lịch bị nhiễm nCoV, làm sao để không ảnh hưởng đến cộng đồng, đến doanh nghiệp và gia đình họ.

"Qua đợt dịch này chúng ta nhìn nhận thị trường quan trọng thế nào. Nếu chỉ tập trung vào 1,2 thị trường trọng điểm, khi có vấn đề thì du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng rất nhanh. Do vậy, cần đa dạng hoá thị trường và đa dạng loại khách", ông Vũ Thế Bình nói.

Không đa dạng thị trường, du lịch thiệt hại nặng nề vì dịch nCoV - Ảnh 2
Khách du lịch nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Thận trọng trong việc ban hành văn bản

Đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, trong thời điểm này, "việc quyết định đóng cửa tất cả các di tích, các danh lam thắng cảnh khác nào đóng cửa ngành du lịch"; các cơ quan quản lý ban hành nhiều văn bản còn chung chung, hướng dẫn cụ thể lại hạn chế.

Các đại biểu nhất trí kiến nghị Bộ Văn hoá sửa điều 2 công điện 396 ban hành ngày 3/2/2020, với lý do không nên cấm triệt để những điểm đến không có dịch do virus corona, chỉ dừng hoạt động tụ tập đông người chứ không nên đóng cửa các điểm tham quan.

Bên cạnh đó, hội nghị thống nhất đề xuất các bộ ban ngành tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành, các khách sạn, miễn giảm visa, có sự chung tay của ngành hàng không trong việc khắc phục thiệt hại, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vốn vay, hoãn trả lãi, thuế...

"Chúng ta phải khẳng định quyết tâm phòng chống dịch, đẩy mạnh du lịch nội địa, đề ra các biện pháp kích cầu du lịch, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế.

Giải pháp trước mắt thời gian này là tập trung đào tạo nhân lực, nâng cấp tay nghề, nâng cao trình độ, cải tạo cơ sở vật chất của điểm đến, khách sạn. Phải tận dụng tối đa thời gian này để khắc phục những việc đang bị chê là thiếu sót", ông Bình nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 3/2/2020, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch ban hành công điện số 396 gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong đó có khoản 2 đề xuất "Tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người; kịp thời thông báo cho nhân dân, du khách biết, thực hiện". Nội dung này vấp phải phản ứng của các doanh nghiệp du lịch, cho rằng chưa hợp lý với tình hình hiện nay.

Minh Anh

Bạn đang đọc bài viết Không đa dạng thị trường, du lịch thiệt hại nặng nề vì dịch nCoV. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới