Không khói rơm rạ, ngoại ô Hà Nội trong lành hơn
Thời điểm hiện tại, nông dân ngoại thành Hà Nội đã thu hoạch xong vụ mùa nhưng trên những cánh đồng không còn khói rơm rạ mù mịt như trước. Môi trường trong sạch hơn và ý thức người dân với môi trường cũng được nâng cao hơn.
Mỗi năm trên địa bàn Hà Nội phát sinh hơn 1 triệu tấn rơm rạ. Sau mỗi vụ mùa tại các huyện ngoại ô Hà Nội luôn mù mịt khói do đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
Do người dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ đun nấu như trước, nó không còn là chất đốt chủ yếu ở nông thôn trong khi nếu không đốt rơm rạ thì sẽ ảnh hưởng đến việc làm đất, sản xuất vụ kế tiếp.
"Bây giờ không nuôi trâu bò, đun nấu thì đã có bếp gas nên chẳng mấy ai thu gom rơm về nhà nữa. Biết là việc đốt rơm có thể gây ô nhiễm song để rơm giữa đồng thì không cấy lúa được", một người dân chia sẻ. Từ đó mới gây nên tình trạng đốt rơm rạ nhiều.
Ngày nay, nhiều giải pháp tối ưu cho bà con tái sử dụng rơm rạ. Như là sử dụng rơm rạ để trồng nấm vừa gia tăng kinh tế lại tránh đốt rơm rạ ảnh hưởng môi trường. Nông dân Sóc Sơn đang tích cực triển khai mô hình thu gom rơm rạ ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Ghi nhận nhiều sự chuyển biến, trên những cánh đồng không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng tại huyện Ba Vì. Trên cánh đồng của xã Tản Hồng không có một trường hợp nào đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Tại huyện Ứng Hòa, vụ xuân năm 2021, tổng số rơm rạ phát sinh sau thu hoạch là 45.980 tấn, đã được xử lý bằng các phương pháp như thu gom làm thức ăn gia súc, trồng nấm, tận dụng trồng rau màu chiếm 31%.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Dân, Sóc Sơn cho biết, vụ mùa vừa qua, nông dân đã thu được 30 tấn rơm rạ, ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng vụ đông. Tính toán sơ bộ, các hộ dân sẽ tiết kiệm được khoảng 60% chi phí phân bón cho cây trồng.
Nguyễn Linh (T/h)