Chủ nhật, 24/11/2024 17:30 (GMT+7)
Thứ ba, 08/03/2022 14:00 (GMT+7)

Không nên mua những loại TPCN, thuốc có tác dụng điều trị Covid-19 trên mạng

Theo dõi KTMT trên

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, khi bị nhiễm Covid-19, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của các bác sỹ không nên tự ý sử dụng các loại TPCN, thuốc có tác dụng điều trị Covid trên mạng, để tránh tiền mất tật mang.

Thời gian vừa qua dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng, trên địa bàn cả nước nói chung diễn biến phức tạp. Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 6/3 đến 18h ngày 7/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 32.317 ca Covid-19 (tăng 2.740 ca so với ngày 6-3), trong đó có 12.443 ca cộng đồng và 19.874 ca đã cách ly.

Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 147.358 ca nhiễm mới, trong đó có 23 ca nhập cảnh và 147.335 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 5.207 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (tăng 2.740 ca), Nghệ An (tăng 2.574 ca), Gia Lai (tăng 2.363 ca).

Không nên mua những loại TPCN, thuốc có tác dụng điều trị Covid-19 trên mạng - Ảnh 1
Luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc, TPCN có tác dụng điều trị Covid đang được rao bán trên mạng internet để tránh tiền mất tật mang. 

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bồi bổ sức khỏe… của người tiêu dùng càng tăng cao. Đây là một trong những cơ hội để thực phẩm chức năng (TPCN) dễ dàng đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm an toàn, có chất lượng, vẫn còn nhiều loại TPCN kém chất lượng, nhưng lại được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Thực tế, từ những quảng cáo quá mức về tính năng, tác dụng của các loại thực phẩm chức năng, thậm chí, người ta sẵn sàng mạo danh, mượn hình ảnh của cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện, cơ sở y tế để gắn vào nội dung quảng cáo hoặc nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo bệnh viện cho người bệnh nhằm mục đích quảng cáo thực phẩm chức năng.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn Phòng Tinh thông luật tại Hà Nội, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh thì các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kì, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định.

Luật sư Bình lưu ý người dân cần thường xuyên theo dõi các thông tin, khuyến cáo để biết thông tin về những sản phẩm quảng cáo sai sự thật và không mua, sử dụng các sản phẩm này. Để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng của mình, người tiêu dùng không nên cả tin vào những bài đăng bán hàng chưa được kiểm định trên mạng xã hội từ những người bán hàng online và cần có ý thức tự giác, cẩn trọng khi mua các sản phẩm bảo vệ sức khỏe qua mạng.

“Đặc biệt là những loại thuốc cần có chỉ định của bác sĩ nếu không rất dễ chịu cảnh tiền mất, tật mang. Khi có bệnh hay đơn giản là muốn dùng thực phẩm chức năng bổ sung cần phải được bác sĩ kiểm tra, tư vấn kỹ càng”, Luật sư Diệp Năng Bình đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng.

Cũng theo Luật sư Diệp Năng Bình thì các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các quy định về Quảng cáo thực phẩm tại chương VIII của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/02/2018 của Chính phủ Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Theo Điều 26. Các thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo 1. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. 2. Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

Đối với các cơ sở, cá nhân vi phạm về quy định về quảng cáo thực phẩm sẽ bị xử phạt theo Điều 23. Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, theo Điều 23. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. 

  1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
  3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật; b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

Hà Nam - Linh Chi

Bạn đang đọc bài viết Không nên mua những loại TPCN, thuốc có tác dụng điều trị Covid-19 trên mạng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới